Người dân Anh chật vật trong 'cơn bão' lạm phát

Việc lạm phát tại Anh tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên qua đang ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống của người dân nước này.

Vài tháng nay, bà Heidi buộc phải quay ngoắt thói quen 180 độ. Thay vì thường xuyên quyên góp tại một ngân hàng thực phẩm, nơi cung cấp đồ ăn miễn phí cho người gặp khó khăn ở thị trấn Colchester thuộc hạt Essex, phía đông bắc thủ đô London như trước kia thì giờ bà lại đến đây để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Hóa đơn thanh toán hằng tháng tăng vọt. Tôi phải cắt giảm chi tiêu. Đó là lý do tôi tới ngân hàng thực phẩm”, người phụ nữ 45 tuổi này thừa nhận.

Tình cảnh của bà Heidi không phải là hiếm tại Anh. Giá cả liên tục tăng trong khi thu nhập bấp bênh vì dịch bệnh đã đẩy ngày càng nhiều người đối mặt với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Dẫn số liệu vừa công bố bởi tổ chức từ thiện Food Foundation của Anh, tờ Financial Times cho biết khoảng 4,7 triệu người trưởng thành (tương đương 8,8% tổng dân số) ở xứ sương mù đã trải qua “khủng hoảng lương thực” vào tháng 1-2022, cao hơn 20,5% so với tháng 7 năm ngoái. Thậm chí, 1 triệu người trong số đó cho biết không đủ tiền mua thức ăn và phải nhịn ăn ít nhất một ngày. Một khảo sát khác của Food Foundation cũng nêu rõ có 16% người được hỏi chia sẻ rằng họ phải hạn chế mua thực phẩm để dành tiền trang trải cho các nhu cầu thiết yếu khác. Trong khi đó, tổ chức từ thiện Trussell Trust có trụ sở tại thành phố Salisbury (Anh) dự báo lượng người nhận trợ giúp thực phẩm thông qua các cơ sở của tổ chức này trong năm nay sẽ tăng so với con số 2,5 triệu của năm 2021.

 Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Anh đã tăng mạnh trong thời gian qua.Ảnh: Getty Images

Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Anh đã tăng mạnh trong thời gian qua.Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, chi phí năng lượng leo thang cũng là một tác nhân “đổ thêm dầu vào lửa”. Đầu tháng này, cơ quan quản lý năng lượng Anh (Ofgem) công bố mức giá trần năng lượng sẽ tăng 54% từ tháng 4-2021. Động thái này có thể ảnh hưởng đến 22 triệu hộ gia đình, nhất là nhóm thu nhập thấp. Ở Anh, các hộ gia đình được đưa vào diện “nghèo năng lượng” khi chi dưới 10% tổng thu nhập cho điện và sưởi ấm. Đơn cử như bà Heidi chia sẻ chỉ riêng tiền điện của gia đình gần đây cũng tiêu tốn khoảng 80 bảng Anh/tháng so với 40-50 bảng Anh vào năm ngoái. Chính vì vậy, trong mùa đông này, nhiều gia đình Anh đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa “sưởi ấm hay thực phẩm”.

Thực tế trên đã phản ánh chính xác các tác động của tình trạng lạm phát đang diễn biến ngày một xấu đi tại Anh. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) mới đây cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 1 vừa qua đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 5,4% của tháng 12-2021 và cao hơn rất nhiều so với mức 0,7% của tháng 1-2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3-1992 với mức 7,1%. Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7% vào tháng 4 tới đây do quyết định trên của Ofgem. Với việc lạm phát liên tục tăng mạnh, hiện cao gần gấp ba lần mục tiêu 2% của chính quyền London, BoE đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới quyết định tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25 rồi sau đó là 0,5%.

Trong bối cảnh như vậy, người dân Anh phải “thắt lưng buộc bụng” đối với nhiều khoản chi tiêu cơ bản. Theo một nghiên cứu của Cơ quan quản lý viễn thông Anh (Ofcom), có tới 1/5 số hộ gia đình đang vật lộn thanh toán hóa đơn truyền hình, internet và điện thoại. Một số hộ thậm chí còn hủy dịch vụ hoặc cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo để trả chi phí sinh hoạt hằng tháng. Ofcom cảnh báo những thách thức này có thể trở nên trầm trọng hơn do áp lực chi phí sinh hoạt dự kiến còn tăng trong năm nay đối với một loạt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm giá năng lượng.

Giới chuyên gia đã tính đến đề xuất tăng lương nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính hộ gia đình của người dân Anh. Tuy nhiên, Thống đốc BoE Andrew Bailey lưu ý cần phải hạn chế việc tăng lương để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng chỉ khẳng định giới chức nước này thấu hiểu những áp lực về chi phí sinh hoạt mà người dân đang phải đối mặt, song cho biết chúng là các thách thức toàn cầu hiện nay.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nguoi-dan-anh-chat-vat-trong-con-bao-lam-phat-686275