Người dân Cuba đẩy mạnh sản xuất lương thực để ứng phó với khủng hoảng kép
Trong bối cảnh khủng hoảng dịch COVID-19, Chính phủ Cuba đã kêu gọi người dân tự sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Trong sân của một ngôi đền tại thủ đô Havana, ông Nelson Piloto, 40 tuổi, đang dọn cỏ để trồng ớt chuông và sắn, nhằm giải quyết khó khăn trước cuộc khủng hoảng lương thực của Cuba.
Cùng với nhiều người dân Cuba khác, ông Piloto đang hưởng ứng lời kêu gọi tự sản xuất lương thực của chính phủ tại các thành phố lớn. Theo đó, người dân có thể tận dụng bất kỳ khoảng trống nào để trồng trọt, từ sân sau đến ban công quanh nơi sinh sống của mình.
Theo hãng tin Reuters (Anh), an ninh lương thực gần đây đã trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia ở Cuba. Quốc đảo Caribbean hiện nay mỗi năm phải nhập khẩu 2/3 nhu cầu lương thực với chi phí khoảng 2 tỷ USD, cùng với đó là các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như phân bón, máy móc và thức ăn chăn nuôi.
“Cuba có thể và nên phát triển chương trình đô thị tự duy trì bền vững một cách quyết liệt và khẩn trương, trước lệnh phong tỏa thái quá và ngày càng siết chặt của Mỹ. Điều đó có thể giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trong đại dịch COVID-19”, ông José Ramón Machado Ventura, 89 tuổi, Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, phát biểu hôm 29/6.
Hàng hóa nhập khẩu của Cuba đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khi nguồn viện trợ từ Venezuela giảm dần do nền kinh tế của nước này đang trên bờ vực sụp đổ, cùng với đó là việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thắt chặt lệnh cấm vận thương mại bất công kéo dài nửa thế kỷ đối với "đảo quốc tự do".
Sản lượng nông nghiệp quốc doanh cũng sụt giảm đáng kể. Sản lượng các mặt hàng chủ lực như gạo, cà chua, thịt lợn, giảm lần lượt 18%, 13% và 8% vào năm ngoái, theo dữ liệu công bố trong tháng 6/2020. Đại dịch COVID-19, làm tê liệt ngành du lịch vốn có ý nghĩa then chốt đối với Cuba, đơn giản đang khiến tình hình càng trầm trọng hơn.
“Giờ đây, người dân Cuba đứng trước hai mối lo lớn, đó là đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu lương thực. Cả hai đều nguy hiểm. Chúng ta đang thiếu (lương thực)”, người mua hàng Yanet Montes tại thủ đô Havana cho biết.
Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn, Cuba một lần nữa biết cách vươn lên. Các nhà lãnh đạo Cuba đã kêu gọi người dân Cuba triển khai theo những bài học kinh nghiệm được rút ra từ “Thời kỳ Đặc biệt”. Đây là giai đoạn kinh tế Cuba suy thoái nghiêm trọng sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Năm ngoái, nhà chức trách đã kêu gọi nông dân sử dụng bò thay máy kéo do khan hiếm nguồn nhiên liệu.
Cuba đã trở thành nhà tiên phong canh tác hữu cơ vào những năm 1990. Quốc gia này đã phát triển các kỹ thuật như ủ giun, bảo tồn đất và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, để thay thế nguồn cung nhập khẩu và độc canh quy mô lớn.
Nhiều tình nguyện viên cũng đã đến các tỉnh kêu gọi người dân tự sản xuất lương thực. Trong khi đó, chính quyền các khu phố ở các thị trấn và thành phố phát tờ rơi về việc mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình.
Trong khu dân cư ở phía đông Havana, ông Luis Ledesma đã cùng vợ mình bàn về việc chuyển đổi trồng hoa sang trồng bí ngô, khoai lang, sắn, dưa chuột và rau hẹ.
“Một trong những thứ khó tìm thấy trong những ngày này là gạo. Nhưng rau củ có thể thay thế gạo”, người đàn ông 61 tuổi nói và cho biết ông đã mua 5 con gà mái và 1 con gà trống và đang dự định nuôi thêm thỏ.
Một số người Cuba đam mê nông nghiệp bền vững như Marnia Briones cũng hy vọng người dân trên đất nước sẽ có được những thói quen phát sinh từ cuộc khủng hoảng này. Họ cũng coi đây là cuộc “cách mạng xanh” của chính mình.
“Thật tuyệt với khi có nhiều người trồng lương thực hơn, nhưng điều này không chỉ được thực hiện trong cuộc khủng hoảng. Mô hình này nên được nhân rộng như một lối sống lành mạnh cho cả nhân loại”, một nghệ sĩ tại Havana nói.
Chính phủ Cuba gần đây cho biết khả năng sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thu mua và phân phối hầu hết các sản phẩm nông nghiệp.