Người dân miền núi Quảng Nam liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Liên kết phát triển sản xuất chuỗi giá trị đang mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân tại huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam).

Mô hình kinh tế chuỗi liên kết nuôi hươu sao.

Mô hình kinh tế chuỗi liên kết nuôi hươu sao.

Đổi mới tư duy đột phá trong sản xuất

Những năm qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã liên kết với địa phương ở các tỉnh thành trong cả nước tổ chức các chuyến tham quan thực tế học hỏi mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả cao. Sau những chuyến đi, nhiều hộ gia đình đã linh động vận dụng tạo ra các mô hình đưa lại nguồn thu nhập ổn định.

Điển hình như 3 hộ dân gồm Alăng Toi, A Vô Cưa và A Vô Nia (thôn Xanh Gố, xã Zà Hung) đã bắt tay chung vốn xây dựng chuồng trại, liên kết nuôi hươu sao. Đây là kết quả sau chuyến tham quan thực tế, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, 3 hộ dân này mạnh dạn đầu tư chuồng trại rộng gần 300m2 với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Bước đầu, chính quyền huyện Đông Giang hỗ trợ 3 hộ dân 15 con hươu sao trưởng thành (5 con/hộ) để chăn thả.

Ông Alăng Toi cho biết, sau chuyến tham quan, học hỏi thực tế từ nông dân Hà Tĩnh, ông nhận thấy đây là mô hình phù hợp với gia đình nên quyết định đầu tư và kỳ vọng sẽ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

“So với trâu, bò, thức ăn cho hươu cũng dễ kiếm hơn, chủ yếu lá cây, cây đót hoặc các loại cỏ dễ trồng như cỏ voi, củ sắn… Công sức chăm sóc bỏ ra đỡ vất vả, tốn kém mà hiệu quả kinh tế khả quan hơn”, ông Alăng Toi chia sẻ.

Hiện tại, ngoài ba hộ nói trên, xã Zà Hung còn 10 hộ đủ điều kiện tham gia dự án liên kết nuôi hươu sao theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm, 9/10 hộ đã đầu tư xong chuồng trại và được cấp hươu về nuôi dưỡng.

Theo ước tính, 1 con hươu sao đực cho nhung 2 lần/năm, mỗi lần 1kg. Giá nhung hươu trên thị trường giao động khoảng 14 triệu đồng/kg. Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết này nếu chăm sóc tốt thì nguồn thu nhập mang lại rất khả quan, kinh tế gia đình sẽ được cải thiện.

Ông Bnướch Bíp - Chủ tịch UBND xã Zà Hung cho biết, để đảm bảo mô hình kinh tế mới này đạt hiệu quả cao, địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, cũng như hỗ trợ tư vấn chuồng trại cho người dân.

Ngoài hươu sao, người dân còn được hỗ trợ tham gia dự án liên kết sản xuất chăn nuôi heo địa phương theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm, trồng cây quế cao sản Yên Bái trên diện tích 38,9ha.

Nhiều hộ dân ở huyện Đông Giang tham gia nuôi heo địa phương theo chuỗi giá trị.

Nhiều hộ dân ở huyện Đông Giang tham gia nuôi heo địa phương theo chuỗi giá trị.

“Người dân không phải lo về đầu ra, nếu có chỗ bán giá cao thì người dân cứ bán, nếu không thì đã có chỗ thu mua ổn định cho bà con. Địa phương kỳ vọng, với những mô hình chăn nuôi mới này sẽ từng bước cải thiện đáng kể kinh tế cho người dân, thúc đẩy kinh tế xã nhà đi lên”, ông Bnướch Bíp nói.

Không chỉ ở xã Zà Hung, từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, huyện Đông Giang đã chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ con giống, cây giống, cây dược liệu cho người dân ở các xã Ba, xã Tư, Sông Kôn, Jơ Ngây, Mà Cooih, Tà Lu và thị trấn Prao phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cùng với đó, thời gian qua, Đông Giang mở rộng hàng chục hecta trồng chè dây, ba kích… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán hiện nay từ 90.000 -150.000 đồng/kg chè dây khô, mỗi hộ dân có thể thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, tại xã Tư cũng hình thành hợp tác xã nông nghiệp chè dây, đầu ra của người dân đi vào ổn định.

Kỳ vọng ở hướng đi mới

Theo ông Lê Vương - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đông Giang, hiện trên địa bàn đang triển khai 10 chuỗi liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi chuỗi có giá trị đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Chính quyền địa phương chú trọng hỗ trợ cho người dân các loại con giống, cây giống khác nhau phù hợp với từng địa hình, thổ nhưỡng để người dân tăng gia sản xuất.

“Từ các vật nuôi như hươu sao, lợn… đến các loại cây chè dây, ba kích, quế đều đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con. Các mô hình sản xuất mới này đang được triển khai, nhân rộng để dần thay thế cây keo. Ngoài ra, việc các địa phương liên kết, đảm bảo đầu ra sản phẩm cũng giúp người dân yên tâm sản xuất”, ông Vương chia sẻ.

Người dân huyện miền núi Đông Giang mở rộng diện tích trồng chè dây, ba kích tím, hướng đi mới phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Người dân huyện miền núi Đông Giang mở rộng diện tích trồng chè dây, ba kích tím, hướng đi mới phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Bảo chia sẻ, huyện đã học hỏi mô hình phát triển sản xuất của các địa phương tương đồng để định hướng phát triển riêng. Đặc biệt, từ khi có các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, việc chọn cách đầu tư, hỗ trợ thiết thực để giúp người dân triển khai các mô hình kinh tế phù hợp được địa phương chú trọng.

Huyện miền núi Đông Giang đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả theo chuỗi sản xuất để cải thiện sinh kế cho bà con.

Huyện miền núi Đông Giang đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả theo chuỗi sản xuất để cải thiện sinh kế cho bà con.

Qua khảo sát, nhiều hộ dân ở huyện Đông Giang đều cho rằng, nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư, huyện triển khai thông qua các chuỗi liên kết là rất phù hợp bởi gắn với giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Dù vẫn còn một chặng đường dài để đánh giá hiệu quả của các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhưng trước mắt đã giúp nhiều hộ dân thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hướng đi mới cho kinh tế hộ ở địa phương.

“Các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị.

Nhiều mô hình phát triển tốt, tín hiệu rất khả quan. Điều này minh chứng rằng việc triển khai phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết ở địa phương là khá phù hợp, vừa giải quyết việc làm cho lao động vừa cải thiện đầu ra của sản phẩm cho người dân.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tính toán các mô hình sản xuất kinh tế mới phù hợp để tiếp tục hỗ trợ người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Bảo nói.

Công Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-mien-nui-quang-nam-lien-ket-phat-trien-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-post684627.html