Phát triển toàn diện, vững chắc từ 'Tam nông' (Bài 2)

Với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2008 - 2022 kinh tế Trà Vinh có bước phát triển mạnh và đạt mức tăng trưởng khá qua thực hiện các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Đây là tiền để để 'tam nông' Trà Vinh 'bứt phá'.

Cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW hiện nay; trước đó, trong giai đoạn (2008 - 2022), Trà Vinh triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2008 - 2022 kinh tế Trà Vinh có bước phát triển mạnh và đạt mức tăng trưởng khá qua thực hiện các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Đây là tiền để để “tam nông” Trà Vinh “bứt phá”.

Giai đoạn 2008 - 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) bình quân tăng khoảng 10,83%/năm, đây là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước và trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều kết quả bứt phá qua thực hiện “tam nông” đã góp phần đưa bộ mặt nông thôn của Trà Vinh chuyển biến rõ nét; hạ tầng nông thôn không ngừng đầu tư xây dựng; các công trình trọng điểm cấp quốc gia đầu tư trên địa bàn như: Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, hệ thống cảng biển... đã tạo điều kiện cho sản xuất, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng: từ 18,38% năm 2008, tăng 31,97% năm 2022; dịch vụ: từ 21,32% tăng 30,97%; giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 60,3% năm 2008 còn 30,99% năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong 10 năm qua luôn gia tăng, bình quân tăng 3,13%/năm; năm 2022 đạt 30.237 tỷ đồng (theo giá năm 2010), tăng 10.594 tỷ đồng so với năm 2008; giá trị sản xuất/héc-ta đất nông nghiệp đạt 204 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,7 lần so năm 2008; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 44,53 triệu đồng/năm, tăng gấp 4,81 lần so với năm 2008.

Trong thực hiện tam nông, các cấp Hội Nông dân đã đồng hành cùng nông dân triển khai các nguồn vốn chính sách hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế; mời gọi các doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết với nông dân về tiêu thụ nông sản; chuyển giao, tập huấn khoa học - kỹ thuật… đã có hàng ngàn lượt nông dân tham gia và hưởng lợi từ các chương trình “tam nông” được Nhà nước hỗ trợ thông qua Hội Nông dân tỉnh với các đơn vị đối tác.

Hạ tầng giao thông vào khu chợ trái cây ấp Trà Điêu (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè) được tỉnh đầu tư hoàn chỉnh.

Hạ tầng giao thông vào khu chợ trái cây ấp Trà Điêu (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè) được tỉnh đầu tư hoàn chỉnh.

Đồng chí Quảng Thanh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: qua thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong 05 năm (2018 - 2022), thực hiện các dự án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã và đang đầu tư 469 dự án/5.240 lượt hộ hội viên vay (trong đó, có trên 2.000 lượt hộ Khmer vay); tổ chức 154 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn/3.704 học viên (trong đó, có 723 hội viên là dân tộc Khmer). Hội phối hợp các ngành đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được 3.648 lao động (trong đó, có 909 hội viên nông dân là dân tộc Khmer)...

Về đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh, trật tự nông thôn được bảo đảm; sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao được tăng cường, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, Sư cả chùa Kành-Đa (xã Hòa Ân) chia sẻ: Nhân dân và đồng bào Phật tử rất phấn khởi, hài lòng bởi những thay đổi về diện mạo nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; nhất là đời sống kinh tế, tinh thần của người dân ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo đầu tư và phát triển…

Với những kết quả mang lại trong giai đoạn 2008 - 2022 đã tạo sự “bứt phá” để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/phat-trien-toan-dien-vung-chac-tu-tam-nong-bai-2-39879.html