Người dân mong chờ thủy điện sớm đi vào vận hành

Việc Dự án Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ thực hiện do thiếu vốn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình vận hành, sản xuất điện hòa vào lưới điện quốc gia mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nhường đất cho thủy điện, cũng như chưa thể hoàn trả, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại khu vực này.

Một góc Khu tái định cư bản Sa Lắng, xã Phú Xuân.

Một góc Khu tái định cư bản Sa Lắng, xã Phú Xuân.

Sớm ổn định cuộc sống người dân nhường đất cho thủy điện

Theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO tháng 2-2023, khi triển khai thực hiện Dự án Thủy điện Hồi Xuân (tính đến hết năm 2018), tổng diện tích đất thu hồi xây dựng công trình và hồ chứa nước là 602,4 ha (96,6%), trong đó trên địa bàn huyện Quan Hóa là 547,8 ha. Giá trị kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã thực hiện là 526,7 tỷ đồng/633,1 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả tiền xây dựng nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua hồ Thủy điện Hồi Xuân do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư 218,9 tỷ đồng). Trên địa bàn huyện Quan Hóa đã phê duyệt số tiền 274,45 tỷ đồng (đã chi trả 248,85 tỷ đồng, còn lại 25,6 tỷ đồng chưa chi trả cho 328 lượt hộ).

Để phục vụ Dự án Thủy điện Hồi Xuân đã có 589 hộ của 2 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình di dời đến nơi ở mới. Tại Quan Hóa, có 500 hộ phải di dời tái định cư (TĐC), trong đó có 53 hộ di dời đến khu TĐC tập trung ở bản Sa Lắng (xã Thanh Xuân cũ) nay là xã Phú Xuân; 447 hộ tự di dời xen ghép tại các bản. Khu TĐC Sa Lắng đã giao đất cho 53 hộ từ tháng 3-2019, đến nay có 51 hộ đã di dời vào ở và ổn định cuộc sống, còn 2 hộ chưa di dời. Trong số 447 hộ tự di dời xen ghép đến nay đã có 411 hộ hoàn thành đến nơi ở mới, còn lại 36 hộ chưa di dời (có 23 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB). Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, đối với các hộ di dời xen ghép được đầu tư hỗ trợ hạ tầng là 60 triệu đồng/1 hộ. Hiện nay đã phê duyệt hỗ trợ cho 259/447 hộ. Trong số 259 hộ được phê duyệt hiện chủ đầu tư mới chi trả được 61 hộ, số còn lại do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện chi trả. Việc di dời các hộ dân đến nơi ở mới gây áp lực và khó khăn trong công tác quản lý đất đai, có nhiều hộ vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện Quan Hóa, quỹ đất ở để đáp ứng nhu cầu của công tác GPMB không có, nên các hộ còn lại có nguy cơ khó khăn trong việc tìm chỗ ở mới.

Phú Xuân là xã có diện tích đất thu hồi cũng như số hộ di dời nhà ở, đất sản xuất phục vụ Dự án Thủy điện Hồi Xuân nhiều nhất huyện. Trên địa bàn xã có 338 hộ phải di dời nhà ở phục vụ Dự án Thủy điện Hồi Xuân. Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, Dự án Thủy điện Hồi Xuân khi bắt đầu thực hiện khởi công, đời sống của người dân cơ bản đã thay đổi rõ rệt. Dự án nhận được sự đồng thuận của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các khu, điểm TĐC từng bước ổn định, đã hình thành các cộng đồng dân cư mới khang trang, sạch đẹp; phần lớn nhà ở các hộ dân được di dời và hệ thống hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, các công trình được xây dựng kiên cố. Nhìn chung mặt bằng đời sống của Nhân dân đều bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, hiện nay dự án tạm dừng hoạt động thi công dẫn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, dự án mới chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa dân đến nơi ở mới mà chưa quan tâm đến xây dựng phương án sản xuất, hỗ trợ sản xuất. Một số nơi, quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý nên vẫn còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện và chưa thực sự thuận tiện cho sản xuất và chăn nuôi. Cùng với đó, việc đào tạo, chuyển đổi nghề, việc làm cho người dân nhường đất cho thủy điện cũng chưa được thực hiện. Công tác di dời nhà ở TĐC đã được thực hiện, tuy nhiên xã Phú Xuân còn 45 hộ chưa nhận tiền bồi thường, chưa có phương án di dời nhà ở do không định hướng được đường giao thông tránh ngập Thủy điện Hồi Xuân.

