Người công nhân già với tình yêu biển

Ở Xí nghiệp Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ai cũng quý mến công nhân Phạm Đức Thanh, bởi tuổi đã cao song ông vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm và có tình yêu biển mãnh liệt. Ông cũng có sáng kiến hữu ích, cải tiến xe kéo máy sàng cát, giúp bãi biển sạch đẹp hơn.

Cái khó ló sáng kiến

Sinh ra trong một gia đình có đông anh em, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên ông Phạm Đức Thanh sớm phải đi học nghề, tìm việc làm từ khi mới học xong trung học cơ sở. Ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau như sửa gara ô tô, chạy xe thuê, phụ vợ bán hàng ăn sáng.

Cơ duyên gần 10 năm trước, ông Phạm Đức Thanh trở thành công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, với nhiệm vụ chuyên môn là lái xe kéo máy sàng cát, vì ông có khả năng chuyên môn vừa biết lái xe, sửa xe, để có thể tự mình khắc phục những hỏng hóc thông thường khi làm việc ban đêm.

Sau 22 giờ hằng ngày, công nhân Phạm Đức Thanh bắt đầu công việc lái xe kéo máy sàng cát.

Sau 22 giờ hằng ngày, công nhân Phạm Đức Thanh bắt đầu công việc lái xe kéo máy sàng cát.

Công việc vất vả nhưng hiệu suất lao động không cao khiến ông nhiều trăn trở. 5 năm trước, sau đêm giao thừa khi ngồi nghỉ ngơi sau thời gian dài chạy xe sàng cát, vì quá nhiều rác dồn lại trên biển, ông Thanh chợt nghĩ: “Tại sao không làm cái gì khác, cải tiến bộ phận lấy rác giúp thu nhặt rác đơn giản hơn?”.

Nung nấu ý tưởng, rồi tự mình thiết kế, vẽ sơ bộ, ông tìm đến xưởng cơ khí, gặp thợ gò hàn yêu cầu làm đúng ý định của mình. Sau một tuần, sản phẩm cũng hoàn thành trong niềm hân hoan của ông Thanh.

Bộ phận cải tiến là trục cuốn rác lẫn cát để đưa vào máy sàng, phần cát sẽ rơi xuống dưới và rác sẽ được chuyển vào thùng gom phía sau xe. So với thiết kế cũ thì linh hoạt hơn rất nhiều.

 Trục cuốn rác cũ (bên trái) và trục cuốn rác cải tiến (bên phải) của công nhân Phạm Đức Thanh. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trục cuốn rác cũ (bên trái) và trục cuốn rác cải tiến (bên phải) của công nhân Phạm Đức Thanh. Ảnh nhân vật cung cấp.

Ông Thanh kể: “Trục cuốn lấy rác cũ là 80 bánh răng inox, cuốn tròn trục, trong một đêm làm nếu gặp rác cứng, rác lớn phải nắn chỉnh bánh răng liên tục, rất mất thời gian sửa chữa. Bên cạnh đó, mỗi ngày đi làm về đều phải tiến hành bảo trì, tốn công sức hơn nhiều”.

Để kiểm nghiệm tính hiệu quả, sản phẩm trục cuốn rác làm ra, ông Thanh chưa vội báo cáo lên cấp trên mà tự mình điều chỉnh, sử dụng. Sau một thời gian, đồng nghiệp cùng làm việc, nói chuyện chia sẻ với nhau, ông Thanh có sáng kiến gom rác trên biển rất hiệu quả, nhờ thế, mọi người đều đỡ vất vả trong thu gom rác.

Được sự động viên của ban lãnh đạo công ty, ông Thanh tiếp tục giao thợ cơ khí chế tạo trục cuốn rác thứ hai, để lắp vào xe cho một đồng nghiệp khác. So sánh chi phí với sản phẩm cũ, bình quân một năm tiết kiệm cho mỗi xe được khoảng 60 triệu đồng, nhưng điều quan trọng hơn là công suất thu gom rác đạt hiệu quả gấp nhiều lần và tiết kiệm được nhiều nhân công.

 Công nhân Phạm Đức Thanh bên xe kéo máy sàng cát.

Công nhân Phạm Đức Thanh bên xe kéo máy sàng cát.

Mong mọi người góp sức gìn giữ bãi biển sạch đẹp

Khi mọi người chuẩn bị giấc nồng thì cũng là lúc ông Thanh, người công nhân già gần 60 tuổi mới bắt đầu công việc của mình. Ông Thanh ngồi lên cabin, điều khiển xe sàng cát “tìm rác”. Tiếng kêu lách cách đi “tìm rác” của chiếc xe vang lên, trở nên quen thuộc với nhiều người.

Tuyến bờ biển dọc đường Trần Phú, TP Nha Trang có hai xe kéo máy sàng cát thì ông Thanh đảm nhiệm một nửa tuyến đường. Những lúc bình thường thì công việc diễn ra từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, nhưng gặp dịp lễ, Tết, nhiều rác hơn, thì đến 10 giờ sáng ông mới kết thúc công việc.

 Bờ biển sạch đẹp, bờ cát phẳng lỳ sau mỗi đêm lái xe kéo máy sàng cát của công nhân Phạm Đức Thanh.

Bờ biển sạch đẹp, bờ cát phẳng lỳ sau mỗi đêm lái xe kéo máy sàng cát của công nhân Phạm Đức Thanh.

- Công việc như vậy thì giờ giấc sinh hoạt của anh cũng bị đảo lộn? Tôi hỏi ông Thanh.

- Gần 10 năm nay, tôi vào nghề đã phải xác định như vậy. Ban đầu vợ, con cũng phản đối lắm, nhưng khi thấy tôi yêu nghề, gắn bó, làm sạch bờ biển hơn, có thêm thời gian phụ vợ bán hàng ăn sáng thì cũng yên tâm - ông Thanh tâm tình.

Công việc vốn vất vả, thu nhập chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, được thêm nước yến phụ cấp độc hại, ông Thanh gắn bó với nghề bằng chính tình yêu biển của người con sinh ra và lớn lên trên phố biển. Ông Thanh bộc bạch: “Mỗi khi xong công việc, bờ biển sạch rác, bờ cát trắng phẳng lỳ kéo dài xa xa, mọi mệt mỏi đều tan biến. Tôi cảm thấy tình yêu với biển càng được tăng lên gấp bội”.

 Công nhân Phạm Đức Thanh tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh nhân vật cung cấp

Công nhân Phạm Đức Thanh tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo ông Trần Văn Hương, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang, dù đã tuổi cao song ông Thanh là người nhiệt huyết, luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Xe sàng cát do ông Thanh cải tiến được đưa xuống bãi biển gom rác suốt 5 năm qua, phần nào giúp người lao động đỡ vất vả, bảo đảm vệ sinh môi trường.

- Hiện tại anh mong muốn điều gì?

“Mong người dân và du khách hãy luôn chung tay, góp sức gìn giữ bãi biển sạch đẹp bằng những hành động đơn giản nhất là đừng xả rác xuống biển, vì biển thiêng liêng và hiền hòa lắm”, ông Thanh chia sẻ.

Với sáng kiến cải tiến bộ phận của xe kéo máy sàng cát, cùng với sự tâm huyết trong công việc, công nhân Phạm Đức Thanh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì có thành tích xuất sắc đột xuất trong lao động sản xuất.

Năm 2020, ông Thanh cũng vinh dự được tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Clip công nhân Phạm Đức Thanh lái kéo máy sàng cát thu gom rác hằng đêm.

VŨ DUY HIỂN (Thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nguoi-cong-nhan-gia-voi-tinh-yeu-bien-781232