Người Cơ Tu gìn giữ điệu lý quê hương

Lối hát không vần điệu, không nhạc hỗ trợ, nói lý, hát lý được xem là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Nhưng nay, loại hình này có nguy cơ bị mai một do kén người học, người theo.

Làng là phải có “lý”

“Ô... ô... ô...”, đó là đoạn ngâm mở đầu của lời hát, một dấu hiệu để người Cơ Tu từ già đến trẻ đều nhận biết rằng đang trong cuộc hát lý. Những thanh âm kéo dài như gió, như suối tuôn, nhẹ nhàng mà bền bỉ, vang vọng mà dẻo dai. Tại nhà gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một già trong làng đang hát lý, nói lý cho lớp trẻ nghe. Giọng của già làng rầm rì, ánh nhìn thấp xuống, không còn sang sảng như trước. Những thanh niên trẻ im lặng dõi theo, như nuốt từng lời của già làng. Vừa nói, vừa hát, già làng vừa giảng giải ý nghĩa của từng sự vật, hiện tượng trong từng câu lý.

Hiện nay chỉ còn người già ở các thôn của người Cơ Tu có thể nói lý, hát lý hay và giải thích đúng nghĩa. Già làng Bùi Văn Siêng (74 tuổi, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: Làng nào không có hát lý, nói lý thì như không có trống, chiêng, nhà gươl, không đúng nghĩa là “làng”. Đây cũng được xem là nghệ thuật “so tài” giữa các bậc tiền bối của làng này với làng khác và giữa chủ nhà với khách. Chẳng hạn, khi định được ngày cưới, hai bên gia đình cùng nhau chọn ra những người lớn tuổi, có kiến thức, nhất là biết đối đáp đến nhà gái để giao lưu, thương lượng.

 Người Cơ Tu biểu diễn điệu múa truyền thống Tung Tung Da Dá và hát lý cho du khách thưởng thức

Người Cơ Tu biểu diễn điệu múa truyền thống Tung Tung Da Dá và hát lý cho du khách thưởng thức

“Đối với tục hỏi cưới, với dĩa trầu cau và chai rượu, đầu tiên, làng mình phải có người biết nói lý để đối đáp và thể hiện sự tôn trọng với làng khác. Nhà gái muốn đòi gì thì họ sẽ hát lý để yêu cầu. Trong hát lý tiếp theo, nhà trai sẽ trả lời có hay không và “giải lại” một cách thuận tình, thuận lý (do nhà không có điều kiện, con tôi giỏi giang) để giảm bớt sính lễ… Trong nói lý, hát lý, ngôn ngữ được sử dụng rất khéo léo bằng lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ; lấy sự vật hiện tượng để biểu đạt suy nghĩ, ý định của mình. Đối tượng nghe hát lý thấy càng khó thì chứng tỏ tài nghệ vượt trội của người hát, nhà trai sẽ được “nhờ” vì những ông mai tài tình”, già làng Bùi Văn Siêng lý giải.

Gắn du lịch với bảo tồn văn hóa

Theo già làng Đinh Hồng Khanh (73 tuổi, trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), giữa bộn bề khó khăn, nhờ cuộc nói lý, hát lý của các già làng đã giúp cư dân các thôn, làng kết nghĩa anh em. Xóa đi khoảng cách, địa vị, giàu nghèo, người dân hai làng cùng ăn trâu, uống rượu, cùng làm chung rẫy, chung máng nước. Những mâu thuẫn đời thường nảy sinh cũng được hòa giải bằng câu hát lý.

Tuy vậy, cái khó của hát lý là không theo một tiêu chuẩn, bài bản nào cả, mà tùy theo ứng khẩu của người đưa ra, đó là một quá trình đúc rút kinh nghiệm, am hiểu kiến thức của người hát, cho nên chỉ có một số người hát được. Người trẻ hiện nay không ai biết nói lý, hát lý và cũng không muốn đi sâu tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này. Trong khi đó, thế hệ già biết hát lý, nói lý như già Siêng, già Khanh ở xã miền núi Hòa Bắc không còn mấy người.

Anh Đinh Văn Hin (37 tuổi, Trưởng thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cho biết, để giữ gìn làn điệu này, lớp hát lý cho đồng bào Cơ Tu duy trì vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Giáo viên là già làng, có kinh nghiệm hiểu biết về truyền thống văn hóa của đồng bào. Đến nay, lớp học đã được tổ chức gần 2 tháng.

Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, nghệ thuật nói lý, hát lý đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, chủ trương bảo lưu giá trị văn hóa gốc được xem là nền tảng để các địa phương chung tay giữ gìn trước nguy cơ bị mai một. Bằng cách gắn hoạt động với phát triển du lịch, huyện Hòa Vang tổ chức cho người dân địa phương tham quan, nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở các làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vùng cao; phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới”; tập huấn, khôi phục các nghề dệt Thổ Cẩm, nấu rượu cần và các kỹ năng cần thiết…

Trước đây hát lý, nói lý chỉ được biểu diễn vào các dịp lễ, tết của người Cơ Tu. Giờ đây, họ có thể mang nét văn hóa của dân tộc mình ra biểu diễn phục vụ khách du lịch, vừa là hoạt động bảo tồn văn hóa Cơ Tu, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-co-tu-gin-giu-dieu-ly-que-huong-post727233.html