Người dân biên giới ở Long An hoang mang vì chó dữ tấn công

Bất an là tâm lý chung của các hộ dân sống dọc tuyến Tỉnh lộ 838, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An khi liên tục có nhiều trường hợp bị chó dữ tấn công. Người dân địa phương kiến nghị cần có giải pháp mạnh tay hơn đối với tình trạng nuôi chó thả rông.

Chó dại tấn công người

“Chó cắn mấy người có nhà gần đây, rồi người đi đường cán trúng chó thả rông té gẫy chân nặng, rất thương tâm. Đường này tối đi nguy hiểm, chó nhiều dữ lắm”.

“Bà con hoang mang, thấy bữa giờ chó cắn nhiều, nên sợ. Bà con cô bác nuôi thì mình đâu dám cấm cản họ, nhưng điều kiện là phải đi chích ngừa, chích dại cho đầy đủ, hợp lý…”.

Sau nhiều ngày điều trị bệnh do bị chó dại tấn công, anh Trần Xuân Bình, ngụ ở ấp 3, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An vẫn chưa hết lo sợ. Không chỉ tốn kém chi phí thuốc men, mà tâm lý của anh Bình lúc nào cũng thấy bất an cả ra đường lẫn về trong nhà mình.

Anh Trần Xuân Bình, người dân ấp 3, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ chưa hết bàng hoàng sau khi bị chó dại tấn công (Ảnh Quang Anh)

Anh Trần Xuân Bình, người dân ấp 3, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ chưa hết bàng hoàng sau khi bị chó dại tấn công (Ảnh Quang Anh)

Anh Bình cho biết, gia đình không nuôi chó mèo, nhưng những ngày qua, lúc nào cũng trong vườn nhà anh cũng có 6-7 con chó chạy vào: “Hôm bữa ra vườn xoài, vừa ngước lên hái, quay lại thì thấy chó hoang lao tới táp luôn… Xong thấy con chó đó lừ đừ, mắt thì đỏ, bất an nên phải ngay xuống huyện chích ngừa và báo với địa phương. Giờ đi đến đâu ám ảnh tới đó, lúc đó biết là chó dại, nên tâm lý lo lắng. Giờ mà đi đường thấy chó lang thang là rất sợ”.

Huyện Đức Huệ ghi nhận trên địa bàn có khoảng 1.200 chó mèo đã được thống kê. Người dân tại đây kiến nghị ngoài hỗ trợ chích ngừa thì cần những giải pháp mạnh tay hơn.

Việc điều trị tốn kém và gây hoang mang tâm lý cho nạn nhân (Ảnh Quang Anh)

Việc điều trị tốn kém và gây hoang mang tâm lý cho nạn nhân (Ảnh Quang Anh)

Anh Sử Văn Tơn, Cán bộ thú y xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho rằng: “Địa phương đề xuất thành lập ra đội bắt chó thả rông. Nếu lập được những đội ở ngay cấp xã tôi nghĩ sẽ càng hiệu quả. Vì dân địa phương thông thạo các hẻm ngõ, ngách trong xã, có chó thả rông thì mình thu gom, chứ để thả rông như vầy là không an toàn”.

7.000 chó mèo được tiêm phòng dại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tổng đàn chó mèo toàn tỉnh khoảng 100.000 con. Song thực tế, con số này có thể lên đến 150.000 – 170.000 con.

Từ đầu năm đến nay, Long An đã tiêm phòng hơn 79.000 liều, đạt 75% tổng đàn. Tuy nhiên, bệnh dại trên người và động vật chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, tại huyện biên giới Tân Hưng đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại và 1 trường hợp đang được điều trị.

Tỷ lệ tiêm phòng nhiều năm của Long An khá cao nhưng do công tác thống kê đàn của địa phương chưa đúng với thực tế (Ảnh Quang Anh)

Riêng tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, một trong những ổ dịch trên địa bàn, ngành chức năng đang thực hiện khoanh vùng dịch, đồng thời thực hiện tiêm vaccine phòng dại cho 7.000 (95%) con chó mèo trên địa bàn huyện trước ngày 27/4.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM hỗ trợ nhân lực chuyên môn, Công ty Bochringer Ingelheim Việt Nam tài trợ vaccine miễn phí để tiêm 7.000 chó mèo tại ổ dịch huyện Đức Huệ (Ảnh Quang Anh)

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: “Với tình hình nắng nóng này, nếu không kịp thời tiêm phòng và nâng cao ý thức của người dân thì tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, giải pháp trước mắt là công tác truyền thông, đặc biệt, đối với trường hợp bị chó mèo cắn hay tiêm phòng cho đàn chó mèo thì chúng tôi tích hợp trên tài liệu tuyên truyền, chúng tôi muốn những tài liệu tuyên truyền này đến tay người dân để có giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-bien-gioi-o-long-an-hoang-mang-vi-cho-du-tan-cong-post1091638.vov