Người dân Bình Dương nói về việc đặt tên phường theo địa danh
Sau khi bỏ cấp huyện, Bình Dương từ 91 xã, phường giảm còn 36, đều vượt chuẩn quy định cả về số dân và diện tích. Trước đây, tỉnh này dự kiến đặt tên các phường theo thứ tự số song quyết định cuối cùng là tên theo địa danh, tính đặc thù của từng nơi và được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
Ngày 25/4, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho biết, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường đã được HĐND tỉnh thông qua.
Theo đó, sau sắp xếp, từ 91 xã, phường, Bình Dương còn lại 36 đơn cấp xã (gồm 24 phường, 12 xã) (tỷ lệ giảm 60,4%). Trong đó, có 1 đơn vị đủ tiêu chuẩn theo quy định, không thực hiện sắp xếp (phường Thới Hòa của TP. Bến Cát).
Đồng thời, tỉnh Bình Dương xác định 10 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là địa bàn trọng điểm của tỉnh và các địa phương cấp huyện hiện nay để tạo không gian dư địa phát triển, nâng tầm đô thị trong tương lai.
Trên cả nước, nhiều nơi đang triển khai việc sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, một số nơi lựa chọn cách đặt tên mới theo số thứ tự (1, 2, 3…) nhằm đơn giản hóa công tác quản lý.
Đối với Bình Dương, tỉnh không đặt tên phường theo số thứ tự. Giải thích về việc này, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh ưu tiên đặt tên gọi theo hướng giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc từng vùng đất. Sau này, khi nhắc đến tên phường, người dân và du khách dễ dàng nhận diện vùng đất nào, có gì ở đó.
Điển hình như phường Bình Dương, được thành lập từ sự hợp nhất của Hòa Phú, Phú Mỹ, Phú Tân và Phú Chánh là đơn vị hành chính hiện tại của tỉnh. Tên gọi này thể hiện rõ vai trò trung tâm, sự tiếp nối quá trình phát triển của Bình Dương nhà suốt gần 30 năm qua.
Hay là việc đặt tên phường Dĩ An, đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tiếp tục được giữ lại tên gọi như một cách tôn vinh bề dày lịch sử của địa phương trong các cuộc kháng chiến.
Tại TP Thuận An, một loạt tên gọi giàu tính biểu tượng như Thuận An, Thuận Giao, Lái Thiêu được giữ nguyên hoặc khôi phục. Trong đó, tên phường Thuận Giao chính là sự nhắc nhớ về Chiến khu Thuận An Hòa, nơi từng là căn cứ địa cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ.
Ở thị xã Bến Cát, tên gọi phường Tây Nam gợi nhắc đến địa đạo Tây Nam Bến Cát, di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hay phường Lái Thiêu, nổi tiếng với truyền thống gốm sứ, điêu khắc gỗ, cũng là minh chứng cho quyết tâm giữ hồn di sản giữa đô thị hóa.
Các địa phương vùng nông thôn cũng được trân trọng gọi tên theo lịch sử, như xã Phú Giáo, xã Bắc Tân Uyên, xã Dầu Tiếng giữ nguyên tên gọi huyện trước sáp nhập.
Tên gọi xã Trừ Văn Thố là một trường hợp xúc động khi địa danh này nhằm tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố, người đã hy sinh trong trận đánh bốt Cây Trường.

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đây là cách để bảo tồn địa danh đã gắn bó với người dân qua nhiều thế hệ, từ thời chiến đến thời bình, từ một vùng đất chịu nhiều bom đạn thành trung tâm công nghiệp sôi động hiện nay.
Đơn cử như đặt tên phường Thủ Dầu Một dựa trên tên gọi của TP. Thủ Dầu Một. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lâu đời của tỉnh, địa danh gắn liền với quá trình khai phá Nam Bộ, với nhiều di tích văn hóa như chùa Bà Thiên Hậu, chợ Thủ, lịch sử kháng chiến.
Trong khi đó, tên phường Phú Lợi, giúp gợi nhớ đến một trong những di tích cách mạng tiêu biểu của Bình Dương (di tích Nhà tù Phú Lợi), nơi từng là cơ sở giam giữ, tra tấn chiến sĩ yêu nước thời kháng chiến chống Mỹ.
“Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được HĐND tỉnh thông qua. Trước đó địa phương đã lấy ý kiến rất nhiều nguồn từ chuyên gia, nhà nghiên cứu, nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ, người dân trong tỉnh và đi đến thống nhất chung”- đại diện UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tên gọi được người dân ở Bình Dương đồng tình, ủng hộ.
"Tôi hài lòng việc Bình Dương đặt tên phường mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, địa lý. Tên gọi không phải là con số khô khan, đó là sự phản ánh bản sắc riêng biệt của từng khu vực. Cách làm này hay hơn nhiều so với việc dùng số thứ tự, tạo nên sự độc đáo và dễ nhớ hơn"- bà Nguyễn Thị Mai (phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) bày tỏ.
Khen ngợi cách sắp xếp và đặt tên phường của Bình Dương, ông Trần Văn Dũng (ngụ phường Tân Định, TP. Bến Cát) nói: "Tôi thấy quyết định của Bình Dương chọn tên gọi thay vì theo số thứ tự là sáng suốt. Sử dụng tên mang tính biểu tượng sẽ giúp người dân tự hào về quê hương mình hơn. Việc đặt tên theo số thứ tự sẽ thiếu đi sự gắn kết cộng đồng và giá trị văn hóa lâu dài”.
Tên gọi 36 xã, phường của tỉnh Bình Dương sau khi sắp xếp
Gồm các phường Thới Hòa, Đông Hòa, Dĩ An, Tân Đông Hiệp, Thuận An, Thuận Giao, Bình Hòa, Lái Thiêu, An Phú, Bình Dương, Chánh Hiệp, Thủ Dầu Một, Phú Lợi, Vĩnh Tân, Bình Cơ, Tân Uyên, Tân Hiệp, Tân Khánh, Phú An, Tây Nam, Long Nguyên, Bến Cát, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Bắc Tân Uyên, Thường Tân, An Long, Phước Thành, Phước Hòa, Phú Giáo, Trừ Văn Thố, Bàu Bàng, Minh Thạnh, Long Hòa, Dầu Tiếng và Thanh An.