Người con trai của phi đội Quyết Thắng
Hán Thanh Sơn - người con trai của phi đội Quyết Thắng năm xưa nay tham gia điều hành nhiều chuyên cơ của các nguyên thủ các nước tới Việt Nam.
47 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử khi phi đội Quyết Thắng, Không quân nhân dân Việt Nam đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, cắt đứt đường tiếp tế và vận chuyển của địch bằng đường không, đóng góp một chiến thắng quan trọng để tiến tới thời khắc lịch sử của đất nước - Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Một người con trai của phi đội Quyết Thắng đã ra đời sau mùa xuân lịch sử đó. Cha của anh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân Hán Văn Quảng - một thành viên của phi đội Quyết Thắng - một người lính đã cùng biết bao đồng đội của mình “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
40 năm sau, con trai của ông đã điều hành những chuyến bay an toàn, điều hòa, hiệu quả đón những chuyến bay chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia Mỹ cùng nhiều cường quốc khác tới với Việt Nam.
Đây là câu chuyện về Hán Thanh Sơn, Kíp trưởng không lưu, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân thuộc Trung tâm Quản lý bay miền Bắc, người gắn bó với Đài chỉ huy Cảng HKQT Nội Bài hơn hai mươi năm như một định mệnh.
Chỉ cần 2 ngày rưỡi để làm chủ một chiếc máy bay mới
Những ngày này, anh em hàng không thường hay kể lại câu chuyện của những người anh hùng phi công của phi đội Quyết Thắng năm xưa. Là con trai của một người anh hùng trong phi đội, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?
Những ngày này, tôi nhớ bố rất nhiều. Bố tôi, một người con của quê hương đất Tổ Phú Thọ đã được vinh dự được lựa chọn tham gia đội hình chiến đấu của Phi đội Quyết thắng.
Tháng 3/1975, những bước chân thần tốc của bộ đội ta đã giải phóng Huế và Đà Nẵng, thu được một số máy bay chiến đấu của địch. Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ) nhận được chỉ thị gấp rút của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, khẩn trương huấn luyện khí tài mới để đưa vào chiến đấu. Phi đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không không quân đã được Bộ tư lệnh Quân chủng xem xét, lựa chọn để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy đường tiếp tế và vận chuyển đường không của địch.
Chiều ngày 22/4/1975, bố tôi cùng các đồng đội là các bác Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hoàng Mai Vượng từ sân bay Gia Lâm bay vào sân bay Đà Nẵng và được Đại tá Trần Mạnh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PKKQ giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện chuyển loại A-37 của địch ngay ngày hôm sau để triển khai một trận đánh lớn bằng chính loại máy bay này.
8 giờ 30 phút ngày 28/4, toàn phi đội cơ động máy bay A-37 vào sân bay Phan Rang (Ninh Thuận). Bố tôi và đồng đội được giao nhiệm vụ tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, bởi đây là mục tiêu diện rộng, dễ nhận biết, dễ phát hiện từ xa, thuận lợi cho việc tấn công.
Khi đánh trúng mục tiêu này sẽ cắt đứt cầu đường vận chuyển hàng không của địch. Tuy nhiên có khó khăn đó là khi tấn công vào sân bay phải bảo đảm an toàn cho trại David, cách đường băng 300m, nơi có phái đoàn quân sự của ta làm việc.
Đúng 16h15 phút ngày 28/4/1975, phi đội 5 chiếc A-37 được lệnh chuyển vào cấp 1 và mở máy, xuất kích chiến đấu từ sân bay Phan Rang. Mỗi máy bay mang 4 quả bom loại 250 cân Anh. Khi còn cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 20km, toàn bộ phi đội phát hiện được sân bay và lần lượt từng chiếc bổ nhào vào không kích mục tiêu.
Ngày hôm nay, lịch sử đã ghi nhận đó là trận đánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ta đánh vào sào huyệt địch ngay trước ngày 30/4 khiến chúng hoang mang tột độ, đội hình rối loạn, đồng thời cắt đứt đường hàng không của địch... thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Là kiểm soát viên không lưu, anh có thể hình dung ra được những khó khăn này đối với những phi công như bố anh thời điểm đó không?
Tôi không rõ lắm về hàng không quân sự, nhưng đối với hàng không dân dụng, sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Để đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm.
Trong chiến tranh, chúng ta không có thời gian và thực sự không có cơ hội để được học tập bài bản như thế.
Phi đội của bố tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị trận đánh. Khó khăn đầu tiên là ký hiệu trên máy bay toàn bằng tiếng Anh, mà trong đó các máy bay của ta sử dụng toàn ký hiệu bằng tiếng Nga. Bác Nguyễn Thành Trung sau đó đã nghĩ ra phương án lấy giấy viết tiếng Việt và dán lên các phím và công tắc điều khiển trên máy bay.
