Người dân hưởng lợi cả trăm triệu vì quy định mới về bán nhà ở xã hội

Theo Tổng cục Thuế, theo quy định mới, trường hợp bán nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật mà thực hiện chuyển nhượng sau ngày 1/8/2024 thì không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản trả lời Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc thu tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển nhượng căn hộ chung cư là nhà ở xã hội.

Theo đó, Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ vào Luật Nhà ở 2023, Nghị định 100/2024/NĐ-CP, Nghị định 103/2024/NĐ-CP, trường hợp bên mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở mà thực hiện chuyển nhượng sau ngày 1/8/2024 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) thì không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập.

Đối với trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì bên bán phải nộp 50% tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập.

Còn trường hợp bán nhà ở xã hội phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực mà vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất thì tiếp tục nộp tiền theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trước đây, một căn nhà ở xã hội khi chuyển nhượng phải đóng 50% tiền sử dụng đất rơi vào khoảng 120-200 triệu đồng. Với quy định mới, người dân không phải mất phí này.

 Bán nhà ở xã hội sau 5 năm sử dụng không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập.

Bán nhà ở xã hội sau 5 năm sử dụng không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản của CBRE cho biết, năm 2024, nguồn cung căn hộ mở bán mới tại Hà Nội tăng gấp 3 lần so với năm 2023, vượt 30.900 căn và là nguồn cung mở bán mới theo năm cao nhất kể từ 2020.

Về giá bán, tính đến quý 4/2024, giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt mức 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và kinh phí bảo trì). Giá bán sơ cấp tăng mạnh, tới 36% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12% so với quý 3/2024. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây tại thị trường Hà Nội.

Phần lớn nguồn cung mới là dự án cao cấp, có pháp lý đầy đủ, được phát triển trong các đại đô thị ở quận Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm, vốn đã đi vào hoạt động với một lượng cư dân nhất định. Điều này đã dẫn đến việc tăng giá bán sơ cấp cũng như tốc độ bán hàng vượt mức 70%.

Hiện nay, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội có mức giá chuyển nhượng tăng cao. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội Ecohome (quận Bắc Từ Liêm) được bàn giao từ năm 2020, giá bán từ chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay nhiều căn được rao bán lại với mức giá dao động 40 - 43 triệu đồng/m2, tăng gần gấp 3 lần so với trước.

Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được mở bán khoảng 2014 - 2015 với giá khoảng 13 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay, sau khoảng 10 năm, giá lên mức 40 triệu đồng/m2, tăng hơn 3 lần.

Dự án Rice City Sông Hồng (quận Long Biên) được mở bán vào năm 2018 với mức giá 13 triệu đồng/m2 nhưng đến nay giá bán thứ cấp được đẩy lên 39 - 42 triệu đồng/m2.

Tương tự, dự án nhà ở xã hội tại Đại Kim (quận Hoàng Mai) được mở bán từ năm 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay giá tăng gần gấp ba lần, lên mức 32 - 35 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia, thị trường đang tồn tại nghịch lý: Mặt bằng giá nhà ở xã hội đã "dùng lướt", qua sử dụng trên dưới 1 thập kỷ lại tăng rất mạnh, được chào bán ngang ngửa với mức giao dịch loại nhà chung cư phân khúc trung cấp, cao cấp ở thời điểm cách đây khoảng 10 năm.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia Tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu đã có tình trạng bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, nhiều người mua vào là để bán lại hoặc ăn chênh chứ không hẳn là nhu cầu thực, có nhiều người xem đây là nơi để kiếm tiền.

Việc thị trường nhà ở thứ cấp tăng giá có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, liên quan đến mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khi thị trường đang khát nguồn hàng, giá nhà tăng lên, vì thế nhà ở xã hội cũng tăng theo.

Thứ hai, một số dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp hơn nhà ở thương mại, nhiều dự án nhà ở thương mại không có quỹ đất nên dạt ra ngoài trung tâm. Nên việc lên giá nhà ở xã hội thứ cấp cũng do vị trí.

Thứ ba, liên quan đến nhu cầu nhà ở, những cá nhân chưa đủ điều kiện mua nhà ở thương mại đành phải đi mua nhà ở xã hội để có giá rẻ hơn. Vì thế, sức cầu được đẩy lên, cung ít hơn cầu nên giá tăng là điều đương nhiên.

Hoàng Tư

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nguoi-dan-huong-loi-ca-tram-trieu-vi-quy-dinh-moi-ve-ban-nha-o-xa-hoi-d55407.html