Chúng tôi đến thăm khu TĐC bản Sa Lắng. Hiện nay người dân bản Sa Lắng vẫn phải đi đò qua sông. Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Cao Thanh Bình chia sẻ: Từ khi chuyển lên khu TĐC, cuộc sống của bà con cơ bản ổn định, nhà đầu tư cũng đã bố trí, xây dựng các hạng mục công trình, xây dựng hệ thống bể dẫn nước sạch nhưng hiện bể chứa không thể dẫn nước về các hộ gia đình do quá trình xây dựng bể thấp hơn so với mặt bằng khu TĐC. Đến nay người dân vẫn phải chủ động tìm nguồn nước. Khu TĐC còn thiếu một số hạng mục như nhà văn hóa cộng đồng, sân chơi thể thao, hệ thống thoát nước, kè ta luy dương và ta luy âm chưa được xây dựng khiến người dân lo lắng đất sạt lở. Bản Sa Lắng đăng ký xây dựng bản nông thôn mới năm 2022, tuy nhiên do chưa có nhà văn hóa nên đến nay cũng chưa thể về đích.

Gia đình ông Phạm Bá Tham, hộ cận nghèo, có 6 khẩu, từ khi cả gia đình ông chuyển lên khu TĐC Sa Lắng cuộc sống cơ bản ổn định, thu nhập chủ yếu dựa vào cây luồng. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, con trai của ông cũng đã chủ động tìm việc làm bằng cách đi xuất khẩu lao động. Ông Tham cũng như nhiều hộ dân ở khu TĐC mong muốn Dự án Thủy điện Hồi Xuân sớm khởi động trở lại, bổ sung các hạng mục công trình cho khu TĐC để cuộc sống người dân đi vào ổn định.

Dự án cần hoàn trả các công trình phúc lợi xã hội

Tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, trong quá trình thi công Thủy điện Hồi Xuân, một số trường học phải di dời như Trường Mầm non Thanh Xuân (khu Éo); Trường THCS Phú Xuân (tại bản Pan); Trường Tiểu học Phú Xuân (bản Bá); các công trình khác như cầu treo Phú Xuân; trạm y tế; đường vào khu nghĩa địa bản Tân Sơn chưa được hoàn trả; đặc biệt là điểm trường tiểu học, mầm non khu Phé hiện đang học trong nhà tạm làm bằng tranh tre. Từ những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Phú Xuân mong muốn nhà đầu tư hoàn trả, tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn; tiếp tục thực hiện bồi thường GPMB để Nhân dân ổn định cuộc sống; có biện pháp về phát triển kinh tế - xã hội như đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ngày 29-12-2019, UBND huyện Quan Hóa đã ban hành Quyết định 1946/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán bồi thường các công trình công cộng phục vụ công tác GPMB Dự án Thủy điện Hồi Xuân gồm 3 trạm y tế; 6 điểm trường và 1 trụ sở UBND với tổng giá trị bồi thường là 17.214.935.000 đồng. Song, đến nay chủ đầu tư chưa có kinh phí để chi trả. Về mặt bằng xây dựng các công trình nêu trên, hiện đã thực hiện bồi thường, GPMB, san nền đảm bảo điều kiện thi công xây dựng các công trình. Thực hiện Dự án Thủy điện Hồi Xuân, chủ đầu tư cần phải thực hiện hoàn trả 7 công trình giao thông, 2 cầu treo trên địa bàn huyện Quan Hóa để đảm bảo sinh hoạt, lưu thông cho người dân trong khu vực, tuy nhiên các công trình này cũng chưa được đầu tư hoặc đầu tư dang dở. Cụ thể: Hiện nay có 5 tuyến đường giao thông trong vùng ngập chưa được đầu tư; 2 tuyến đường giao thông trong vùng ngập đang thi công dở dang; 2 cầu treo gồm cầu treo Phú Xuân, xã Phú Xuân và cầu treo bản Chiềng, xã Phú Sơn được Thủy điện Hồi Xuân thi công hoàn trả nhưng vẫn dở dang gây ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại của người dân.

Để khắc phục tình trạng chậm hoàn trả công trình phục vụ công cộng của Dự án Thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa đã linh động bố trí các nguồn lực thực hiện khắc phục sửa chữa và xây mới một số công trình. Năm 2019, UBND huyện Quan Hóa bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, khắc phục hư hỏng đảm bảo tạm thời đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông tại cầu treo bản Chiềng, xã Phú Sơn. Mới đây, ngày 16-6-2023, HĐND huyện Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sửa chữa cầu treo bản Chiềng, xã Phú Sơn. Phạm vi, quy mô đầu tư đó là bảo trì hệ thống cáp chủ, thanh treo, thay thế gỗ mặt cầu bị hư hỏng, cân chỉnh hệ thống thanh treo đảm bảo cho người đi bộ và phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu, với tổng kinh phí khoảng 415 triệu đồng, thời gian thực hiện trong năm 2023. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, huyện Quan Hóa thực hiện xây dựng Trường Mầm non Thanh Xuân, xã Phú Xuân, với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành công trình trước thềm năm học mới 2023-2024.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-mong-cho-thuy-dien-som-di-vao-van-hanh/28038.htm