Người con quê hương Ninh Bình tâm huyết với sự nghiệp giáo dục
Mai Văn Túc - cái tên không còn xa lạ với bao thế hệ học trò và giáo viên yêu thích môn Vật lý trên cả nước. Những năm gần đây anh còn được biết đến với vai trò của một người truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần 'học đi đôi với hành' nói không với dạy chay, học chay trong nhà trường đồng thời còn là 'chuyên gia nhặt sạn' SGK. Chứng kiến những việc bao năm qua anh làm, những mong muốn anh luôn ấp ủ và cả nỗi niềm trăn trở theo anh hàng ngày tôi dám chắc anh là một nhà giáo chân chính, luôn đam mê công việc và tận tụy với nghề.
Bước vào kỳ nghỉ hè năm nay cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, anh Mai Văn Túc và vợ (là giáo viên cùng trường) quyết định về quê ở xã Thanh Lạc (huyện Nho Quan) nghỉ ngơi, thăm lại anh em họ hàng và trải nghiệm lại những trò chơi ngày thơ bé như đá bóng, thả diều, gặt lúa… Anh nói, đây thực sự là khoảng thời gian "sống chậm" rất ý nghĩa, giúp anh lấy lại sức khỏe, tinh thần làm việc sau rất nhiều năm tháng làm việc không ngừng nghỉ.
Tôi có may mắn học cùng trường nhưng khác khoa với anh hồi đại học. Vì cùng hội đồng hương nên chúng tôi khá gắn bó. Ngày ấy, anh Mai Văn Túc đã nổi tiếng là người ham học hỏi, đam mê sáng tạo. Chả thế mà phòng anh ở trong ký túc xá Mễ Trì lúc nào cũng ngổn ngang đài, quạt điện, đồng hồ hỏng… Người nhờ sửa, người thấy hỏng bỏ đi anh đều nhận, xin hết. Cũng với niềm đam mê ấy, khi ra trường anh đã về quê Nho Quan mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước nghề này kiếm khá tiền và anh đã là người góp phần không nhỏ cho người dân vùng lân cận có được những thiết bị điện tử tiên tiến với giá thành thấp để sử dụng. Làm được ít năm anh nghĩ mình cần phải làm gì có ích hơn cho xã hội và anh quyết định xin đi dạy học tại Trường THPT Nho Quan B ngay gần nhà.
Trong dạy học, anh luôn có phong cách riêng, không quá nặng nề về soạn giáo án, cũng không coi trọng điểm số, cái chính là phải dạy để học sinh nắm chắc, hiểu sâu kiến thức cơ bản thông qua những thí nghiệm trực quan, sinh động và phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng học được sao cho hiệu quả. Trong thời gian mấy năm công tác tại Trường THPT Nho Quan B, anh đã khẳng định được tính hiệu quả của học đi đôi với hành và phương pháp dạy học hấp dẫn bằng những kết quả cụ thể.
Ngay năm đầu tiên, khi Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường không chuyên tham gia thi chọn HSG Quốc gia cùng với Trường chuyên Lương Văn Tụy anh đã có 2 học sinh được chọn vào đội tuyển HSG Quốc gia của tỉnh. Năm 2005, khi cậu con trai đầu của anh thi đỗ vào chuyên Lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh cũng quyết định xin chuyển công tác về ngôi trường uy tín này. Tại đây, anh có thêm nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ của mình. Ngoài giờ lên lớp, anh cặm cụi chế tạo thêm đồ dùng, dụng cụ thí nghiệm để minh họa cho tiết học thêm sinh động, có lẽ vì vậy mà giờ học của anh thời gian luôn trôi nhanh.
Anh Mai Văn Túc còn có một niềm đam mê "rất nhã" là sưu tầm đồ xưa, vì thế mà căn nhà 5 tầng của anh ở Vũ Hữu - Hà Nội nhìn giống như một bảo tàng, chuyên trưng bày đồng hồ, radio, ti vi… Thú vị ở chỗ, có những đồ vật cách đây gần một thế kỷ nhưng được anh chăm chút nay vẫn còn hoạt động tốt.
Không bằng lòng với những gì đã có, những năm gần đây anh Mai Văn Túc quyết định phát triển nghề nghiệp theo hướng mới. Anh đã sáng lập ra Trung tâm thí nghiệm Vật lý Edison tại Hà Nội. Tại đây các em học sinh đủ các lứa tuổi (từ bậc THCS trở lên), các thầy cô giáo đều có thể được thỏa sức đam mê sáng tạo qua những thí nghiệm từ đơn giản đến phức tạp. Cũng từ những cái nôi đào tạo như thế này tình yêu khoa học của các em cứ lớn dần, không ít em đã trở thành những kỹ sư, chuyên gia giỏi phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Sau mấy năm hoạt động, sự thâm hụt về tài chính đầu tư cho việc học đi đôi với hành quá lớn nên anh đã phải đưa ra quyết định rất khó khăn là bán phần lớn món đồ cổ trong nhà và bán cả ô tô, vay thêm tiền ngân hàng để mua thiết bị. Có lần anh cùng gia đình đi du lịch bên Úc, điểm tham quan anh lựa chọn nhiều hơn lại chính là phòng thí nghiệm trong các trường học, là các trung tâm nghiên cứu khoa học. Khi về, túi to, túi bé của anh cũng toàn đồ dùng, thiết bị dạy học.
Anh nói, hiện, nhiều thiết bị dạy học môn Vật lý do anh tự nghiên cứu, sáng chế nhưng cũng nhiều thứ phải mua. So với đồ nhập khẩu thì thiết bị mình làm rẻ hơn nhiều và chất lượng không thua kém. Điều quan trọng, những thứ mình làm, mình sắm đều là những đồ thiết yếu, cần trong giảng dạy. "Tôi rất xót xa khi chứng kiến nhiều trường học, nhiều tỉnh bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng để mua thiết bị thí nghiệm xong không sử dụng hoặc sử dụng một cách hình thức, gây lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân"- anh Mai Văn Túc chia sẻ.
Thấu hiểu những tổn thất to lớn do việc dạy chay, học chay tràn lan gây ra. Với phương châm lan tỏa tình yêu khoa học, học đi đôi với hành, anh Mai Văn Túc đang hiện thực hóa ước mơ đưa mô hình trải nghiệm KHKT Edison về các tỉnh, thành phố và hiện đã mở được ở Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh...
Anh cho biết, anh rất muốn mở một trung tâm như vậy tại quê hương Ninh Bình để góp phần cùng ngành Giáo dục tỉnh nhà đổi mới phương pháp dạy học, khơi nguồn sáng tạo cho các em học sinh yêu thích KHKT nói chung và môn Vật lý nói riêng nhưng vì một số lý do nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Tới đây anh sẽ quyết tâm làm, hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của ngành Giáo dục địa phương.
Không chỉ đam mê sáng tạo, anh Mai Văn Túc còn là người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Theo dõi công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục, anh đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn để những người làm công tác quản lý của ngành phải lưu tâm, chú trọng.
Vừa qua, với công việc "nhặt sạn SGK" anh đã chỉ ra rất nhiều sai sót về kiến thức trong các bộ SGK KHTN 6. Đây là một công việc có ý nghĩa rất lớn nhưng cũng vô vàn khó khăn về nhiều mặt và không phải ai cũng có thể làm. Mới đầu, khó khăn chồng chất bởi ngay trong đội ngũ tác giả và hầu hết các giáo viên chưa tin về việc SGK có nhiều sai sót đến thế.
Thật may mắn, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của anh và với tinh thần cầu thị, ngày 19/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các NXB yêu cầu rà soát, tiếp thu ý kiến phản biện để sửa chữa.
Đại diện các NXB cũng đã gặp gỡ anh và cho biết sẽ có biện pháp chỉnh lý kịp thời, đồng thời mời anh tiếp tục tham chỉnh sửa SGK lớp 6; tham gia phản biện và viết sách đối với chương trình SGK mới trong thời gian tới.
Anh Mai Văn Túc cho biết, sứ mệnh lan tỏa tinh thần học đi đôi với hành và công việc nhặt sạn SGK của anh chắc sẽ còn dài, tốn không ít thời gian, sức khỏe và cả tiền bạc nhưng thành quả mang lại cho đất nước là rất lớn. May mắn phía sau anh luôn có gia đình, bạn bè đồng nghiệp làm điểm tựa, đặc biệt là có người vợ rất hiểu chồng, vì chồng cùng những đứa con ngoan, giỏi giang và hiếu thảo.
Bài, ảnh: Hà Trang, Nguyễn Yến