Người dân Hòa Bình không nguôi nhớ Bác

Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn hiện hữu trong trái tim mỗi người dân Hòa Bình. Niềm tưởng nhớ ấy lại càng thêm bồi hồi trong những ngày thu tháng Tám.

Ông Phạm Ngọc Thể, nguyên Phó Giám đốc Trường Thanh niên lao động XHCN (nay là trường PTDTNT THPT tỉnh) kể lại những kỷ niệm đẹp về 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ cho thế hệ trẻ.

Ông Phạm Ngọc Thể, nguyên Phó Giám đốc Trường Thanh niên lao động XHCN (nay là trường PTDTNT THPT tỉnh) kể lại những kỷ niệm đẹp về 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ cho thế hệ trẻ.

Lập bàn thờ, treo ảnh Bác Hồ và dâng hương hoa trong các dịp lễ, Tết đã trở thành nét văn hóa trong đời sống nhiều người dân Hòa Bình. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, bàn thờ Bác được người dân trang hoàng, khói hương thành kính thể hiện niềm tưởng nhớ công ơn Người.

Hơn 30 năm nay, gia đình bà Bàn Thị Sinh, xã Tân Minh (Đà Bắc) đã lập bàn thờ Bác. Vào các dịp lễ, Tết, gia đình bà lại dâng hương, hoa tưởng nhớ Người. Tuy nhiên, theo bà Sinh, ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 là dịp đặc biệt nhất. "Bởi với chúng tôi, Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại nhất. Công ơn của Bác đối với dân tộc bao la như trời biển, khắc sâu trong lòng mỗi người dân. Quốc khánh là ngày lễ trọng vì cùng với niềm tự hào mừng Tết Độc lập, còn là dịp tưởng nhớ ngày Bác về cõi vĩnh hằng”- bà Sinh chia sẻ.

Vì vậy, năm nào cũng thế, từ sáng sớm, bà Sinh đi chợ, cẩn thận chọn lựa từng bông hoa, loại quả. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, bà thực hiện nghi thức dâng hương, hoa lên bàn thờ Bác. Không chỉ bà Sinh, việc lập bàn thờ Bác được nhiều người dân thực hiện. Ông Quách Đình Thi, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) cho biết: Trong dòng họ Quách chúng tôi, nhà nào cũng có bàn thờ Bác. Đó cũng là cách để người dân tự nhắc nhở mình và giáo dục con cháu ghi nhớ công ơn của Người, cố gắng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Suốt cuộc đời dành trọn niềm kính yêu Bác, ông Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Phú Lão - nay là xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) không chỉ sưu tầm hàng nghìn bức ảnh, tư liệu về Bác, đóng thành từng tập mang tên "Theo dấu chân Người” để lưu giữ và thể hiện sự tri ân với Người, mà ông còn dành hẳn không gian trang trọng trong nhà để trưng bày tư liệu, phục vụ đảng viên, học sinh trên địa bàn xã đến tìm hiểu. Ông Đức bày tỏ: Nhờ có Đảng và Bác Hồ mà tôi cũng như bao người dân Việt Nam được sống trong độc lập, tự do và no ấm, thịnh vượng như hôm nay. "Ăn quả nhớ người trồng cây", chúng tôi tưởng nhớ Bác xuất phát từ sự biết ơn trong trái tim mỗi người.

May mắn từng được gặp Bác 3 lần, dù nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Phạm Ngọc Thể vẫn nhớ như in từng lời dạy ân cần, ấm áp của Người. Ông kể: Lần thứ nhất tôi được gặp Bác khi Người đến thăm trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở bến Ngọc, Trung Minh, Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) ngày 19/10/1958. Lần thứ hai khi tôi được đại diện thanh niên tỉnh dự Đại hội Thanh niên tích cực lao động XHCN toàn miền Bắc tại Hà Nội ngày 16/3/1960. Và lần thứ ba là ngày 17/8/1962, khi tôi làm quản lý cấp dưỡng bếp ăn của trường Thanh niên lao động XHCN. Tại đây, Người ân cần trò chuyện bằng giọng nói ấm áp, hiền từ. Đồng thời, Người cũng căn dặn: "Cháu phải học cách nấu ăn để có cơm chín, canh ngon. Phải giữ gìn vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và học sinh”.

Xúc động trước sự ân cần, ấm áp của Bác, ông Phạm Ngọc Thể chỉ kịp hứa sẽ tiếp tục cố gắng. Chính những điều căn dặn của Bác đã trở thành động lực để ông Thể, cũng như thầy, trò nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập tốt, giáo dục tốt, rèn luyện tốt, đoàn kết tốt để vượt qua mọi khó khăn. "Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, có lúc nhà trường đứng trước vô vàn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng nhớ lời Bác Hồ dạy, đội ngũ thầy, cô giáo luôn động viên học sinh tập trung vừa học, vừa làm, vượt lên mọi khó khăn. Để rồi các thế hệ học trò dần trưởng thành, trở thành những "hạt giống đỏ", cán bộ nguồn, chủ chốt cho địa phương” - ông Phạm Ngọc Thể tự hào. Và năm nào cũng vậy, cứ dịp 19/8, 2/9, ông Thể cùng các con, cháu lại đến dâng hương tại khu di tích Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN để bày tỏ lòng thành kính trước Người.

78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và 54 năm kể từ lúc Người đi xa nhưng công ơn của Bác, niềm kính yêu, tưởng nhớ vị Cha già dân tộc của muôn triệu trái tim người dân đất Việt vẫn luôn dạt dào. Dâng những nén hương, đóa hóa lên Bác với cả tấm lòng, mỗi người dân Hòa Bình dâng lên Người niềm kính yêu vô hạn và như lời hứa sẽ nỗ lực vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/180971/nguoi-dan-hoa-binh-khong-nguoi-nho-bac.htm