Người dân kể lại nỗi kinh hoàng khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công Rafah
Khi nhiên liệu cho xe viện trợ cạn kiệt và các lối vào chính ở phía nam Gaza bị phong tỏa, người dân ở Rafah không biết họ sẽ sống sót như thế nào.
Theo trang The Guardian (Anh), giới chức cảnh báo các cơ quan viện trợ ở Gaza chỉ còn chưa đầy một ngày nhiên liệu cho xe chở hàng. Những phương tiện này chuyên cung cấp thực phẩm, thuốc men, nước và dầu diesel quan trọng cho hàng triệu người dân ở Gaza.
Tất cả các lối vào chính ở phía Nam Gaza đều đã bị phong tỏa. Sau cảnh báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) kêu gọi người dân sơ tán khỏi khu vực trước các cuộc tấn công quân sự ở Rafah, tình trạng cướp bóc đã xảy ra bởi các cơ quan viện trợ không thể canh gác các nhà kho.
Ông Georgios Petropoulos – Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo ở Gaza của Liên hợp quốc – cho biết: “Chúng tôi tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Về cơ bản thì lượng nhiên liệu chỉ còn đủ dùng trong một ngày. Sau đó, không có nhiên liệu để di chuyển nữa và các bệnh viện sẽ không thể tiếp tục hoạt động quá 2 hoặc 3 ngày”.
Vào rạng sáng 7/5, xe tăng và lực lượng đặc nhiệm của Israel đã giành quyền kiểm soát khu vực Rafah ở Dải Gaza, sau đêm thứ hai không kích dữ dội nhằm vào các khu dân cư phía đông thành phố.
Phát ngôn viên của Chính phủ Israel cho biết chiến dịch tấn công này nhằm tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas tại Rafah. Trong khi đó, người dân mô tả tình hình vô cùng hỗn loạn và khủng bố đã lan rộng.
Bà Akram Abed Al Nasser Shaikh, 58 tuổi, cư dân khu phố El Geneina ở phía đông Rafah, kể lại: “Chúng tôi đã có một đêm rất kinh hoàng với những cuộc pháo kích và không kích dữ dội. Các con tôi rất sợ hãi và không thể ngủ được. Tôi không sợ chết nhưng tôi lo lắng cho nỗi đau khổ và sợ hãi của các con tôi”.
Khoảng 1 triệu người trên khắp Gaza đang trú ẩn ở Rafah, sau khi phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc tấn công trước đó. Nhiều người đang sống trong những căn lều hoặc những nơi trú ẩn đông đúc trong trường học lo sợ họ sẽ lại phải rời đi. Có người đã phải sơ tán 5 đến 6 lần do giao tranh lan rộng.
Bà Ghada Lubad, 46 tuổi, đang ở trại tị nạn Jabaliya, nói: “Chúng tôi rất mệt mỏi vì đã phải chuyển đến 8 nơi kể từ khi rời khỏi nhà vào đầu cuộc xung đột. Bây giờ, chúng tôi sẽ đi về phía bắc để tìm nơi an toàn”.
Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy cửa khẩu Rafah sẽ sớm mở cửa trở lại. Cửa khẩu lớn thứ hai gần đó là Kerem Shalom cũng đã đóng cửa hôm 5/5, sau khi Hamas tấn công tên lửa khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng và tiếp tục trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công ngày 6/5.
Giới chức viện trợ dự đoán giá cả của các mặt hàng sẽ tăng mạnh. Mặc dù số lượng xe viện trợ đến Gaza ngày càng tăng trong những tuần gần đây nhưng vẫn không có đủ thực phẩm dự trữ sau nhiều tháng thiếu hụt nghiêm trọng.
Giống như nhiều người khác, bà Lubad lo ngại việc ngừng viện trợ tới Gaza sẽ khiến giá cả tăng vọt và thiếu hụt những nhu yếu phẩm cơ bản như bột mì, muối, nước sạch và thuốc men. “Điều này sẽ gây ra thảm họa vì sẽ khiến giá cả tăng cao và dẫn đến nạn đói”, bà nói.
Vài giờ sau khi đọc tờ rơi do IDF thả xuống, yêu cầu người dân ở các khu vực phía đông rời đi, nhiều gia đình sợ hãi gấp rút rời Rafah. Một số người phải đi bộ, cưỡi lừa, đẩy xe hoặc chất đầy đồ đạc lên những chiếc xe quá tải.
IDF cho biết họ đã phát chỉ dẫn thông qua các thông báo, tin nhắn văn bản, điện thoại và các chương trình phát sóng trên phương tiện truyền thông bằng tiếng Arab, yêu cầu người dân đến một khu vực nhân đạo mở rộng trên bờ biển và xung quanh thành phố Khan Younis.
Các cơ quan viện trợ cho biết mỗi giờ có khoảng 200 gia đình rời khỏi miền đông Rafah hôm 6/5 và số lượng tương tự sẽ di chuyển vào ngày hôm sau.
“Chúng tôi đang theo dõi việc sơ tán về phía bắc nhưng mối lo ngại lớn nhất là chúng tôi không còn lều. Chúng tôi không còn cách nào để giúp đỡ người dân”, ông Petropoulos nói.
Những người khác cho biết họ đã quyết định ở lại, bất chấp rủi ro. Ông Jihad Ahmed, 62 tuổi, một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu ở Rafah, cho biết không nơi nào ở Gaza đảm bảo an toàn cho gia đình 9 người của ông. “Tôi rất lo lắng vì không có nơi nào an toàn để rời đi. Tôi sơ tán gia đình đến trung tâm Rafah nhưng bất chấp cảnh báo, tôi và con trai vẫn ở nhà vì sợ bị cướp phá”, ông nói.
Trong khi một số nguồn cung cấp phi nhiên liệu đã vào Gaza qua cửa khẩu Erez phía bắc trong những ngày gần đây, các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết số hàng này không đủ và khó chuyển đến Rafah vì điều đó đồng nghĩa với việc phải băng qua các khu vực chiến sự.
Các cuộc đụng độ dữ dội xung quanh trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza và gần thành phố Gaza cũng đã cản trở các đoàn xe viện trợ trong những ngày gần đây.
Ông James Elder, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho biết: “Cửa khẩu Erez đơn giản là không đủ. Nếu các cửa ngõ Rafah đóng cửa trong thời gian dài, không biết nạn đói ở Gaza có thể được ngăn chặn như thế nào”.
Trước tình cảnh hỗn loạn đó, anh Mahmoud al-Louh đã cùng gia đình 6 người sơ tán từ phía bắc Gaza đến phía tây Rafah và nuôi hy vọng về một lệnh ngừng bắn.
“Tôi rất lo lắng vì chúng tôi đã phải sơ tán 5 lần, nhưng tôi cũng sợ mất đi bất kỳ thành viên nào trong gia đình nếu ở lại. Cuối cùng, tôi vẫn là một người cha và tôi phải bảo vệ vợ con mình. Tôi chỉ cầu nguyện sớm có lệnh ngừng bắn để chúng tôi có thể về nhà”, anh chia sẻ.