Người dân nhường đất xây cao tốc: 'Nơi ở mới tốt gấp đôi chỗ cũ'

Những người dân sau khi nhường đất ở cho dự án cao tốc Bắc - Nam phấn khởi khi ra nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn nơi ở cũ.

Ngay những ngày đầu khi triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã được cấp chính quyền kiểm kê lên phương án đền bù, bố trí đất ở khu TĐC.

Mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về giá đền bù nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hầu hết những hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng thuận đến nơi ở mới, nhường đất để thực hiện dự án.

Thủ tướng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với nhân dân sinh sống trong khu TĐC xã Đông Minh

Thủ tướng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với nhân dân sinh sống trong khu TĐC xã Đông Minh

Niềm vui khi đến nơi ở mới

Ngày 28/01, trong một chuyến thị sát, kiểm tra tuyến cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, trung ương và địa phương đã ghé thăm và chúc Tết bà con nhân dân ở khu TĐC xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã đi thăm và trò chuyện với nhân dân thôn 4 - nơi có 93 hộ dân đã bàn giao đất cho dự án để chuyển về nơi ở mới.

Chia sẻ với Thủ tướng, người dân cho biết trước khi dự án triển khai, người dân cũng có những băn khoăn, lo ngại vì sợ không bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, khi ra nơi ở mới thì khang trang, rộng rãi hơn, người dân rất vui mừng.

Bà Lê Thị Mến (67 tuổi, ở thôn 4, xã Đông Minh) xúc động khi Thủ tướng cùng đoàn công tác vào ghé thăm nhà.

Bà Lê Thị Mến (67 tuổi, ở thôn 4, xã Đông Minh) xúc động khi Thủ tướng cùng đoàn công tác vào ghé thăm nhà.

"Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn Thủ tướng đã tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhân dân. Nhà tôi trước chỉ có 430m2 nhưng ra đây được 450m2. Đường sá rộng rãi, khu xóm xanh, sạch đẹp hơn chỗ cũ rất nhiều", bà Lê Thị Mến (67 tuổi, ở thôn 4, xã Đông Minh) xúc động và tâm sự khi Thủ tướng cùng đoàn công tác vào ghé thăm nhà.

Dọc các tuyến đường giao thông (rộng hơn 10m), hàng loạt các ngôi nhà xây từ 2-3 tầng với diện tích từ 200m trở lên xây nối liên nhau trông như "khu biệt thự". Bên cạnh là khu nhà Trạm Y tế, Nhà văn hóa thôn rộng hàng nghìn m2, có đầy đủ sân chơi cho các cháu thiếu nhi.

Nhà văn hóa thôn 4, xã Đông Minh trong khu TĐC rộng rãi, khang trang rộng rãi sau khi di dời từ nơi cũ đến nơi mới

Nhà văn hóa thôn 4, xã Đông Minh trong khu TĐC rộng rãi, khang trang rộng rãi sau khi di dời từ nơi cũ đến nơi mới

Ông Nguyễn Văn Tĩnh (84 tuổi) cho biết, đến tầm tuổi này được ra ở khu "biệt thự" như này, không còn gì để nói nữa. Bà con chúng tôi ở đây rất vui mừng và phấn khởi. Nhà nước đầu tư đường mới, người dân có nhà mới để ở. Trước kia, cả cái nhà văn hóa rộng chưa đầy 500m nhưng di chuyển ra đây gần 2.000m2, chúng tôi có nơi sinh hoạt rộng rãi, các cháu có sân chơi thì ở đâu bằng. Còn nhà cửa thì đất đổi đất rộng rãi cứ thế xây nhà cao mà ở.

Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa là 9.491 hộ. Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng bởi đất nông nghiệp 7.066 hộ, chiếm 74,5%; số hộ bị ảnh hưởng bởi đất ở là 2.425 hộ, chiếm 25,5% (gồm cả 1.117 hộ phải bố trí TĐC, chiếm 11,8% số hộ bị ảnh hưởng). Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 819 ha (đất nông nghiệp là 572,55ha, chiếm 69,9%; đất ở, đất khác là 246,48ha, chiếm 30,1%).

