Người Cơ Tu miền núi Quảng Nam trồng chuối mốc thoát nghèo

Thời gian gần đây, nhiều hộ các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chọn trồng cây chuối mốc để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình này giúp đồng bào Cơ Tu thoát nghèo. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người trồng chuối kết nối với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Những ngày này, điểm thu mua chuối mốc tại xã Mà Cooih, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhộn nhịp người mua kẻ bán. Ông A Lăng Hối, người dân tộc Cơ Tu ở xã Mà Cooih trồng hơn 3 héc ta cây chuối mốc và chuối tiêu. Năm nay, chuối được giá lại được mùa nên bà con rất vui. Khu vườn chuối của ông Hối nằm trên sườn đồi ở xã Mà Cooih có 4 ngàn gốc. Trung bình, mỗi buồng chuối bán được 80.000 đến 150.000 đồng. Vào các ngày rằm và mùng một, dịp lễ, tết, tăng lên 200.000 đồng đến 500.000 đồng/ buồng.

Gia đình ông A Lăng Hối thoát nghèo nhờ trồng chuối mốc

Gia đình ông A Lăng Hối thoát nghèo nhờ trồng chuối mốc

Ông A Lăng Hối cho biết, mấy năm về trước, tại khu đất này, ông trồng bắp, trồng keo nhưng không hiệu quả, gia đình chuyển sang trồng chuối mốc. Bây giờ, gia đình ông Hối đã thoát nghèo, có tiền làm nhà, nuôi con ăn học:

“Trồng chuối thấy hiệu quả cao, cuộc sống ổn định. Trước đây tôi đi gom chuối sau đó đi bán lại thấy lợi nhuận nên mình có đất đầu tư trồng chuối. Thu nhập mỗi tháng trung bình hơn 10 triệu đồng, có tiền thu hàng tháng nên cuộc sống không còn khó khăn như trước. Mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện làm đường có phương tiện vận chuyển cây chuối.”

Tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có gần 1.000 hộ đồng bào Cơ Tu tham gia trồng cây chuối mốc. Năng suất đạt từ 25 tấn đến 30 tấn/ héc ta, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/héc ta.

Vườn chuối của ông A Lăng Hối.

Vườn chuối của ông A Lăng Hối.

Trước đây, bà con trồng chuối theo hướng nhỏ lẻ nhưng vài năm nay được chính quyền địa phương hướng dẫn, tư vấn về cách trồng, nhiều người đã chuyển qua phát triển cây chuối nhiều hơn. Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Huyện hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng chuối, làm quen với sản xuất hàng hóa: “Tại huyện Đông Giang hiện nay đang phát triển mô hình trồng chuối tại các xã JơNgây, Sông Côn, Mà Cooih, xã Ba, xã Tư, bà con rất tích cực trong mô hình trồng chuối. Cây chuối Đông Giang có vị thơm ngon. Huyện rất quan tâm bằng nhiều chương trình, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 của Hội đồng Nhân dân tỉnh hỗ trợ đến tận người dân khi có phương án để làm sao nâng cao sản phẩm vị thể cao hơn. Và nhiều siêu thị cũng chư các chợ tại Quảng Nam và Đà Nẵng biết nhiều hơn. Chuối là sản phấm quý gần như khách đến tham quan đều mua chuối, huyện tiếp tục nâng cao chuỗi liên kết, nâng cao giá trị hơn các mô hình kinh tế."

Người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo từ trồng cây chuối mốc.

Người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo từ trồng cây chuối mốc.

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có hàng ngàn hộ đồng bào Cơ Tu phát triển cây chuối mốc, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi cao Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang... Cây chuối là một trong những loại cây dễ trồng mang lại thu nhập chính cho người dân một số địa phương, góp phần ổn định đời sống cho nhiều hộ dân vùng miền núi. Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, Hội đã hỗ trợ vốn vay, cung cấp cây giống, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

“Đối với các huyện miền núi, bà con sử dụng nguồn vốn vay đầu tư phát triển một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện cuộc sống. Từ những mô hình này đã đóng góp cho Quảng Nam rất nhiều sản phẩm OCOP. Chúng tôi hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng cầm tay chỉ việc. Đặc biệt đối với huyện miền núi, chúng tôi làm rất hiệu quả, tạo thói quen cho bà con tập trung sản xuất hàng hóa, sản xuất an toàn, sản xuất sạch. Chúng tôi có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá hàng nông sản cho nông dân ra các tỉnh bạn để đưa sản phẩm của bà con trưng bày ở các nơi, giúp nông dân kết nối cung cầu với thị trường bên ngoài.”

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-co-tu-mien-nui-quang-nam-trong-chuoi-moc-thoat-ngheo-post1058030.vov