Người dân Bình Dương phản hồi tích cực về tên xã, phường mới sau sáp nhập

Phản hồi từ người dân Bình Dương sau khi biết thông tin về việc đặt tên các xã, phường sau sáp nhập là rất tích cực. Đa số người dân bày tỏ sự hài lòng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn tên gọi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng.

Tỉnh Bình Dương vừa thông tin dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo đề án, Bình Dương sẽ không tổ chức hành chính cấp huyện, đồng thời tiến hành sáp nhập 91 xã, phường, thị trấn thành 27 xã, phường. Đề án cũng nêu rõ phương án đặt tên cho các phường sau khi sáp nhập.

Dễ nhớ, ghi dấu ấn lịch sử

Theo dự thảo Đề án, sau khi sáp nhập theo tiêu chí diện tích và quy mô dân số, tỉnh sẽ giảm từ 91 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 27 đơn vị.

Cụ thể, sau hợp nhất, thành phố Thủ Dầu Một còn 3 phường là: Thủ Dầu Một, Châu Thành, Bình Dương.

Thành phố Dĩ An còn 2 phường là Dĩ An, Tân Đông Hiệp

Thành phố Thuận An có 2 phường Lái Thiêu, Thuận An.

Thành phố Tân Uyên còn 3 phường là Vĩnh Tân, Tân Hiệp, Tân Khánh.

Thành phố Bến Cát có 4 phường là Tây Nam, Bến Cát, Tân Định, Thới Hòa

Huyện Dầu Tiếng có 4 xã là Minh Hòa, Dầu Tiếng, Thanh Tuyền, Long Hòa.

Huyện Phú Giáo có 3 xã là Phú Giáo, Phước Vĩnh, Phước Thành.

Huyện Bàu Bàng có 2 xã là Bàu Bàng, Long Nguyên.

Huyện Bắc Tân Uyên còn 3 xã là Bình Mỹ, Tân Thành, Thường Tân.

Bình Dương thông tin về việc sắp xếp 91 đơn vị cấp xã còn 27 đơn vị

Bình Dương thông tin về việc sắp xếp 91 đơn vị cấp xã còn 27 đơn vị

Lãnh đạo các địa phương cho biết, rất quan tâm đến việc lựa chọn tên gọi mới cho các xã, phường. Ưu tiên hàng đầu là những cái tên thân thuộc, gần gũi với người dân và mang đậm dấu ấn lịch sử.

Tại huyện Phú Giáo, ví dụ điển hình là việc giữ nguyên tên huyện và thị trấn. Xã còn lại được đặt tên là Phước Thành, gợi nhớ chiến thắng Phước Thành vang dội, một sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Khoa Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo, chia sẻ: “Những cái tên được lựa chọn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, ví dụ tên Phú Giáo là huyện. Tên Phước Thành là trận đánh Phước Thành. Trận đánh này nó chiến thắng rất vang dội và có ý nghĩa đặc biệt. Người dân cũng hiểu rõ ý nghĩa của chiến thắng này. Trước đó, tên Phước Thành cũng là tỉnh lỵ Phước Thành. Do đó, tên này gắn với lịch sử và xuất phát từ địa bàn Phú Giáo”.

Phản hồi từ người dân Bình Dương sau khi biết thông tin về việc đặt tên các xã, phường sau sáp nhập là rất tích cực. Đa số người dân bày tỏ sự hài lòng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn tên gọi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng.

Sau sáp nhập, TP.Thủ Dầu Một có 3 phường Thủ Dầu Một, Châu Thành và Bình Dương (ảnh: BBD)

Sau sáp nhập, TP.Thủ Dầu Một có 3 phường Thủ Dầu Một, Châu Thành và Bình Dương (ảnh: BBD)

Tại TP. Thủ Dầu Một, việc hợp nhất 8 phường thành 3 phường mới với các tên gọi Thủ Dầu Một, Châu Thành và Bình Dương cũng nhận được sự đồng tình cao.

Ông Đống Hữu Đạt, người dân phường Phú Cường cho biết, tên phường Châu Thành được đặt mới sau khi hợp nhất 5 phường. Theo ông, tên gọi này không hề xa lạ với người dân Bình Dương, bởi trước đây đã có huyện Châu Thành, nơi ghi dấu nhiều trận đánh lịch sử.

