Người dân miền Trung 'chạy đua' chống bão

Từ ngày 18/9, các tỉnh, thành tại miền Trung xảy ra mưa lớn gây ngập trên diện rộng; gió, lốc xoáy làm hư hại nhiều tài sản. Các địa phương, các ban ngành và nhân dân đang nỗ lực phòng, chống áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hình thành bão số 4.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo đến 4 giờ ngày 19/9, vị trí tâm ATNĐ cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 340km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 8, giật cấp 10 và mạnh lên thành bão thứ 4 ở Biển Đông. Trong ngày và đêm 19/9, khi áp sát vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bão đổi hướng theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển chậm lại, men theo vùng biển Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đến 4 giờ ngày 20/9, vị trí tâm bão số 4 trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do tác động của ATNĐ/bão, từ sáng 18/9 tại nhiều địa phương ở miền Trung đã có mưa to đến rất to. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các tỉnh, thành. Trước diễn biến của ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão số 4 còn rất phức tạp, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại miền Trung đã ra công điện khẩn yêu cầu, chỉ đạo các phương án ứng phó.

Lực lượng Công an Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng lập chốt chặn không cho người và phương tiện lên bán đảo Sơn Trà

Lực lượng Công an Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng lập chốt chặn không cho người và phương tiện lên bán đảo Sơn Trà

Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện yêu cầu các sở ban, ngành, các huyện, thị xã, TP thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ/bão; tổ chức kiểm đếm; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ/bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tính đến 5 giờ ngày 18/9, Quảng Ngãi hiện còn 386 tàu/3.445 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ và khẩn trương di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Trong ngày 18/9, nhiều ngư dân đã chủ động đưa tàu, thuyền, bè mảng đến nơi neo đậu tránh trú bão và hiện đã có 3.950 tàu neo đậu tại các bến. Từ 12 giờ ngày 18/9, Quảng Ngãi đã cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động cho đến khi thời tiết ổn định.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng chức năng thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao. Trong chiều 18/9, do sóng to, tàu hàng An Bình Phát 68 (trên tàu có 4.000 tấn đá bột) đang trên hành trình từ Thanh Hóa đi Quảng Ngãi, khi cách bờ biển xã Bình Hải, H.Thăng Bình khoảng 4,5 hải lý về hướng đông thì bị sóng đánh chìm. 8 thuyền viên của tàu kịp lên bè cứu sinh. Tình hình thời tiết tại khu vực tàu bị nạn có gió cấp 6, giật cấp 8 biển động mạnh, phương tiện của BĐBP Quảng Nam không thể tiếp cận. Nhận thông tin, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai lực lượng tuần tra, theo dõi, nắm tình hình vụ việc và tham gia hỗ trợ cứu nạn. Hiện 8 thuyền viên tàu An Bình Phát 68 đã được đưa vào cảng Kỳ Hà (H.Núi Thành) trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Ngư dân Đà Nẵng tập trung di dời tài sản, ngư cụ, tàu thuyền vào nơi an toàn

Ngư dân Đà Nẵng tập trung di dời tài sản, ngư cụ, tàu thuyền vào nơi an toàn

Tại Đà Nẵng, do ảnh hưởng bởi ATNĐ, sáng 18/9 trời mưa to, nhiều ngư dân khẩn trương thu gọn ngư lưới cụ vào bờ, thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú. Nhằm kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 4, cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng phân công 7 đoàn kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai tại các địa phương trên địa bàn TP. Các đoàn tổ chức kiểm tra công tác khơi thông, nạo vét kênh mương, cống rãnh và hệ thống thoát nước; cắt tỉa, chằng chống cây xanh; bảo vệ trụ sở, cơ quan, nhà ở, tài sản của người dân; lên phương án sơ tán người dân ứng với từng kịch bản thiên tai tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu vực nhà ở không bảo đảm an toàn... Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên trên toàn TP nghỉ học vào chiều 18/9 và ngày 19/9.

Tại tỉnh Quảng Trị, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công điện hỏa tốc về việc chủ động ứng phó ATNĐ. Trong đó chú trọng hướng dẫn, kiểm đếm, quản lý các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi... Tỉnh Quảng Trị có 2.280 tàu thuyền/5.582 thuyền viên, đến nay đã cơ bản vào neo đậu an toàn tại các bến; có 56 chiếc/406 thuyền viên ngoại tỉnh đã vào bờ tránh ATNĐ.

Lốc xoáy khiến nhà người dân tại H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại, ảnh hưởng

Lốc xoáy khiến nhà người dân tại H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại, ảnh hưởng

Thừa Thiên - Huế cũng đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn. Hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát, triển khai phương án ứng phó với diễn biến của thời tiết. Ở những khu vực đô thị, vùng trũng thấp, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân sẵn sàng phương án kê cao đồ đạc, di chuyển phương tiện ôtô đến vị trí đỗ an toàn. Toàn tỉnh có 1.884 phương tiện/10.685 lao động; đến trưa 18/9, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Theo dự báo, từ ngày 19 - 21/9, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa rất to có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà... vì vây người dân cần hết sức thận trọng. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong sáng 18/9, do ảnh hưởng của ATNĐ, mưa lớn kèm lốc xoáy đã khiến một số nhà dân tại xã Phú Hồ và Phú Xuân (H.Phú Vang) bị tốc mái, hư hại, trong đó có 1 người bị thương nhẹ, 12 hộ dân bị tốc mái nhà và các công trình phụ. Lốc xoáy kèm mưa lớn cũng xảy ra tại xã Thịnh Lộc (H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) làm 3 nhà dân bị tốc mái và một số công trình phụ bị ảnh hưởng, lốc xoáy còn làm đổ gãy hàng trăm cây ven bờ biển, một số diện tích hoa màu bị hư hại.

Bộ Công an chỉ đạo sẵn sàng các phương án ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão

Ngày 17/9, Bộ Công an (CA) có Công điện số 16/CĐ-BCA-V01 gửi Giám đốc CA 17 tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; Cục CSGT; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Quản lý xây dựng và doanh trại, Cục Trang bị và kho vận, Cục Y tế, Cục truyền thông CAND về việc chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Nội dung Công điện nêu: Thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng CA các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tổ chức theo dõi sát diễn biến của ATNĐ để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm ATGT và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ, bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm, các hoạt động trên biển, ven biển. Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú bảo đảm an toàn cháy nổ, ANTT, xã hội; đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia; sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Chủ động các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng CAND. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng CAND. Các đơn vị chức năng của Bộ chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương, các địa bàn và triển khai các phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo CA các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến ATNĐ, phối hợp các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ và tham mưu chỉ đạo việc xả lũ các hồ thủy điện bảo đảm đúng quy trình, an toàn hồ đập và đặc biệt lưu ý việc thông báo, hỗ trợ di dời dân vùng hạ lưu khi có nguy hiểm. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến CA các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng, chống thiên tai.

NHÓM PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nguoi-dan-mien-trung-chay-dua-chong-bao_167502.html