Lỗ hổng lớn trong công tác hậu kiểm
Bộ Y tế khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm bịt kín các kẽ hở quản lý, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Liên quan đến vụ việc đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn với doanh thu lên đến 500 tỉ đồng vừa bị phát hiện, dư luận đặt câu hỏi về lỗ hổng trong công tác hậu kiểm và vai trò giám sát của cơ quan chức năng.
Theo Bộ Y tế, việc công bố sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ. Phần lớn sản phẩm thực phẩm hiện nay được phép tự công bố, chỉ một số nhóm sản phẩm đặc thù như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi... mới phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước trước khi đưa ra thị trường.
Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết việc trao quyền công bố sản phẩm cho doanh nghiệp (DN) nhằm giảm tải thủ tục hành chính, phù hợp xu hướng quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, DN phải cam kết thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hồ sơ pháp lý, chất lượng sản phẩm.
Theo quy định, hồ sơ công bố sản phẩm phải có kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong vòng 12 tháng và bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc thành phần tạo nên công dụng. Bộ Y tế khẳng định quy trình này nhằm ràng buộc trách nhiệm DN trong việc bảo đảm chất lượng và an toàn sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Về trách nhiệm giám sát, Bộ Công Thương cho biết lực lượng quản lý thị trường chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, do các DN trong vụ việc không thuộc diện quản lý chuyên ngành của bộ. Bộ này không có thẩm quyền thanh tra định kỳ hay hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất sữa, thực phẩm chức năng nêu trên.
Vụ việc hàng triệu lon sữa giả tiêu thụ trong suốt 4 năm qua cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác hậu kiểm, tạo điều kiện cho hành vi gian lận, đưa sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ra thị trường. Đáng chú ý, nhóm đối tượng mà các DN này nhắm tới lại là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bệnh - những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, ngày 15-4, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm - đặc biệt là những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến nhóm người già, trẻ em, người bệnh. Bộ yêu cầu các đơn vị kiểm tra hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đề nghị xử lý các trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, đặc biệt là những quảng cáo gây hiểu nhầm rằng sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh hoặc sai lệch về chất lượng và công dụng.
Bộ Y tế khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm bịt kín các kẽ hở quản lý, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-hong-lon-trong-cong-tac-hau-kiem-196250415213133383.htm