Người dân có mặt tại Hội trường Thống Nhất chờ viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 24-7, phóng viên Báo SGGP ghi nhận trước Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM), nhiều người dân, du khách đã đến theo dõi thông báo về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và chờ ngày mai để được vào viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến Hội trường Thống Nhất từ sớm

Ngày 24-7, có mặt tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM), anh Hoàng Thiện Định (22 tuổi, ngụ huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, anh rất buồn và hụt hẫng. "Bác Trọng là người mà tôi rất kính trọng, luôn yêu nước thương dân, cần kiệm liêm chính. Là một người trẻ, tôi nguyện sẽ tiếp tục học tập, trau dồi đạo đức, noi gương theo tấm gương của bác Trọng”, anh Định hứa với lòng.

Người dân TPHCM bày tỏ tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực hiện: CẨM TUYẾT - VĂN MINH

Ông Đặng Hoài Phong (68 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) bày tỏ: “Tôi rất bàng hoàng, thương tiếc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Cả đời bác Trọng vì nước, vì dân. Tôi vô cùng kính trọng, mến mộ nên nguyện luôn nỗ lực học tập, làm theo tấm gương đạo đức của bác Trọng”.

 Ông Đặng Hoài Phong đến trước Hội trường Thống Nhất để theo dõi thông tin lễ viếng. Ảnh: CẨM TUYẾT

Ông Đặng Hoài Phong đến trước Hội trường Thống Nhất để theo dõi thông tin lễ viếng. Ảnh: CẨM TUYẾT

Cùng tâm trạng tiếc thương, ông Nguyễn Hữu Hòa (56 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) rất đau buồn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời là một mất mát đau thương rất lớn. Tôi mong thế hệ sau này sẽ kế thừa và noi gương học tập Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chờ đến ngày mai vào viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Quốc Hùng (65 tuổi, ngụ tại huyện Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ niềm tiếc thương: “Hôm nay đến đây, tôi rất cảm động khi chứng kiến được sự chuẩn bị cho tang lễ đồng chí Tổng Bí thư, ngày mai tôi sẽ sắp xếp đến tiễn biệt đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng".

Công an TPHCM cho biết, từ ngày 19-7, đơn vị huy động 100% cán bộ, chiến sĩ túc trực chốt chặn tại các khu vực ở trung tâm TPHCM để đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là khu vực Hội trường Thống Nhất và các tuyến đường xung quanh.

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, các tuyến đường dẫn đến Hội trường Thống Nhất như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Alexandre de Rhodes, Pasteur, Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa…, tình hình giao thông ổn định.

Lực lượng chức năng túc trực tại Hội trường Thống Nhất

Lực lượng chức năng bên trong Hội trường Thống Nhất

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngày 24-7, Hội trường Thống Nhất đóng cửa, không nhận khách tham quan để chuẩn bị cho Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bên trong khu vực này, công tác chuẩn bị cho Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang được khẩn trương triển khai. Trước cổng Hội trường Thống Nhất và các tuyến đường xung quanh đã bố trí lực lượng an ninh túc trực.

Từ ngoại thành vào trung tâm để viếng tang

Cùng ngày, tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM), hàng trăm người dân đã đến viếng và dâng hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ghi nhận, di ảnh của Tổng Bí thư đã được đưa ra trước chính điện của chùa. Xung quanh di ảnh là những đóa hoa tươi thay cho lời tiếc thương của người dân gửi đến Tổng Bí thư.

 Người dân đến thắp hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: HOÀNG AN

Người dân đến thắp hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: HOÀNG AN

“Từ xưa đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo trung trực, liêm chính. Nhờ tài năng và đạo đức sáng ngời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn. Bác ra đi để lại một niềm thương nhớ to lớn cho cả đất nước Việt Nam”, ông Trần Văn Hải (45 tuổi, Bình Dương) xúc động chia sẻ.

Ông Hải cho hay, không có điều kiện ra Hà Nội để viếng Tổng Bí thư, ông chọn cách đến chùa để dâng hương, cũng như sẽ đến Hội trường Thống Nhất để tưởng nhớ vị lãnh đạo.

 Người dân đến thắp hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: HOÀNG AN

Người dân đến thắp hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: HOÀNG AN

Đi cùng mẹ đến chùa Vĩnh Nghiêm dâng hương cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, em Lâm Đức Thịnh (9 tuổi, học sinh, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Em rất thương bác Nguyễn Phú Trọng. Em đến thắp hương để cảm ơn bác vì những điều bác đã cống hiến cho đất nước. Để tưởng nhớ công lao của bác, em sẽ cố gắng học tập tốt trở thành một công dân tốt, giúp đỡ và xây dựng cho đất nước ngày càng vững mạnh hơn”.

Từ huyện Củ Chi qua viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Dương Văn Đức (52 tuổi, thương nhân) bộc bạch niềm thương tiếc vô bờ trước sự ra đi của vị lãnh đạo: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người đức độ, nhân tài kiệt xuất của đất nước. Bác Nguyễn Phú Trọng thương dân, gần dân. Bác là một tấm gương tiêu biểu trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ nạn. Nghe tin bác mất, tôi và gia đình rất buồn và tiếc thương cho một vị lãnh đạo tài đức”.

 Người dân theo dõi thông báo trước Hội trường Thống Nhất. Ảnh: CẨM TUYẾT

Người dân theo dõi thông báo trước Hội trường Thống Nhất. Ảnh: CẨM TUYẾT

Chị Trần Thị Kim Thúy (35 tuổi, công nhân, Hóc Môn) chia sẻ: “Tôi biết ơn và kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác là một nhà lãnh đạo vì nước, vì dân, cống hiến hết mình cho đến hơi thở cuối cùng. Cả cuộc đời bác đã hy sinh và dành nhiều tâm sức để đóng góp cho đất nước. Sự ra đi của bác là một sự mất mát đối với dân tộc Việt Nam”.

Bạn Nguyễn Nhật Trung (21 tuổi, sinh viên, Thủ Đức) bày tỏ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản kiên trung, một công dân hiền lành, mẫu mực. Tổng Bí thư là một tấm gương sáng trong lối sống cần, kiệm, liêm, chính”, bạn Nhật Trung xúc động và luôn nhớ câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

CẨM TUYẾT - HOÀNG AN - VĂN MINH - CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-dan-co-mat-tai-hoi-truong-thong-nhat-cho-vieng-tang-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post750806.html