Ông Lê Trọng Thụ - Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án đi qua ảnh hưởng rất nhiều đến các hộ dân có đất ở. Trong đó, huyện đã bố trí 4 khu TĐC ở các xã Đông Khê, Đông Anh, Đông Thanh và Đông Minh. Tất cả các hộ dân đều đã ra nơi ở mới với hạ tầng điện, đường, trường, trạm tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều.

Trong hội trường thôn 4, hàng trăm người dân bao quanh đoàn công tác của Thủ tướng để được bắt tay, trò chuyện và kể với Thủ tướng những niềm vui khi ra nơi ở mới. Bà con nơi đây cho biết, trước đây, hạ tầng nơi ở cũ rất chật chội, thiếu thốn, nay đến nơi ở mới rất khang trang, sạch sẽ với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con cũng được cải thiện, an ninh trật tự cũng được tăng cường.

Trước những tình cảm của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới bà con đã nhường nơi ở cho dự án, vui mừng khi thấy bà con chia sẻ cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc.

Hay ở tại Nghệ An, những ngày đầu năm mới, về khu TĐC Dự án đường cao tốc Bắc - Nam ở xóm 5, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh nơi đây. Giữa làng quê lam lũ, hàng chục ngôi “biệt thự” mới mọc lên san sát. Hệ thống hạ tầng, điện đường, nước sạch… cũng được đầu tư bài bản, hiện đại.

Mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Mỹ (102 tuổi) móm mém: "Khi nghe tin đường cao tốc đi qua, người dân đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Ở khu tái định cư mới hiện nay như khu phố mới, đời sống thay đổi hoàn toàn, người dân vẫn gọi nhau là “khu đô thị mới".

Khu TĐC Dự án đường cao tốc Bắc - Nam ở xóm 5, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Khu TĐC Dự án đường cao tốc Bắc - Nam ở xóm 5, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Cùng niềm vui, ông Nguyễn Văn Đại, xóm trưởng xóm 5 cũng cho biết: "Đây là cái Tết đầu tiên của những hộ dân ở khu tái định cư mới nhưng nhà nào cũng rất vui. Hạ tầng cơ sở ở khu mới được nhà nước đầu tư, xây dựng bàn bản, hiện đại nên việc sinh sống của người dân rất thuận lợi. Nơi này so với trước đây phải tốt gấp 2, gấp 3 chứ không kém chút nào".

Theo ghi nhận, không chỉ cuộc sống của người dân ở khu tái định cư ở Nghi Phương mà ở cả 27 khu tái định cư khác của Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đều tốt hơn nơi ở cũ. Điển hình như các khu tái định cư Quỳnh Vinh (TX Hoàng Mai), Diễn Phú (Diễn Châu), Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên)…

Thủ tướng thăm hỏi và chúc Tết mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Mỹ (102 tuổi)

Thủ tướng thăm hỏi và chúc Tết mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Mỹ (102 tuổi)

Chị Nguyễn Thị Bình (36 tuổi, ở khu tái định cư mới xóm 4, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) từng kể với PV: Ngày xưa gia đình chị ở ngay dưới chân Rú Rậm. Nhà có 600m2 đất ở và 700m2 đất vườn nhưng vì đất dốc nên từ việc sinh sống đến làm vườn gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, là khu vực đất thấp hơn, hễ mưa là ngập, trồng cây gì cũng chết. Đó là chưa kể nỗi lo sạt lở đất lúc mưa lớn kéo dài. Chưa hết, con ngõ vào nhà chị cũng chỉ rộng khoảng 3m, chỉ đủ một xe ô tô con đi vào. Mỗi lần gia đình, hàng xóm hay giáo họ có lễ, rất bất tiện vì mọi người về đông.