Khó khăn nữa là vấn đề thời gian, chúng ta phải khai thác và làm chủ một chiếc máy bay mới chỉ trong vòng có 2 ngày rưỡi. Đó là một quá trình học tập và nỗ lực có thể nói là thần kỳ. Không thể học toàn bộ mọi nội dung trong thời gian đó. Bố tôi và đồng đội chỉ ưu tiên học những nội dung quan trọng và thiết thực nhất như cách sử dụng buồng lái, ném bom, cắt bom, sử dụng cửa dầu…
Anh lựa chọn nghề kiểm soát viên không lưu, hay đó là do bố định hướng?
Bố không hề định hướng cho nghề nghiệp của tôi sau này. Ông luôn dành cho các con sự chủ động. Tuy nhiên có một sự trùng hợp kỳ lạ. Đó là khi tôi còn nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi gì đó. Bố tôi đã đưa tôi tới đài chỉ huy bay K4 của Lữ đoàn 918.
Trong ký ức của tôi, đó là nơi có các cô chú bộ đội luôn nghiêm túc, tập trung truyền đi những khẩu lệnh rõ ràng và mạch lạc.
Khi học trong trường tôi hiểu hoạt động huấn luyện bay quân sự luôn đòi hỏi thông tin liên lạc phải thông suốt, nếu bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành của chỉ huy bay, thậm chí có thể dẫn đến uy hiếp an toàn bay tại sân bay Nội Bài. Vì vậy, đặc biệt phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng kiểm soát viên không lưu của Hàng không dân dụng và các chiến sỹ tại đài K4.
Sau này, tôi được về công tác tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân, Trung tâm Quản lý bay miền Bắc, nhiều lần tôi được sang đài K4 để hiệp đồng với lực lượng điều hành bay quân sự. Tôi vẫn thường nói đùa với các anh chị rằng "em đã đi trực ở đài K4 từ khi em mới học lớp 1".
Có một câu hỏi khá tế nhị, anh nghĩ như thế nào khi bố mình là một anh hùng, còn bản thân thì chỉ là một kiểm soát viên không lưu?
Tôi đã có gần 20 năm gắn bó với công việc này và hiện vẫn đang là một kíp trưởng không lưu làm việc tại đài kiểm soát không lưu Nội Bài. Tôi không mong mình sẽ trở nên vĩ đại, nhưng tôi gắn bó và yêu công việc mà tôi đang làm.
Có câu chuyện nói về một vị Tổng thống Mỹ, khi tới thăm trung tâm vũ trụ NASA, ông đã hỏi một nhân viên vệ sinh đang quét dọn: “Anh đang làm gì thế?”. Người nhân viên này đã trả lời: “Tôi đang hỗ trợ các đồng nghiệp để đưa người lên vũ trụ”.
Nếu chúng ta coi mỗi chuyến bay chỉ là những chuyến bay thì chúng ta sẽ làm việc với một tinh thần khác. Còn nếu chúng ta gắn bó với những chuyến bay vì đó là những đôi cánh mang yêu thương và hạnh phúc để gắn kết mọi người, chúng ta sẽ làm việc với một tinh thần hoàn toàn khác.
Bố “đánh cho Mỹ cút”, con trai nâng cánh “đón tàu bay Mỹ”
Anh là một người con trai của phi đội Quyết Thắng. Bố của anh, một người lính đã cùng đồng đội “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 40 năm sau, con trai của ông đã điều hành những chuyến bay an toàn, điều hòa, hiệu quả đón những chuyến bay chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng như nhiều nước khác tới Việt Nam. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này của đất nước, anh có thể chia sẽ về cảm xúc của mình?
Tôi đã tham gia điều hành nhiều chuyên cơ của các nguyên thủ các cường quốc tới Việt Nam trong nhiều sự kiện lớn như ASEM, APEC, trong đó có cả chuyên cơ của Tổng thống Mỹ.
Đối với cá nhân tôi, điều hành bất kỳ chuyến bay chuyên cơ hay các chuyến bay thông thường đều phải bảo đảm tuân thủ mọi quy định về an toàn ở mức cao nhất.
Tôi có một suy nghĩ vui như thế này. Ngày xưa, đế quốc Mỹ bay vào đất nước ta để ném bom rải thảm mà không hề xin phép. Khách sạn Sofitel Metropol Hà Nội những ngày bom đạn ấy có những chiếc hố cá nhân được đào để người dân Hà Nội tránh bom Mỹ…
Ngày hôm nay, họ xin phép bay vào đất nước chúng ta với tư cách là những người bạn, là đối tác, và chúng ta cấp phép và điều hành để họ đi và đến an toàn.
Khách sạn Sofitel Metropole ngày xưa có những hố tránh bom thì ngày hôm nay đã trở thành nơi Tổng thống Mỹ tới và cư trú.
Làm kiểm soát viên không lưu, chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên chào đón họ khi tới với chúng ta và là những người cuối cùng nói lời chia tay với họ trên bầu trời. Cũng rất thú vị phải không?
Cảm ơn anh vì những câu chuyện rất ý nghĩa mà anh chia sẻ nhân ngày chiến thắng 30/4!
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-con-trai-cua-phi-doi-quyet-thang-d550883.html