Người dân Hua La vững tin vượt nghèo từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Không ngừng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy lợi thế từ chính đồi nương bản làng, bộ mặt nông thôn mới và đời sống của người dân Hua La đang vượt nghèo và ngày càng đổi thay.
Thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của những đồi cà phê những ngày đầu Xuân, bản làng Hua La rộn vui tiếng nói cười của một mùa vụ thu hoạch thắng lợi. Vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, cà phê được giá dao động từ 15.000 - 20.000đ/kg quả tươi, nên nông dân trồng cà phê ở Hua La ai cũng phấn khởi.
Ông Quàng Văn An, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nẹ Nưa cho biết, đã qua rồi những ngày tháng loay hoay tìm hướng trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo. Từ năm 1995, gia đình ông và 120 hộ ở bản Nẹ Nưa quyết tâm chuyển đổi các loại cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng cà phê. Những năm đầu, do chưa có kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hái nên năng suất, sản lượng không cao, giá cả bấp bênh.
Nhưng gia đình ông An cùng nhiều hộ khác trong bản vẫn quyết tâm chăm bón, tỉa cành diện tích cây cà phê, bám đất, bám nương, trồng xen canh cây ăn quả với cây cà phê, lấy ngắn nuôi dài. Bây giờ, cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Riêng gia đình ông Quàng Văn An có khoảng 3 ha cà phê. Do chăm bón đúng kỹ thuật, vụ cà phê năm 2024 nhà ông đạt hơn 13 tấn quả tươi, trừ chi phí thu về trên dưới 300 triệu đồng.
“Muốn cho cây cà phê đạt năng suất, thu nhập cao người dân luôn chú trọng từ khâu trồng, chăm sóc, tỉa cành, làm cỏ và bón phân loại tốt. Vài năm trở lại đây, người trồng ca phê đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng chất lượng quả để có giá bán cao. Tới đây, bản tiếp tục vận động người thân, bà con tập trung vào chăm sóc cây cà phê để nâng cao uy tín trên thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân”, ông An cho biết.
Cây cà phê trên đất Hua La hiện đã có hơn 1.360ha/2.100ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 540ha diện tích cây ăn quả trồng xen. Tất cả 15 bản trong xã đều trồng cà phê, chủ yếu là giống Arabiaca phục vụ xuất khẩu. Năm 2017, HTX Cà phê Bích Thao thành lập ngay tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La đã góp phần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cà phê của bà con làm ra. Với 19 thành viên, HTX triển khai trồng và liên kết với một số HTX khác và 800 hộ dân trên địa bàn tỉnh Sơn La, với diện tích cà phê khoảng 1.500 ha. Riêng năm 2024, HTX đã thu mua 2.000 tấn cà phê thóc (khoảng 1.450 tấn nhân) trên địa bàn, riêng cà phê của xã Hua La khoảng 600 tấn nhân, xuất khẩu sang thị trường hơn chục nước như Đức, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết, hàng năm HTX tập huấn cho bà con về phương pháp trồng, chăm sóc, thu hái để cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng đó là chuyển giao công nghệ, đưa các nguồn giống mới, chống được biến đổi khí hậu vào trồng của Trung tâm giống cây trồng Viện EAKMAT.
Được thiên nhiên ban tặng nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, chính quyền xã Hua La cũng vận động tuyên tuyền người dân phát triển du lịch, dịch vụ. Điển hình như bản Mòng, bà con nơi đây đã biết tận dụng lợi thế đó để phát triển dịch vụ tắm khoáng nóng và và ăn uống, từ đó tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con.
Anh Quàng Văn Sơn, Bí thư chi bộ, trưởng bản Mòng, xã Hua La cho biết, riêng năm 2024 đã có trên 5.000 lượt khách du lịch trong, ngoài tỉnh đến với bản Mòng. Bà con trong bản đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ để phục vụ khách có nhu cầu tắm khoáng nóng. “Ngoài tắm khoáng nóng bản cũng có các món ăn dân tộc bản địa để du khách thưởng thức và được đánh giá rất ngon, như cơm lam, gà nướng, cá nướng, thịt gác bếp. Bản cũng xây dựng các đội văn nghệ để phục vụ cho nhu cầu của khách. Ngoài ra, bản còn mở thêm cơ sở Homestay để phục vụ cho nhu cầu của khách ngủ, nghỉ qua đêm và trải nghiệm tại địa phương”, ông Sơn cho hay.
Xã Hua La đã được công nhận nông thôn mới nâng cao từ năm 2023. Năm nay, chính quyền và nhân dân nơi này đang tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được và phấn đấu xây dựng một bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người 53 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,47% xuống còn 0,36%.
“Hua La là xã nông nghiệp nên xác định cây kinh tế chủ lực chính là cây cà phê. Từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn về nông nghiệp, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, được liên kết với các công ty, DN nâng giá trị cà phê. Cùng với đó, xã cũng tập trung chỉ đạo phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Quàng Văn Biu, Chủ tịch UBND xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Xuân mới, với quyết tâm mới, chính quyền và người dân Hua La đã và đang vững tin vượt nghèo, vươn lên từ chính việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm.