Người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm tăng gần 200%
Ngày 6/2, thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin phòng cúm tăng gần 200% so với ngày thường. Đáng chú ý, số người lớn, người cao tuổi đi tiêm chiếm gần 50%.
Trong đó, có nhiều cha mẹ đã tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vắc xin cúm trước khi quay trở lại trường học do lo ngại bị lây nhiễm trong môi trường tập thể. Nhiều người lớn chủ động đi tiêm, hoặc đưa cả gia đình đi tiêm vắc xin cúm và vắc xin phòng bệnh hô hấp khác.
![Người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa (Ảnh: Phong Lan).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_310_51413174/517b47ea7fa496facfb5.jpg)
Người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa (Ảnh: Phong Lan).
Là một trong những người chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, chị Nguyễn Quỳnh Phương (ở Hà Nội) cho biết: Hiện có nhiều người mắc cúm mùa phải nhập viện điều trị với diễn biến bệnh nguy kịch do có bệnh nền. Đặc biệt thông tin một nữ diễn viên người Trung Quốc vừa qua tử vong do cúm mùa khiến chị cũng lo sợ.
“Bởi vậy, sáng nay tôi đã chủ động sắp xếp công việc đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa. Với tôi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hơn nữa, mũi tiêm này giá cả phải chăng lại là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất”- chị Phương cho biết thêm
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chi phí tiêm vắc xin cúm thấp nhưng đem lại hiệu quả bảo vệ cao, giảm các biến chứng do cúm. Hệ thống tiêm chủng VNVC hiện có đầy đủ các loại vắc xin cúm phục vụ cho trẻ em và người lớn, đồng thời cam kết không tăng giá.
Hiện Việt Nam có hai loại vắc xin cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng vi rút phổ biến, gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp…
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Vắc xin cần tiêm nhắc lại hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Bên cạnh đó, kháng nguyên của vi rút cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vắc xin giảm dần theo thời gian. Vì vậy, bác sĩ Chính khuyến cáo mỗi người cần tiêm phòng vắc xin cập nhật mỗi năm.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ, bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Cúm mùa, trong đó có cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do vi rút cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Bác sĩ Linh nhấn mạnh, những người mắc các bệnh lý nền cần tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Vừa qua, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận và điều trị 8 bệnh nhân nhập viện điều trị do cúm mùa. Đáng lo ngại, trong số 8 bệnh nhân mắc cúm điều trị tại đây có nhiều bệnh nhân nguy kịch do nhiễm cúm A trên nền bệnh mạn tính, thậm chí có trường hợp phải đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Để tăng hiệu quả phòng bệnh lây qua đường hô hấp, các bác sĩ cũng khuyến cáo, bên cạnh biện pháp vắc xin, người dân cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, vệ sinh mũi họng hàng ngày; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, tránh tự điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng.