Người có duyên với các giải thưởng về lịch sử

Một nữ cán bộ công đoàn luôn hết mình với công việc; một người có tính cầu thị, chịu khó nghiên cứu, học tập nâng cao chuyên môn, kiến thức; một đảng viên có duyên với các giải thưởng về lịch sử. Đó là chân dung của chị Lê Huỳnh Thị Hoa Phượng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh.

Người có duyên với các giải thưở

Nhận được tin đạt giải ba cuộc thi tìm hiểu 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Bình Thuận, chị Hoa Phượng rất xúc động và vui mừng. Giải thưởng lần này có giá trị về mặt tinh thần vô cùng lớn, là món quà dành cho người cậu thân yêu. Một người lính đi qua chiến tranh và đang gánh chịu những nỗi đau từ cuộc chiến, nhưng luôn khiêm tốn, giản dị và không bao giờ nhắc về thành tích của mình.

“Tôi sinh năm 1978, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, nên luôn cảm thấy may mắn và tự hào về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Niềm tự hào được nhân lên gấp bội khi ông ngoại, cha mẹ rồi cậu tôi đều hy sinh một phần xương máu cho nền độc lập dân tộc ấy. Vì thế qua mỗi câu chuyện mà người thân trong gia đình kể, những trang sử mà chúng tôi được học và các thước phim tài liệu, ca khúc cách mạng về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang luôn vang vọng trong tôi”, chị Hoa Phượng chia sẻ.

Chị Phượng có sở thích là đọc, xem các tư liệu về lịch sử và luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bởi thế ngay khi các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử cách mạng, về Đảng và Bác Hồ mở ra, chị luôn dành thời gian từ 1 – 2 tháng để nghiên cứu. Ngoài những tài liệu, hình ảnh tham khảo được đăng trên các tờ báo chính thống, trong các bài dự thi chị đều viện dẫn những tư liệu sống từ gia đình. Đó là sự hy sinh của ông ngoại và 4 người thân khác khi thực dân Pháp tới tận nhà bắn. Các ông đã hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất đời người, 19 - 27 tuổi với nhiều mơ ước, hoài bão cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Là trận chiến vào sinh ra tử của cậu và các đồng đội ở căn ÊSÊPIC…

Với bản thân mình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ phụ trách Nữ công, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bằng cách theo học các lớp sau đại học. 10 năm qua, hàng tháng gia đình đều lên kế hoạch tiết kiệm tiền để tặng học bổng cho các cháu mồ côi ở Trường Tình Thương tỉnh và hỗ trợ hàng tháng cho một học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ của trường; tặng quà cho các cháu mồ côi ở chùa Phước Thiện, huyện Hàm Tân, nhân dịp Tết Nguyên đán. Tuy số tiền không lớn nhưng chị muốn các cháu có thêm động lực để được đến trường, được vui chơi, hòa nhập cùng bạn bè. Còn trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị đã nhắn tin ủng hộ 1 triệu đồng kèm một số hiện vật là sữa và tự tay làm tặng 100 tấm kính chắn giọt bắn…

Lý luận luôn đi đôi với thực tiễn như vậy, nên không quá ngạc nhiên khi các bài viết của chị được ban giám khảo đánh giá cao. Kết quả năm 2012, chị giành giải nhì cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, do Tỉnh ủy tổ chức và giải nhất cuộc thi này năm 2017; năm 2019 là giải nhì cuộc thi viết “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, do Đảng ủy Khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh tổ chức.

“Tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử không chỉ để nâng cao tri thức bản thân mà còn góp phần truyền cảm hứng cho con cháu mình và các bạn trẻ đừng quên công ơn của thế hệ cha anh đã ngã xuống để cho chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no như hôm nay”, chị Lê Huỳnh Thị Hoa Phượng nói.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nguoi-co-duyen-voi-cac-giai-thuong-ve-lich-su-127468.html