Người dân lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Lam

Dọc theo bờ hữu sông Lam, đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An), tình trạng sạt lở đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến người dân hết sức lo lắng.

Tình trạng sạt lở đất chủ yếu ở những vị trí chưa có bờ kè.

Hàng chục héc ta đất phù sa bị “xóa sổ”

Người nông dân xóm Tân Long, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xót xa khi chứng kiến từng lớp đất bồi màu mỡ bị cuốn trôi sau mỗi mùa mưa lũ. Theo người dân địa phương, vài năm trước, khu vực bãi bồi còn rộng hàng trăm mét, đủ để trồng màu, ngô, lạc. Nhưng nay, dòng sông đã lấn sâu vào đất liền, nhiều nơi bị “ngoạm” tới hơn 30 mét. Bà Trần Thị Thu, xóm Tân Long, xã Long Xá chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi lại phải lùi sâu thêm vài chục mét để trồng trọt. Cứ canh tác xong một vụ là lại lo lắng không biết mùa sau đất có còn không. Bây giờ, gia đình tôi chỉ dám trồng rau màu với diện tích nhỏ và chọn giống ngắn ngày để kịp thu hoạch trước khi nước lại lên”.

Thực tế cho thấy, toàn bộ vùng bãi dọc sông Lam trải dài qua các huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn có tổng diện tích lên đến hàng ngàn héc ta, vốn rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục héc ta đất bị sạt lở, nhiều nơi bị “xóa sổ” hoàn toàn. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã triển khai một số giải pháp tạm thời như trồng cây chắn sóng, trồng keo tại các điểm sạt lở. Tuy nhiên, theo đánh giá, các biện pháp sinh học này không đủ sức chống chọi với dòng chảy lớn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Một số đoạn bờ sông đã được đầu tư xây dựng kè đá, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn chặn xói lở. Tuy vậy, nhiều đoạn chưa được kè vẫn tiếp tục bị xâm thực từng ngày. “Lớp đất cát mùn yếu, chỉ cần vài đợt sóng lớn hoặc khi thủy triều rút là đất lại đổ ào xuống sông”, anh Nguyễn Văn Hà, trú tại xã Long Xá lo lắng.

Người nông dân xóm Tân Long, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên lo lắng trước tình trạng sạt lở đất tại bờ sông Lam. (Ảnh trong bài: PV)

Ngoài ra, theo phản ánh từ người dân, một nguyên nhân khác khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng là hoạt động khai thác cát diễn ra trên lòng sông Lam. Dù có quy hoạch và quản lý, nhưng tác động từ việc hút cát khiến dòng chảy thay đổi, góp phần làm xói mòn bờ sông nhanh hơn. Người dân tại Long Xá tha thiết mong mỏi: “Chúng tôi không cần gì nhiều, chỉ mong có kè vững chắc để giữ đất canh tác. Bãi bồi là nguồn sống của hàng trăm hộ dân, mỗi năm mất đất, là mất cả công sức, tiền bạc và sự an toàn”.

Cần sớm có giải pháp

Cũng tình trạng tương tự, tại xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) - khu vực giáp ranh với Long Xá, cánh đồng màu trồng ngô, đậu của người dân giờ chỉ còn là vết lở loang lổ bên sông. “Chúng tôi đã báo cáo lên huyện, tỉnh nhiều lần về tình trạng này, mong mỏi một hệ thống kè kiên cố, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể”, một cán bộ xã cho biết. Tuy nhiên, để triển khai được hệ thống kè kiên cố, cần nguồn vốn đầu tư lớn và phải thông qua thẩm định, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Trong lúc chờ đợi các chính sách từ Trung ương và tỉnh, nhiều địa phương vẫn đang tìm cách “tự cứu mình” bằng các biện pháp thủ công như gia cố tạm thời, tăng cường tuần tra, cảnh báo người dân.

Ông Hồ Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Long Xá cho biết, xã có diện tích đất bãi bồi khoảng 150ha, phục vụ sản xuất, là loại đất khá màu mỡ. Tuy nhiên, hàng năm do lũ lụt nên trong thời gian qua đã khoảng 10ha đất bị cuốn trôi. Dù địa phương đã trồng cây chắn sóng tại các điểm sạt lở, nhưng biện pháp này không mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm qua, một số dự án kè đá đã được triển khai tại các vị trí trọng yếu, tuy nhiên, những khu vực chưa được kè vẫn tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Tình trạng sạt lở bờ sông Lam không chỉ là câu chuyện mất đất sản xuất, mà còn là vấn đề an sinh và môi trường sống của người dân. Việc chống sạt lở đất tại bờ sông Lam là bài toán cấp bách đặt ra cho cả chính quyền địa phương lẫn các ngành chức năng tỉnh Nghệ An.

Zen Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-dan-lo-lang-ve-tinh-trang-sat-lo-bo-song-lam-post548455.html