Người dân kênh Hy Vọng mong thoát cảnh sống chung với ô nhiễm

Dòng kênh mang tên Hy Vọng, nhưng người dân sống ven kênh lại thất vọng vì dự án cải tạo kênh nhiều năm nay vẫn nằm trên giấy, còn tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Đoạn ngắn kênh Hy Vọng đã được cải tạo, chỉnh trang nên giảm tình trạng ô nhiễm

Đoạn ngắn kênh Hy Vọng đã được cải tạo, chỉnh trang nên giảm tình trạng ô nhiễm

Nỗi niềm ai tỏ

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi trở lại kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) sau khi nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh này. Dòng kênh dài hơn 1km, từ khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chảy ra kênh Tham Lương, chỉ có một đoạn ngắn từ đường Tân Sơn đến Phạm Văn Bạch đã được đầu tư mở rộng, còn toàn bộ tuyến kênh vẫn giữ nguyên trạng, chảy len lỏi qua những khu dân cư. Giữa trưa nắng gắt, mùi hôi từ dưới kênh bốc lên nồng nặc.

Rời đường Phạm Văn Bạch, chúng tôi theo con đường nhỏ xuôi theo dòng kênh. Đi chừng hơn trăm mét, con đường bị tắc do căn nhà chắn ngang, dòng kênh cũng nhỏ lại, cây cối bao trùm, nước dưới kênh cũng sẫm màu.

Người phụ nữ, tự giới thiệu tên Nguyễn Thị Hoài, dắt chiếc xe đạp từ dãy nhà trọ đi ra, chia sẻ: “Lúc trước, gia đình thuê nhà ở đường Phan Huy Ích nhưng kênh quá nhiều rác, nước hôi quá nên chuyển sang đây. Đoạn này đầu kênh, rác ít hơn chứ vẫn không tránh được mùi hôi”.

Chị Hoài cho biết, dọc theo kênh có nhiều nhà trọ, dãy phòng cho thuê. Phòng trọ sát bờ kênh có giá thuê thấp hơn, nên nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo chấp nhận thuê những phòng này, sống chung với ô nhiễm.

Đi dọc con kênh, chúng tôi chứng kiến tình trạng ô nhiễm càng về cuối nguồn càng nặng. Dòng kênh có nhiều rác, nước kênh chuyển sang màu đen, bốc mùi rất khó chịu. Không chỉ người có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà ven kênh, mà hàng ngàn gia đình sống hai bên bờ kênh nhiều năm qua cũng phải sống chung với ô nhiễm, khốn khổ vì mùi hôi.

Một người sống cạnh bờ kênh (xin không nêu tên) nói rằng, đã lâu rồi, gia đình không dám mời người thân đến nhà. Người dân sống ven kênh lâu ngày đã quen mùi, chứ người từ nơi khác đến phải lấy tay bịt mũi. Trẻ em, người già sống ở đây thường mắc bệnh ngoài da và đường hô hấp. Để tránh ô nhiễm, những gia đình có điều kiện kinh tế thường cải tạo nhà ở thành phòng trọ cho thuê, rồi chuyển sang thuê nơi khác để ở.

Theo ông Lê Minh Truyền, Chủ tịch UBND phường 15 (quận Tân Bình), tình trạng ô nhiễm ở kênh Hy Vọng đã kéo dài nhiều năm nay. Nguyên nhân chính là do dòng kênh bị lấn chiếm, dòng chảy bị thu hẹp, trong khi phải gánh toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân hai bên lưu vực.

Cùng với đó, không ít người thiếu ý thức đã biến dòng kênh thành bãi rác, không ngần ngại ném rác thải sinh hoạt, vật dụng gia đình cũ xuống kênh khiến cho dòng nước ngày càng ô nhiễm nặng hơn.

Dự án kéo dài, kinh phí càng tăng

Người dân hy vọng tình trạng ô nhiễm kênh Hy Vọng sẽ được xử lý dứt điểm kể từ khi đoạn kênh từ đường Tân Sơn đến đường Phạm Văn Bạch được đầu tư cải tạo mới. Đường hai bên dòng kênh được mở rộng, lòng kênh được nạo vét và kè đá sạch sẽ, thông thoáng làm cảnh quan môi trường cải thiện rõ rệt. Thế nhưng, đoạn kênh Hy Vọng đã được cải tạo quá ngắn, số lượng gia đình thoát cảnh tình trạng ô nhiễm không nhiều, còn phần lớn người dân sống ở ven kênh vẫn ngày đêm chờ đợi nhà nước đầu tư cải tạo phần kênh còn lại.

Theo chia sẻ của nhiều người sống ở ven kênh, cán bộ địa phương đã nhiều lần thông tin về dự án cải tạo kênh Hy Vọng, nhưng kênh chỉ được cải tạo một đoạn ngắn rồi dừng lại. Một số người cho biết: Năm 2018, Trung tâm điều hành chống ngập TPHCM đề xuất đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng, với tổng kinh phí 150 tỷ đồng nhưng không thực hiện. Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TPHCM tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng dự án, với tổng kinh phí 514 tỷ đồng. Năm 2021, đơn vị này lại đề xuất thực hiện dự án, đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến kênh Tham Lương, dài 1,1km, gồm các hạng mục: mở rộng đường ven kênh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng… Tổng kinh phí đầu tư là 1.980 tỷ đồng, trong đó dành 1.595 tỷ đồng để bồi thường, giải tỏa 179 căn nhà.

Đã nhiều lần, mỗi khi nghe thông tin thành phố đầu tư thực hiện dự án, người dân ven kênh lại khấp khởi vui mừng, nhưng sau đó đâu lại vào đó.

Chủ tịch UBND phường 15 (quận Tân Bình) Lê Minh Truyền thông tin, thời điểm này, dự án cải tạo kênh Hy Vọng có chuyển biến tích cực, các sở, ngành liên quan đang thẩm định hồ sơ, đề xuất UBND TPHCM để trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư. Không riêng người dân mà chính quyền địa phương cũng mong muốn thành phố sớm đầu tư thực hiện tiếp dự án để xóa bỏ ô nhiễm tại kênh Hy Vọng.

Trong khi chờ đợi, chính quyền địa phương, các đoàn thể thường xuyên tổ chức nạo vét, thu gom rác và tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác xuống kênh. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực, có nhiều biện pháp nhưng không thể xử lý dứt điểm ô nhiễm nếu dự án đầu tư cải tạo mở rộng, khơi dòng chảy kênh Hy Vọng không được thực hiện.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-dan-kenh-hy-vong-mong-thoat-canh-song-chung-voi-o-nhiem-post766414.html