Người dân Hà Nội hoang mang trước đề xuất triển khai 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt tại Hà Nội

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội ưu tiên mở 14 làn đường dành riêng cho xe buýt nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông do quá nhiều phương tiện cá nhận tại Thủ đô.

14 tuyến đường được đề xuất ưu tiên triển khai bao gồm 4 tuyến đường trục chính đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019-2020: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt dài 4,7km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm dài 9,6km.

5 tuyến đường sẽ được nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2025 (tổng cộng 22,6km) gồm: Tuyến đường Hoàng Quốc Việt (2,5km); Trần Duy Hưng (1,7km); Xã Đàn (1,7km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km). 5 tuyến đường còn lại tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (tổng cộng 82,3km) gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5km); Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín (9,3km); Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27km); Mỹ Đình - sân bay Nội Bài (25km); Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ (16km).

Cận cảnh tắc nghẽn tại đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm. Cảnh tắc đường tại các tuyến nội đô từ lâu đã trở thành người bạn song hành với người dân Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Cận cảnh tắc nghẽn tại đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm. Cảnh tắc đường tại các tuyến nội đô từ lâu đã trở thành người bạn song hành với người dân Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Đáng chú ý là những tuyến đường thuộc diện đề xuất của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề là những tuyến đường thường xảy ra tắc nghẽn giao thông khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Lý do Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội có đề xuất là này là để cải thiện năng lực vận chuyển, nâng cao điều kiện vận hành, thu hút nhiều người dân lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, giảm số lượng phương tiện cá nhân. Xuất phát từ mục đích mang lại lợi ích cho cộng đồng, đề xuất này vẫn bị đông đảo người dân cho rằng là một ý tưởng bất khả thi.

Nhận định về đề xuất này, các chuyên gia hầu hết nói rằng đây là một ý tưởng không mới, đã từng được đề xuất khoảng 20 năm về trước nhưng hoàn toàn không phù hợp với điều kiện hạ tầng và tình trạng giao thông tại Hà Nội hiện nay. Đa số người dân đều chung một câu hỏi: "Mở 14 làn đường dành riêng cho xe buýt thì các phương tiện khác còn đường đâu mà đi?".

Chị Trần Phương Anh (sinh năm 1995, nhân viên văn phòng, cư trú tại ngõ 381 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "Một đề xuất không thực tế, đường Hà Nội vốn đã rất hẹp, rất nhiều xe cộ lưu thông. Từ trước đến nay, xe máy, ô tô, xe buýt đi chung một làn đường, bây giờ mà mở thêm làn đường cho xe buýt thì các xe khác đi vào đâu? Mở ra chắc chắn sẽ làm đường tắc nghiêm trọng hơn".

Chung suy nghĩ đó, ông Nguyễn Văn Nam (46 tuổi, xe ôm tại đình Làng Hậu, Trần Thái Tông, Hà Nội) cho biết: "Tôi thuộc nằm lòng giờ và các điểm tắc đường ở Thủ đô. Vừa nghe thấy đề xuất nhường 14 làn ưu tiên tôi thấy rất hoang mang. Vốn dĩ đường Hà Nội bình thường đã rất tắc nghẽn, xe máy còn phải bò lên vỉa hè để đi. Giờ lại còn làm ưu tiên nữa thì không biết đường sẽ tắc đến mức độ nào".

Nhiều nút giao thông đã trở thành "nút khổ sở" của nhiều người dân Thủ đô.

Nhiều nút giao thông đã trở thành "nút khổ sở" của nhiều người dân Thủ đô.

Sự hoang mang và lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có ý tưởng ưu tiên dành cho xe buýt. Trước đó, tuyến xe buýt BRT với hy vọng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội đã không phát huy hiệu quả khi đi vào vận hành.

Không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn trước đề xuất này, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, để xây dựng được làn đường riêng cho xe buýt, lòng đường phải rộng 30-40m, chia làm nhiều làn, trong đó là làn đường dành riêng cho ô tô. Nhưng với thực trạng đường Hà Nội, việc phân làn sẽ rất khó khăn. Nếu không tính toán kỹ, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên phức tạp hơn.

Dễ thấy, việc tạo làn ưu tiên không quá khó khăn để thực hiện dẫn đến chậm tiến độ như tuyến đường sắt trên cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều công trình giao thông tại Thủ đô không tạo được hiệu quả như mong đợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân thì đề xuất mở thêm 14 tuyến đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cần phải được xem xét cẩn thận và tính toán kỹ lưỡng.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô vốn chưa có phương án giải quyết triệt để, nay nếu đưa ra quyết định sai lầm, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn, ảnh hưởng không tốt tới đời sống sinh hoạt và chỉ số niềm tin của người dân.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ha-noi-hoang-mang-truoc-de-xuat-trien-khai-14-lan-duong-uu-tien-cho-xe-buyt-tai-ha-noi-20201201131529772.htm