Người dân đổ xô làm thủ tục nhà đất trước 'giờ G'

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương ghi nhận số hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục nhà đất tăng cao và nhiều nhất tỉnh trong những ngày đầu tháng 4.

Khoảng 20 ngày đầu tháng 4, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ liên quan đất đai, tăng gấp đôi so với trung bình 1 tháng của năm ngoái

Khoảng 20 ngày đầu tháng 4, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ liên quan đất đai, tăng gấp đôi so với trung bình 1 tháng của năm ngoái

Trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện và xã đang được triển khai, nhiều địa phương trong tỉnh ghi nhận tình trạng người dân đổ xô đi làm thủ tục liên quan đến đất đai. TP Hải Dương là địa phương có số lượng hồ sơ nhiều nhất tỉnh và tăng đột biến.

Quá tải nhưng không chậm trễ

Chưa đến 7 giờ sáng các ngày làm việc trong tuần này, ngày nào lượng người đến bộ phận “một cửa” TP Hải Dương làm các thủ tục liên quan đến đất đai cũng rất đông. Cảnh chờ đợi từ ngoài sân gửi xe đến trong sảnh khá phổ biến.

Anh Nguyễn Quốc Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương (đơn vị đặt tại bộ phận "một cửa" thành phố) cho biết từ ngày 1/1 - 22/4, đơn vị tiếp nhận 12.269 hồ sơ làm thủ tục đất đai, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khoảng 20 ngày đầu tháng 4, số hồ sơ tiếp nhận đã lên tới hơn 3.000 bộ, tăng gấp đôi so với trung bình 1 tháng của năm ngoái. Về công tác đo đạc, từ đầu năm đến ngày 22/4, đơn vị tiếp nhận 2.896 hồ sơ, cũng tăng rất cao so với năm ngoái.

“Đa số người dân đi làm thủ tục đất đai dịp này là do tâm lý lo lắng khi sáp nhập với TP Hải Phòng phải đi xa làm thủ tục”, anh Mỹ cho biết.

Nhiều ngày nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai bị quá tải vì số lượng người đến làm thủ tục đất đai tăng đột biến

Nhiều ngày nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai bị quá tải vì số lượng người đến làm thủ tục đất đai tăng đột biến

Thủ tục người dân mong muốn thực hiện chủ yếu là chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất…

Tuy số lượng hồ sơ tăng rất cao nhưng tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn của thành phố lên tới 80%, còn lại trả đúng hạn. Thậm chí thời gian qua chỉ có 1 hồ sơ chậm 1 ngày, cán bộ cũng phải giải trình, có văn bản xin lỗi người dân. Cao điểm trong tháng 3, tất cả 6 tổ đo đạc của chi nhánh đã đo đạc được 442 trong tổng số hơn 600 hồ sơ, trong khi đó theo khả năng bình thường các tổ chỉ đo đạc tối đa được 420 hồ sơ/tháng.

Điều đó cho thấy dù số lượng hồ sơ quá tải nhưng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương không để chậm trễ công việc. Toàn chi nhánh có 24 cán bộ, nhân viên được chuyên môn hóa, phân công rõ người, rõ việc, không bị chồng chéo nên công việc rất chạy. Họ còn làm việc thông trưa, làm cả buổi tối, thứ bảy, chủ nhật. Cá biệt có hôm nhân viên nhập liệu phục vụ số hóa dữ liệu đất đai phải làm đến 1 giờ sáng để bảo đảm tiến độ giải quyết của từng hồ sơ.

Anh Vũ Văn Trường, cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho biết: “Ngày 21/4 tôi tiếp nhận 180 bộ hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục đất đai trong khi ngày thường chỉ từ 50 – 60 bộ. Người dân đến làm thủ tục rất đông khiến anh em rất áp lực. Việc làm việc thông trưa, làm đến tối mịt, không có ngày nghỉ đã trở thành bình thường trong 2 – 3 tháng gần đây để bảo đảm tiến độ, thời gian giải quyết thủ tục cho người dân”.

Chờ đợi đến lượt làm thủ tục lấy trích lục đo đạc tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Hải Dương, chị Phạm Thị Hường ở phường Thanh Bình cho biết: “Gần đây tôi làm một số thủ tục liên quan nhà đất, lần nào ra Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cũng rất đông. Nhưng may là cán bộ ở đây làm các thủ tục rất nhanh, hướng dẫn nhiệt tình, cẩn thận nên tôi không phải chờ đợi lâu, hồ sơ được giải quyết nhanh chóng”.

Không nên lo lắng

Nhiều người dân đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương làm thủ tục liên quan đất đai đều bày tỏ lo ngại sau khi sáp nhập xã, phường, bỏ cấp huyện cũng như tới đây sáp nhập tỉnh, việc thực hiện các thủ tục sẽ trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, do thông tin chưa rõ ràng về việc có phải làm lại giấy tờ nhà đất sau khi sáp nhập hay không cũng khiến người dân lo lắng.

Theo quy định hiện hành, việc sáp nhập đơn vị hành chính không làm mất hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân không bắt buộc phải đổi “sổ đỏ” trừ khi có nhu cầu cập nhật thông tin hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Cụ thể, ngày 11/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành Công văn 991/BNNMT - QLĐĐ 2025 hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, nổi bật là quy định đối với giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, người dân không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.

Để giảm tình trạng người dân đổ xô đi làm thủ tục nhà đất trong trường hợp không thật sự cần thiết, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác về các quy định liên quan đến sáp nhập và thủ tục đất đai để người dân hiểu rõ và không hoang mang.

Nhờ thực hiện chuyên môn hóa nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương giải quyết rất nhanh công việc, 100% số hồ sơ được trả trước hạn và đúng hạn

Nhờ thực hiện chuyên môn hóa nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hải Dương giải quyết rất nhanh công việc, 100% số hồ sơ được trả trước hạn và đúng hạn

Đồng thời tăng cường nhân lực và cải tiến quy trình xử lý hồ sơ để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong giai đoạn sáp nhập. Bên cạnh đó cần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giảm tải cho bộ phận “một cửa” cũng như Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và tăng tính minh bạch trong xử lý hồ sơ.

NGÂN HẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-dan-do-xo-lam-thu-tuc-nha-dat-truoc-gio-g-410157.html