“Tên Châu Thành không lạ với người dân Bình Dương, bởi trước giải phóng đã có tên huyện Châu Thành. Do đó, rất đồng tình với tên gọi này. Đây là tên gọi lịch sử của Thủ Dầu Một, Bình Dương xưa đem lại ấn tượng sâu sắc với người dân Bình Dương”, ông Đạt nói.

Người dân thành phố Bến Cát đang rất phấn khởi trước quyết định của chính quyền về việc khôi phục tên gọi các phường cũ cho các phường mới sau sáp nhập. Đặc biệt, cái tên "Tây Nam" tưởng chừng như mới mẻ, nhưng thực chất lại là một phần ký ức của Bến Cát. Vào những năm 1970, xã Tây Nam đã tồn tại, sau đó bị sáp nhập và biến mất. Nay, cái tên thân thương ấy lại được hồi sinh, mang theo niềm tự hào về một phần lịch sử đã qua.

Cán bộ trẻ phải dám nghĩ, dám làm

Theo đề án, việc không tổ chức cấp huyện và hợp nhất các xã, phường, thị trấn cũng đồng nghĩa với việc số lượng cán bộ, công chức cũng sẽ được sắp xếp lại.

Hiện tại, cấp huyện có hơn 20.000 người, trong đó có 1.329 công chức và 18.738 viên chức.

Cấp xã có hơn 2.000 người, trong đó 945 cán bộ và 1.212 công chức. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 1.835 người, trong đó có mặt là 1.214 người.

Dự kiến sau khi sáp nhập, mỗi xã sẽ được bố trí từ 80-82 biên chế.

Toàn cảnh hội nghị thông tin về sắp xếp bộ máy do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức

Toàn cảnh hội nghị thông tin về sắp xếp bộ máy do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức

Người dân Bình Dương kỳ vọng rằng, sau khi sáp nhập, lãnh đạo các xã mới sẽ là những người có năng lực, dám nghĩ dám làm, vì sự phát triển chung của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vẹn, một người dân ở Bến Cát, chia sẻ: "Quan trọng là những người làm việc phải có tầm nhìn tương xứng với vị trí chủ tịch, bí thư xã, phường sau khi được nâng lên. Điều này đòi hỏi trình độ và năng lực của cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong bối cảnh 3 xã, 4 xã sáp nhập thành 1, cán bộ cần thực sự có tài và có tâm để lãnh đạo địa phương, xây dựng địa phương phát triển."

Trước những lo lắng của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định, việc sắp xếp lại bộ máy là một cuộc "cách mạng" nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sẽ đề xuất chính sách cho cán bộ không được hưởng theo Nghị định 178 hoặc Nghị định 67

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sẽ đề xuất chính sách cho cán bộ không được hưởng theo Nghị định 178 hoặc Nghị định 67

Ông nhấn mạnh rằng, cán bộ, đảng viên cần đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân và việc lựa chọn cán bộ phải dựa trên năng lực, trình độ, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau".

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, trong quá trình sáp nhập phải tiếp nhận toàn bộ cán bộ, sau đó mới xem xét bố trí công việc phù hợp.

“Đối với cấp huyện, phải xây dựng kế hoạch tiếp nhận cán bộ đúng quy định, trình độ đến đâu theo quy định nào. Hiện tại, khi nhập xã chưa bố trí được thì phải nhập về huyện, sau đó tiếp tục có phương án. Ban chỉ đạo, thường vụ đã đề nghị Trung ương xây dựng chính sách. Nếu Trung ương không có chính sách, Bình Dương sẽ xây dựng chính sách đối với những đối tượng không thuộc diện hưởng theo Nghị định 178 hoặc Nghị định 67”, ông Lợi nói.

Dự kiến, các xã mới ở Bình Dương sẽ đi vào hoạt động sau ngày 30/6/2025.

Thiên Lý/VOV - TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-dan-binh-duong-phan-hoi-tich-cuc-ve-ten-xa-phuong-moi-sau-sap-nhap-post1187923.vov