Người cựu binh lặng lẽ tri ân đồng đội

Mỗi ngày, cựu binh Trần Xuân Điểm (Hà Tĩnh) đều cần mẫn quét rác, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ - đó cũng là ông tri ân đồng đội đã khuất.

Cựu binh Trần Xuân Điểm ngày ngày tự nguyện chăm sóc khu nghĩa trang liệt sĩ.

Cựu binh Trần Xuân Điểm ngày ngày tự nguyện chăm sóc khu nghĩa trang liệt sĩ.

Hành động xuất phát từ trái tim

Mỗi sớm và chiều, người dân quanh khu bia tưởng niệm liệt sĩ ở xã Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lại thấy dáng người đàn ông tay cầm chổi tre, miệt mài quét dọn từng tán lá rụng, nhặt từng cọng rác. Đó là ông Trần Xuân Điểm, SN 1949, cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên – Huế.

Đều đặn mỗi ngày hai lượt, từ 5h30 sáng đến 7h, và từ 16h đến 18h chiều, bất kể nắng hay mưa, ông vẫn âm thầm làm công việc không ai giao, không ai bắt buộc ấy – như một lẽ tự nhiên, như một bổn phận trái tim.

 Cựu binh Trần Xuân Điểm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Cựu binh Trần Xuân Điểm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

“Không ai thuê, không ai trả công. Nhưng tôi thấy mình cần làm. Tôi là người may mắn trở về, còn bao người đồng đội đã nằm lại chiến trường, tuổi đời khi ấy còn quá trẻ…”, ông Điểm bộc bạch.

Với ông, việc dọn rác, quét lá, nhổ cỏ quanh bia tưởng niệm là cách giản dị nhất để tri ân. Nhiều hôm rác nhiều, sức khỏe không cho phép, ông còn thuê người phụ giúp, miễn sao khu tưởng niệm luôn sạch sẽ, trang nghiêm.

“Trong một lần đi thể dục, tôi thấy công viên quá bẩn, không có ai dọn. Tự nhiên có điều gì đó thôi thúc tôi. Tôi bắt đầu từ hôm ấy, rồi làm mãi đến giờ…”, ông nói nhẹ như không, nhưng đôi mắt rớm ướt.

Không chỉ dừng lại ở việc quét dọn, vào ngày mùng Một và ngày Rằm hàng tháng, ông thường tự bỏ tiền túi để mua hương hoa, trái cây thắp hương cho các liệt sĩ. Từng mâm lễ nhỏ được ông chuẩn bị chu đáo, bằng sự thành tâm và nỗi nhớ của một người lính năm xưa.

Ông kể, có lần trong lúc ngủ gật sau khi làm vệ sinh, ông mơ thấy các đồng đội lặng lẽ hành quân ngang qua khu bia tưởng niệm. Không một lời, không một tiếng súng, chỉ là bước chân quen thuộc… Giấc mơ ấy cứ trở đi trở lại khiến ông càng thêm day dứt và canh cánh trong lòng: “Phải giữ cho nơi yên nghỉ của họ luôn sạch sẽ, đó là điều duy nhất tôi có thể làm để tri ân”.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Điểm nhập ngũ khi mới 19 tuổi, chiến đấu tại Quân khu Trị Thiên –Huế. Năm 1969, trong một trận đánh ác liệt tại Dốc Chè (tỉnh Thừa Thiên Huế nay là TP Huế), ông bị thương và được chuyển ra miền Bắc điều trị. Gần 10 năm quân ngũ, ông luôn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, là tấm gương sáng giữa chiến trường gian khổ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê hương, sống trong tổ dân phố 14 (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên nay là xã Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

 Việc làm của ông tuy thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa.

Việc làm của ông tuy thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa.

Sau khi về hưu, thay vì lựa chọn cuộc sống an nhàn hưởng thụ tuổi già, thì hơn 3 năm qua, ông vẫn âm thầm, cần mẫn quét dọn, chăm sóc khu vực bia tưởng niệm liệt sĩ với tất cả lòng tri ân.

Việc làm thầm lặng của ông không hề vô hình. Ông luôn nhận được sự ủng hộ và tự hào từ gia đình. Người dân quanh khu vực luôn dành sự kính trọng cho ông. Bà Hoàng Thị Văn, sống gần công viên chia sẻ: “Không ai bảo, ông vẫn ngày nào cũng dọn sạch sẽ. Ông là tấm gương cho cả khu phố. Có tâm, có tầm, rất đáng quý”.

Từ hình ảnh người lính năm xưa đến một công dân gương mẫu hôm nay, ông Trần Xuân Điểm chính là minh chứng cho chân lý: Yêu nước không nhất thiết phải là những điều to tát, mà đôi khi bắt đầu từ việc nhặt một cọng rác, thắp một nén hương tri ân.

Ông Bùi Quang Trường – Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Xuyên – cho biết: “Hành động của ông Điểm là một nghĩa cử cao đẹp, rất nhân văn, thể hiện phẩm chất người lính Cụ Hồ trong thời bình. Việc làm của ông đã được nhiều tổ chức, cơ quan, báo chí ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều nơi mong muốn nhân rộng mô hình này như một cách lan tỏa tinh thần trách nhiệm, lòng tri ân và nghĩa tình của người cựu chiến binh hôm nay”.

Oanh Trần

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-cuu-binh-lang-le-tri-an-dong-doi-post740236.html