Người có uy tín góp sức bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số luôn là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng, thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ông Danh Chương (ngồi bên phải) gặp gỡ, lắng nghe người dân trên địa bàn. (Ảnh QUỐC TRINH)

Ông Danh Chương (ngồi bên phải) gặp gỡ, lắng nghe người dân trên địa bàn. (Ảnh QUỐC TRINH)

Thời gian qua, người có uy tín luôn cùng chính quyền, các cấp, ngành và lực lượng Công an nhân dân khu vực Tây Nam Bộ tích cực tham gia công tác xã hội, chăm lo cộng đồng, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, vận động xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, được người dân học hỏi, noi theo…

Những người tiên phong

Hơn 10 năm trước, ông D.H, ngụ tổ 4, ấp An Bình, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang thường xuyên nhậu nhẹt dẫn đến nợ nần, cuộc sống gia đình khó khăn. Không chịu nổi cảnh thiếu thốn, chồng bê tha, vợ ông D.H bỏ nhà ra đi. Lúc này, Đại tá Danh Chương, nguyên Trưởng phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Kiên Giang, sau khi nghỉ hưu trở về địa phương sinh sống, được bầu làm người có uy tín trên địa bàn xã. Với vai trò mới này, ông Danh Chương thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của ông D.H, giúp cha con ông này vươn lên.

Năm 2020, ông Danh Chương cho ông D.H mượn đất mặt tiền cất nhà để các con ông D.H mở tiệm sửa xe. Ông Danh Chương thường xuyên phân tích cho ông D.H và các con ông này hiểu rõ các quy định của pháp luật, giá trị của lao động… Từ sự giúp đỡ của ông Danh Chương, ông D.H dần dần sửa đổi, các con ông D.H giờ chí thú làm ăn, chấp hành tốt pháp luật.

Với đồng bào Khmer ở ấp An Bình, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, ông Danh Chương không chỉ là người có uy tín mà còn là trung tâm đoàn kết trong ấp. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Bình, Danh Hiệp, nhận xét: “Ông Danh Chương là người Khmer, am hiểu cuộc sống, văn hóa của đồng bào cho nên có cách tiếp cận, khuyên bảo rất hợp lý, hợp tình được nhiều người lắng nghe, làm theo. Hằng năm, ông Danh Chương còn cùng ban lãnh đạo ấp An Bình thực hiện nhiều cuộc hòa giải thành công ở cơ sở liên quan hôn nhân gia đình, tranh chấp tiền bạc, ranh giới đất đai… giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết bền chặt…”.

Phường 5 là một trong những phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Địa bàn phường có các cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo. Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng tình hình để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, tình hình tệ nạn xã hội ở đây cũng khá nổi cộm với tỷ lệ cao so với các địa bàn khác.

Thượng tọa Lý Đức, trụ trì chùa Sôm Rong, một trong những ngôi chùa nổi tiếng với pho tượng đức Phật Thích Ca nằm lớn nhất Việt Nam tọa lạc tại Phường 5, cho biết, vào tháng 3/2020, mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự” được xây dựng nhằm đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào Khmer trên địa bàn đã chuyển biến mạnh mẽ.

Thượng tọa Lý Đức ngoài trách nhiệm trụ trì, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, còn là đại biểu Quốc hội khóa XV. Dù ở cương vị nào, Thượng tọa Lý Đức cũng luôn phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông còn tìm tòi, học hỏi từ những câu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Điều mà tôi luôn muốn làm theo Bác Hồ chính là phong cách giản dị, biết yêu thương, san sẻ với mọi người chung quanh. Là một tu sĩ và là người đại biểu của nhân dân, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội, cần phải làm điều gì đó để giúp ích cho địa phương, cho bà con trong phum sóc”, Thượng tọa Lý Đức cho biết.

Để mọi người làm theo, nghe theo mình, trước hết, bản thân Thượng tọa Lý Đức luôn sống tốt đời đẹp đạo, tuyệt đối chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sau đó mới tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con. Nghe theo sư thầy, người dân ngày càng ý thức, cảnh giác trước các thủ đoạn của kẻ xấu và mạnh dạn đứng ra tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ sau một năm, nhờ hoạt động hiệu quả mô hình nêu trên, Phường 5 đã được Bộ Công an biểu dương toàn quốc.

Tại tỉnh Vĩnh Long, mô hình đồng bào Khmer tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương ngày càng phát huy hiệu quả. Nhờ được tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nên đồng bào có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; người dân am tường hơn về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước hòng phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân.

Qua ba năm thực hiện mô hình, người dân Vĩnh Long đã cung cấp cho lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin, giúp triệt xóa nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội. Thời gian gần đây, nổi lên tình hình phức tạp tại chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên quan vấn đề “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo mô hình đã phối hợp cùng lực lượng công an tiếp xúc, phân tích tình hình cho những người có uy tín trong đồng bào Khmer cùng sư sãi, phật tử trên địa bàn. Sau khi hiểu rõ tình hình, sư Thạch Sắc ở chùa Cần Thay đã không tham gia hướng dẫn lớp ngồi thiền tại chùa Đại Thọ; tu sĩ Thạch Tiền đã không tham gia, không ủng hộ các hoạt động chống đối của Thạch Chanh Đa Ra.

Các vị có uy tín đã cùng cơ quan chức năng thông tin, giải thích việc cơ quan chức năng bắt giữ Thạch Chanh Đa Ra là đúng theo quy định pháp luật, qua đó tạo sự đồng tình, thống nhất cao trong sư sãi, phật tử và nhân dân.

Với những đóng góp tích cực của các vị có uy tín, mô hình đồng bào Khmer tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Công an công nhận là mô hình mang lại hiệu quả cao trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Nhân rộng các điển hình tiên tiến

Vùng Tây Nam Bộ hiện có 453 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với hơn 10 nghìn sư sãi đang tích cực hướng dẫn đồng bào phật tử theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; khuyến khích đồng bào chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng hành các sư sãi là những người có uy tín trong cộng đồng như các vị trong ban trị sự chùa, cán bộ người Khmer hay người sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương…

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong giai đoạn 2018-2024, các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã xây dựng, duy trì hoạt động 265 mô hình, 260 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các mô hình được xây dựng đa dạng, phong phú, phù hợp đặc điểm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho công an hơn 181.000 nguồn tin, giúp cơ quan chức năng giải quyết gần 34.300 vụ việc, bắt giữ, răn đe nhiều đối tượng, băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến là điểm sáng, gương sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội hóa cao được triển khai thực hiện trong hầu hết địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận, đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực.

Việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là đề cao vai trò của người có uy tín, đã góp phần đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Thời gian tới, tình hình khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Việc tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần nâng cao hơn nữa, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

NGUYỄN PHONG, QUỐC TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-co-uy-tin-gop-suc-bao-ve-an-ninh-to-quoc-post825550.html