Người dân được tham gia xây dựng pháp luật

Ngồi trong phòng với điếu thuốc lào, ông Nam vừa nhâm nhi chén trà xanh, vừa nhìn khoảng sân trước nhà với vẻ trầm ngâm, tư lự. Hôm nay, nhà ông được chọn làm địa điểm họp của tổ dân phố.

Được bác Hùng – Tổ trưởng Tổ dân phố - thông báo nội dung cuộc họp hôm nay liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến người dân về một văn bản pháp luật nào đó ở Trung ương, vừa nghĩ ông Nam lại vừa thấy lạ xưa nay ở khu phố đúng là chưa thấy chuyện này bao giờ.

Một lúc sau, ngoài sân có tiếng gọi cửa: "Bác Nam có ở nhà không đấy". Nghe giọng đúng là bác Hùng, bác Nam vội đáp: "Tôi đây, mời các bác vào nhà".

Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, bác Hùng đứng lên nói: "Thưa các bác, các cô chú, nội dung của cuộc họp hôm nay như tôi đã thông báo từ trước là thực hiện việc góp ý đối với dự thảo Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 và được sửa đổi năm 2009 đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, đến nay đã bộc lộ những bất cập mà theo như Báo cáo của Bộ Tư pháp thì những bất cập này tập trung vào việc một số quy định của Bộ luật tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường; chưa thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp; chưa cập nhật được đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội để có biện pháp xử lý hình sự thích đáng. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập nên trên, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng, lấy ý kiến dự thảo Bộ luật này trước khi trình Quốc hội. Theo chỉ đạo của cấp trên, tôi đề nghị Tổ dân phố chúng ta vận động mọi người tham gia ý kiến đối với dự thảo Bộ luật này. Tôi xin trình bày những vấn đề cần tập trung lấy ý kiến như sau…Nói rồi ông Hùng đọc 8 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến.

Ngay khi nghe ý kiến của bác Hùng, ông Nam liền lên tiếng: "Bác Hùng ạ, đối với chuyện lấy ý kiến này tôi thấy có lẽ là không cần thiết đâu. Mình là dân biết gì về xây dựng luật mà góp ý hay không? Tôi thấy cứ để việc này cho mấy ông cán bộ thì phù hợp".

Sau khi nghe phát biểu ông Nam, một số người cũng tỏ ra đồng tình: "Tôi thấy đúng đấy, người dân không có hiểu biết nên không thể tham gia góp ý được, mà nếu có góp ý thì liệu có được lắng nghe và tiếp thu không."

Sau khi lắng nghe ý kiến mọi người, ông Nam mới từ tốn nói: "Các bác, cô chú hiểu như vậy là chưa đúng rồi. Việc góp ý của chúng ta không hề là vô ích đâu nhé. Đây vừa là quyền, cũng vừa là trách nhiệm của chúng ta được pháp luật ghi nhận và bảo vệ hẳn hoi đấy. Không có chuyện cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp ý kiến của Nhân dân xong để đấy đâu nhé."

Ông Nam hỏi lại: "Đâu văn bản nào quy định, bác chỉ cho tôi xem cái nào"

Ông Hùng mỉm cười đáp: "Hôm trước tôi đi tập huấn và góp ý kiến ở phường thi được biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc lấy ý kiến đối với dự án luật trong quá trình soạn thảo văn bản, theo đó cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử. Ngoài đăng tải để lấy ý kiến, việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình để Nhân dân biết.

Sau khi nhấp chút nước chè, Ông Hùng nhìn mọi người rồi thong thả nói tiếp: "Đối chiếu theo quy định này có thể thấy đối tượng được lấy ý kiến là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách, nội dung này. Thế tôi hỏi các bác, Bộ luật hình sự thế có tác động tới chúng ta không. Chả tác động quá đi chứ còn gì. Tội danh nào, xử lý ra sao, hình phạt nào được áp dụng đều liên quan tới người dân chúng ta thì là gì."

Ông Nam lúc này mới trầm ngâm: "Nghe bác nói thấy cũng có lý. Mà không hiểu quy định như vậy để làm gì nhỉ?"

Ông Hùng liền đáp: "Pháp luật quy định như vậy để buộc các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân để bàn bạc, nghiên cứu tiếp thu nhằm làm cho các chính sách, pháp luật sau khi được thông qua sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Sự tham gia này là một trong những điều kiện quan trọng và không thể thiếu giúp bảo đảm tính khả thi của văn bản trong thực tiễn thi hành, bảo đảm pháp luật sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân; bảo đảm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội; đồng thời tăng cường tính dân chủ, phát huy trách nhiệm của công dân cũng như bảo đảm tốt hơn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật."

Mọi người đồng thanh: "À ra là vậy"

Ông Nam lúc này gật gù nói: "Qua nghe ông Tổ trưởng Tổ dân phố nói mới thấy pháp luật của nước ta tiến bộ. Nhân dân được tham gia xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận và đóng góp những ý kiến thiết thực để góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật, đúng không bà con?!"

Mọi người dự cuộc họp cùng tán đồng và vỗ tay.

Vương Thị Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-dan-duoc-tham-gia-xay-dung-phap-luat-204240731103502488.htm