Người dân Đà Nẵng 'gánh' mức thuế đất ở thời điểm giá cao nhất tại địa phương

Thuế đất phi nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi chu kỳ trước đây tính theo giá đất năm 2019, thời điểm giá đất của Đà Nẵng được coi là cao nhất từ trước đến nay.

“Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã gửi kiến nghị cho Bộ Tài chính và Bộ này đã có văn bản tháng 12-2022 trả lời rằng chưa chấp nhận kiến nghị của đoàn. Đoàn sẽ tiếp thu kiến nghị của cử tri và kiên trì kiến nghị với Quốc hội, đặc biệt có thể xem xét miễn giảm thuế đất phi nông nghiệp ở những thời điểm nhất định”.

Đó là trả lời của Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng với cử tri quận Liên Chiểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 28-4.

Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT

Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng không chủ trương tăng thuế đất

Tại hội nghị, cử tri Phan Tâm (ngụ phường Hòa Khánh Bắc) cho rằng năm 2023 là năm rất khó khăn đối với người dân sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Tuy nhiên, thuế đất phi nông nghiệp thu cao hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Đề nghị các ĐBQH kiến nghị xem xét lại chính sách thu thuế đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình” - ông Tâm kiến nghị.

Trả lời vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay việc tăng thuế đất phi nông nghiệp đang thực hiện theo quy định pháp luật. Cụ thể đây là chu kỳ tăng thuế đất phi nông nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 theo Thông tư 153/2021 của Bộ Tài chính.

“Lãnh đạo TP khẳng định không có chủ trương tăng thuế của bất kỳ loại đất nào. Thậm chí, TP còn điều chỉnh một số hệ số sử dụng đất. Trong ba năm qua, TP không có điều chỉnh, còn vừa rồi là thực hiện theo Thông tư 153” - ông Quảng nói.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Quảng lý giải thuế đất phi nông nghiệp hiện bị ảnh hưởng bởi chu kỳ trước đây tính theo giá đất năm 2019. Đây được coi là thời điểm giá đất của Đà Nẵng cao nhất từ trước đến nay. Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội về vấn đề này.

Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

Trước băn khoăn của nhiều cử tri quận Liên Chiểu về công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, ông Quảng cho hay gần đây trong các vụ án tham nhũng, hoạt động điều tra, xác minh tài sản của các đối tượng được thực hiện ngang bằng với việc xác minh các hành vi phạm tội.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song đây vẫn là hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số tiền phải thu hồi rất lớn. Những người bị thi hành án không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo thấp. Thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc thực trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản” - ông Quảng cho hay.

Nhiều cử tri quận Liên Chiểu quan tâm đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng và việc tăng thuế đất phi nông nghiệp. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều cử tri quận Liên Chiểu quan tâm đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng và việc tăng thuế đất phi nông nghiệp. Ảnh: TẤN VIỆT

Dẫn ví dụ vụ án Phan Sào Nam, ông Quảng cho hay bị can đã chuyển một số lượng tài sản khá lớn ra nước ngoài. Việc thu hồi các tài sản ở nước ngoài là rất khó khăn.

Về phía các nước, nhất là các nước mà Việt Nam không có hiệp định về tương trợ tư pháp, thì rất khó khăn, các nước bảo hộ tài sản khi được chuyển vào quốc gia của họ.

“Quốc hội đã ban hành nghị quyết và có chỉ đạo cụ thể trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong đẩy mạnh công tác phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng” - ông Quảng nói.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-da-nang-ganh-muc-thue-dat-o-thoi-diem-gia-cao-nhat-tai-dia-phuong-post731023.html