Người dân cần tránh ô nhiễm không khí như thế nào?
Chất lượng không khí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân đô thị. Bởi vậy, người dân cần có ý thức và trang bị cho mình kiến thức để tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm đang ở mức báo động đỏ như hiện nay.
Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với các tạp chất khác như nitơ, lưu huỳnh rất độc hại.Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học có thể gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở. Đặc biệt, bệnh nhân có nền bệnh sẵn như hô hấp, phổi mạn tính, tim mạch, ô nhiễm không khí sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng, biến chứng nguy hiểm hơn. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính.
Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM 2.5. Ở các đô thị lớn, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù.
So sánh bụi mịn. Đồ họa: Hoàng Hiệp.
Chất lượng không khí kém ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của con người. Vì vậy, người dân tốt nhất nên hạn chế ra ngoài trong thời điểm không khí không tốt, chỉ ra khi cần thiết. Ngoài ra, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt khi phải ra ngoài trời.
Sử dụng khẩu trang hoạt tính khi đi ra đường, dù chỉ ra ngoài trong 10 phút. Chúng sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm bạn hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về đường thở như ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho...
Người đi xe máy đeo khẩu trang tránh bụi trên đường Minh Khai. Ảnh: Tất Định
Không chỉ bảo vệ đường hô hâp, việc không khí bị ô nhiễm cũng tác động đến mắt, nếu không được bảo vệ cẩn thận, mắt có thể bị ngứa, khô, dị ứng. Vì vậy, để giảm tác hại của không khí ô nhiễm, bạn nên đeo kính râm khi đi ra ngoài. Sau khi về nhà, sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch và khử trùng mắt. Nếu các chất ô nhiễm đã xâm nhập vào mắt, tránh dụi mắt trực tiếp. Thay vào đó, bạn nên rửa mắt bằng nước sạch, đắp một miếng gạc mát để giảm kích ứng và sử dụng thuốc nhỏ mắt.
Ngoài ra, không khí bị ô nhiễm cao nhất vào giữa buổi, dưới ánh nắng mặt trời cao. Vì vậy, bạn nên tập thể dục khi thời tiết ngoài trời mát mẻ, hoặc tập luyện trong nhà, giúp bạn tránh tiếp xúc quá nhiều với không khí bẩn.
Sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nếu không có việc gì quan trọng, bạn nên hạn chế ra ngoài. Hạn chế tới những khu vực thường bị ô nhiễm như đường đông đúc, khu công nghiệp hoặc sống gần đường cao tốc, đường lớn.
Chất lượng không khí suy giảm như hiện nay, những người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh hô hấp mạn tính, tim mạch và các bệnh nội khoa khác…cần hạn chế tối đa việc đi ra đường. Nếu bắt buộc phải lưu thông trên đường, người dân cần trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, kính... những thời điểm ra đường ít phương tiện giao thông. Kể cả việc tập thể dục buổi sáng thời gian này cũng không nên. Những người mắc bệnh mạn tính kể trên cần phải quan tâm hơn tới sức khỏe, nếu bệnh tái phát cần phải đi khám ngay.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình (51 - 100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Những ngày qua, các yếu tố thời tiết như hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm có thể tạo điều kiện cho hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra khiến chất lượng không khí xấu đi như vậy, người dân nên theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường hay Đại sứ quán Mỹ.
Hà Nội đang có những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm tránh ùn tắc và cải thiện chất lượng môi trường.Ngoài ra, cần phải tăng cường trồng cây xanh để giúp giảm bụi, giảm khí độc, tăng lượng ô xy. Đây không phải giải pháp mang tính tổng thể. Điều quan trọng là phải cắt giảm được nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, giãn dân ra vùng ngoại thành để bớt tập trung dân số trong phạm vi hẹp... mới mong cải thiện được chất lượng không khí.