Người dân Anh vật lộn với áp lực giá cả và thiếu rau tươi
Vốn đang vật lộn với giá lương thực tăng mạnh nhất kể từ năm 1977, người dân Anh có khả năng tiếp tục phải làm quen với tình trạng thiếu rau tươi trong bối cảnh chi phí tăng cao và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.
Trong những tuần gần đây, nhiều người dân Anh đã phải đối mặt với tình trạng thiếu các loại rau tươi như cà chua, dưa chuột và ớt sau khi vụ thu hoạch bị gián đoạn ở Bắc Phi làm giảm nguồn cung.
Ngoài ra, lạm phát cũng buộc các nhà nhập khẩu phải chi nhiều tiền hơn nhưng mua được ít mặt hàng hơn từ các thị trường nông sản trọng điểm như Tây Ban Nha. Nhiều nhà bán lẻ thực phẩm của Vương quốc Anh mua ít hàng hơn do khách hàng không có đủ khả năng chi tiêu và do đó khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Reuters trích dẫn dữ liệu từ cơ quan thuế Vương quốc Anh cho thấy nước này chỉ nhập khẩu 266.273 tấn rau trong tháng 1/2023 – một con số nhỏ nhất kể từ tháng 1/2010 khi dân số Anh ít hơn hiện tại 7%.
Tình hình thậm chí còn trở nên phức tạp hơn do sản lượng các loại rau củ thường được dùng để làm salad tại Vương quốc Anh dự kiến đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2023 theo Hiệp hội Nông dân Quốc gia (NFU).
Theo Reuters trích dẫn ông Lee Stiles, thư ký của Hiệp hội những người trồng trọt ở Thung lũng Lea, tính tới tháng 3, khoảng một nửa các thành viên hiệp hội vẫn chưa gieo trồng trong khi 10% thành viên đã ngừng giao dịch từ năm 2022. Hiệp hội này bao gồm các nhà sản xuất chịu trách nhiệm cho khoảng 3/4 vụ dưa chuột và ớt ngọt toàn Vương quốc Anh.
Nguyên nhân cho việc này tới từ chi phí năng lượng tốn kém ngăn cản các nhà sản xuất tại quốc gia này trồng trọt trong nhà kính. Tỷ suất lợi nhuận các sản phẩm tươi sống thường là khoảng 1% tới 2%, nhưng năm nay tỷ suất lợi nhuận này đã giảm do chi phí năng lượng, nhiên liệu và lao động cao.
Tất cả các yếu tố trên đã góp phần đẩy lạm phát lương thực của Anh lên mức chưa từng thấy trong gần 50 năm. Dữ liệu từ nhà nghiên cứu thị trường Kantar hôm 28/3 cho thấy lạm phát giá hàng tạp hóa ở Anh đạt mức kỷ lục 17,5% từ 19/2 tới 19/3, đặt ra thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách.
Nhận định về tình hình này, ông Jack Ward, Giám đốc điều hành của Hiệp hội những người trồng trọt của Anh, cho biết hiện tương lai của các nhà sản xuất thực phẩm tươi tại Anh đang được đặt trong dấu hỏi.
Trong khi đó, nông dân, hiệp hội nông nghiệp và chủ cửa hàng thậm chí còn cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhiều hơn ở phía trước khi việc thiếu rau tươi có thể lan rộng sang các loại cây trồng khác bao gồm tỏi tây, súp lơ và cà rốt vì hạn hán vào mùa hè và sương giá mùa đông. Reuters cho biết một số người trồng táo và lê cũng cảnh báo việc không trồng đủ cây để duy trì vườn.
Ông Andrew Opie, giám đốc thực phẩm và tính bền vững của Hiệp hội Bán lẻ Anh, đại diện cho các nhà bán lẻ thực phẩm lớn, cho biết các siêu thị tự tin về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là với mùa trồng trọt đang đến gần ở Anh.
Dù vậy, các nhà bán lẻ nhỏ vẫn đang chịu áp lực. Ông Engin Ozcelik, người điều hành một cửa hàng thực phẩm ở Bắc London, cho biết cửa hàng của ông mua ít mặt hàng hơn sau khi giá cà chua tăng từ mức giá thông thường là 8,59 USD/hộp lên ngưỡng 30,83 USD/hộp.
Đối với nhiều nhà bán lẻ, khả năng tránh được tình trạng thiếu hụt sẽ phụ thuộc vào cách họ tìm nguồn cung ứng sản phẩm ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều này có thể gặp khó khăn do các siêu thị ở Vương quốc Anh thực hành định giá cho cả mùa, trong khi các đối thủ ở Liên minh châu Âu linh hoạt hơn. Brexit cũng gây ra ảnh hưởng nhất định, đặc biệt tới từ việc các thủ tục giấy tờ nhiều hơn khiến các tài xế chần chừ trong việc đi tới Anh.