Người dân đội mưa lên huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa cầu may

Dù trời mưa và cái lạnh tê tái, nhưng tại Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (Thanh Hóa), một địa danh nổi tiếng, nơi huyệt đạo linh thiêng vẫn thu hút hàng nghìn du khách bốn phương.

Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa gắn với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân xâm lược Ngô năm 248. Sau khi Bà Triệu mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ tại quần thể di tích Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên.

Người dân đội mưa lên Am Tiên.

Người dân đội mưa lên Am Tiên.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ngày mùng 6 Tết (3/2), mặc dù trời mưa, lạnh, người dân vẫn hành hương lên Am Tiên. Ai cũng muốn tìm về cõi thiêng để cầu một năm mưa thuận, gió hòa, bình an, thuận lợi trong kinh doanh, gia đình ấm êm…

Mặc dù trời mưa, lạnh nhưng hàng nghìn du khách bốn phương vẫn đến với Am Tiên.

Mặc dù trời mưa, lạnh nhưng hàng nghìn du khách bốn phương vẫn đến với Am Tiên.

Dòng người di chuyển theo con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi, nơi huyệt đạo thiêng, đây là địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới Am Tiêm du ngoạn. Dù đông đúc, nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, chặt chém không xảy ra, mọi hoạt động diễn ra trong trật tự.

Khu vực viết sớ.

Khu vực viết sớ.

Trên đỉnh ngàn Nưa, bên cạnh những công trình tâm linh do con người xây dựng, tôn tạo, vẫn còn đó những dấu vết, truyền thuyết xưa kỳ ảo "nửa hư, nửa thực" như bàn cờ tiên, vườn thuốc nam, giếng Tiên, bãi luyện quân… Nếu đến đây, du khách có thể tận mắt ngắm nhìn tảng đá lớn, dấu vết của bàn cờ tiên.

Cầu một năm mưa thuận, gió hòa, bình an...

Cầu một năm mưa thuận, gió hòa, bình an...

Núi rừng Ngàn Nưa tĩnh lặng đẹp đến nao lòng với hai bên đường rừng xanh ngút ngàn hòa với mây trời khiến cho cảnh rừng thiêng thêm thênh thang, rộng lớn. Đường lên đền Am Tiên đã được đầu tư xây dựng nên chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe máy là đến nơi.

Những ngày trời quang, nắng ráo có thể đứng trên đỉnh cao nhìn xuống làng mạc trù phú của huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh. Tuy Ngàn Nưa đã đổi thay nhiều, nhưng không gian của núi thiêng vẫn nhuốm vẻ hoang sơ, mờ ảo như chính những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất này.

Du khách dâng hương.

Du khách dâng hương.

Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và Ngàn Nưa. Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta.

Tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.

Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta.

Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta.

Huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa, người xưa cho rằng đỉnh núi là nơi cao gần trời, là nơi hội tụ, giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, đây là nơi tụ phúc cho con người gắn với ước vọng quốc thái dân an.

Đây là một gò đất khá bằng phẳng rộng chừng vài chục mét vuông. Khu đất này là huyệt đạo mà Cao Biền đã cố tìm cách triệt long mạch nhưng bất thành. Đây chính là nơi giao hòa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ.

Người xưa cho rằng đỉnh núi là nơi cao gần trời, là nơi hội tụ, giao hòa giữa trời và đất.

Người xưa cho rằng đỉnh núi là nơi cao gần trời, là nơi hội tụ, giao hòa giữa trời và đất.

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên bắt đầu từ ngày đầu năm mới đến 20 tháng Giêng hàng năm. Theo tín ngưỡng của người địa phương, huyệt đạo trên đỉnh núi là huyệt khí thiêng. Ngày mồng 9 tháng giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Người dân thường đến đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, con cái đủ đầy, người người mạnh khỏe, tài năng tiến tới, công thành danh toại. Năm 2009, quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Video người dân đội mưa lên cầu may tại Am Tiên.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được biết, lượng khách trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 25/1 - 2/2) ước đạt khoảng 675 nghìn lượt, tăng 9,7%; tổng thu du lịch đạt khoảng 570 tỷ đồng, tăng 12,6% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Để đón khách đến trong kỳ nghỉ tết, các khu, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, đưa vào khai thác một số dịch vụ du lịch mới.

Bên cạnh việc thu hút khách, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo các điều kiện đón khách an toàn trong dịp Tết Nguyên đán cũng được chú trọng, không xảy ra sự cố về an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-doi-mua-len-huyet-dao-thieng-tren-dinh-ngan-nua-cau-may-16925020316330157.htm