Người dân đang hình thành thói quen không dùng tiền mặt

Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, có mặt hầu hết trong các hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi. Hoạt động chuyển khoản, không dùng tiền mặt (KDTM) không chỉ diễn ra ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất mà ngày càng phổ biến hơn tại nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, điều mà trước đây hiếm thấy.

Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, có mặt hầu hết trong các hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi. Hoạt động chuyển khoản, không dùng tiền mặt (KDTM) không chỉ diễn ra ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất mà ngày càng phổ biến hơn tại nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, điều mà trước đây hiếm thấy.

Người dân thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản tại quán nước trên đường Đà Giang, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.

Người dân thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản tại quán nước trên đường Đà Giang, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.

Bà Nguyễn Thị Hảo, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên đê Đà Giang, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: Là cửa hàng bán nước mía, khoai nướng, nước chè, thịt xiên, trước đây phương thức thanh toán chủ yếu là dùng tiền để trao đổi. Song trước yêu cầu của nhiều khách hàng, tôi mở tài khoản để khách hàng có thể chuyển khoản, vừa an toàn, tiện lợi, tôi cũng đi mua hàng bằng hình thức chuyển khoản.

Theo bà Hảo, thời gian qua, khoảng 50 - 60% khách hàng của cửa hàng (hầu hết là học sinh) thực hiện mua hàng bằng hình thức chuyển khoản. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã tiếp cận và tham gia nhiều hơn với hình thức TTKDTM. Việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội hình thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị, từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh cho biết, tốc độ tăng trưởng TTKDTM bình quân hàng năm khoảng 20%; số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng là 660.780 người, đạt 75%; tỷ lệ người dân sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến đạt trên 35%. Tổng số đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đạt 100% (1.202 đơn vị); 100% thực hiện đăng ký kê khai và nộp thuế bằng phương thức điện tử; tỷ lệ thu tiền điện KDTM đạt 75,8%, tiền nước 58,6%; thu học phí và các khoản thu khác KDTM đạt 21,2%. Tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money đạt trên 87.000 khách hàng.

Triển khai Kế hoạch số 18/KH-UBND, ngày 2/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội KDTM trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã có 4 đơn vị (Agribank; Vietinbank; LPbank và Viettel Hòa Bình) phối hợp Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội KDTM trên toàn tỉnh, cơ bản công tác triển khai TTKDTM có nhiều thuận lợi và sự ủng hộ của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Theo Đề án phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh phấn đấu thực hiện TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Nâng tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 15 - 20%/năm; nâng tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 50 - 60%/năm và giá trị giao dịch đạt 60 - 80%/năm.

Ngoài ra, đối với dịch vụ công, có từ 70 - 80% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; 60% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 40% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.

NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển TTKDTM gắn với chuyển đổi số, tăng cường thực hiện chi trả an sinh xã hội KDTM theo chỉ đạo của UBND tỉnh; triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 của NHNN Việt Nam về triển khai các biện pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến... đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin. Phối hợp các cơ quan liên quan phát triển TTKDTM, phổ biến tài chính toàn diện, khai thác thông tin người dân trực tuyến qua tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189650/nguoi-dan-dang-hinh-thanh-thoi-quen-khong-dung-tien-mat.htm