Liên quan đến tái định cư, trong cuộc họp với Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị, tối ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Thời gian qua, các địa phương ở miền Trung đã làm tốt công tác đền bù, GPMB. Đối với các dự án thành phần giai đoạn 2 (2021 - 2025) qua khu vực này, Bộ trưởng mong muốn các địa phương nơi đây làm tốt hơn nữa công tác đền bù, GPMB. Hiện nay, các địa phương đã giải phóng được hơn 70%, đề nghị các địa phương quyết tâm giải quyết xong mặt bằng trong quý I/2023 để bàn nhà thầu tập trung thi công. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong công tác đền bù, GPMB, bên cạnh công tác dân vận, xác định giá thì câu chuyện cốt lõi vẫn là tái định cư. Yêu cầu là nơi ở mới ít nhất phải bằng, còn lại phải tốt hơn nơi ở cũ".

Tại nơi ở mới, gia đình chị Bình được bố trí 600m2 đất ở (bằng nơi ở cũ) ngay mặt tiền 2 tuyến đường rộng khoảng 6m. Hệ thống cơ sở hạ tầng từ đường sá, điện, nước sạch đều được đầu tư bài bản, khang trang. Từ tiền đền bù, hỗ trợ, gia đình chị đã xây dựng một căn nhà 2 tầng mà trước đó chị chưa từng dám mơ đến.

Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, cũng cho biết: Địa phương có 2 khu tái định cư dự án cao tốc, đến nay người dân đã xây dựng nhà cửa và ổn định cuộc sống. Dù còn mới nhưng cả 2 khu này đang trở thành điểm nhấn về cuộc sống và phát triển kinh tế của địa phương.

Nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ

Ông Phan Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thông tin, để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, huyện Quảng Trạch sẽ xây dựng 6 khu TĐC cho 118 hộ dân với diện tích 15,2 ha; ngoài ra, địa phương còn bố trí 6 khu nghĩa trang cho 1.100 ngôi mộ...

“Tiêu chí trong xây các khu TĐC là nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nên việc quy hoạch xây dựng các khu TĐC được địa phương lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, tổ chức họp lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng. Hiện đã phê duyệt quy hoạch 2 khu TĐC, 4 khu đang thẩm định...” ông Thanh nói.

Xã Quảng Phương là một trong những địa phương của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam. Có khoảng 40 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất làm cao tốc.

Là 1 trong những hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, ông Nguyễn Huy Đình (xã Quảng Phương, H. Quảng Trạch) cho biết, sau khi biết dự án đi qua nhà và phải di dời đến nơi ở mới, ban đầu gia đình cũng rất tâm tư vì đã gắn bó với mãnh đất này từ thủa cha ông.

Tuy nhiên, tại các cuộc họp thôn, xóm rồi đến cấp cao hơn, gia đình được sự tư vấn, giải thích kỹ từ các cán bộ nên cũng an tâm. “Chúng tôi hi vọng, về nơi ở mới có có vị trí thuận lợi, cao ráo, hạ tầng đầy đủ để xây dựng nhà mới...” ông Đình nói.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc

Với 226 hộ dân phải di dời tới nơi ở mới, Can Lộc dự kiến xây dựng 5 khu TĐC với tổng diện tích gần 21ha gồm: Kim Song Trường 2 khu TĐC (thôn Phúc Yên diện tích 4,86ha, thôn Đông Vĩnh diện tích 2,9ha); Trung Lộc 1 khu TĐC diện tích gần 2ha ở thôn Minh Hương; Quang Lộc 1 khu TĐC diện tích 2,87ha ở thôn Ban Long; Sơn Lộc 1 khu TĐC diện tích khoảng 8ha ở thôn Thịnh Lộc.

Ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin, việc quy hoạch xây dựng các khu TĐC được địa phương lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, tổ chức họp lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng.

Đến nay, huyện đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng về việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các khu TĐC. Trường hợp được chấp thuận, huyện Can Lộc tiến hành công tác GPMB tại các khu TĐC trước khi bắt tay vào việc xây dựng hạ tầng.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Nghệ An và Hà Tĩnh

Cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Nghệ An và Hà Tĩnh

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thống, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc có khoảng 2.000m2 vuông đất nông nghiệp bị thu hồi để làm đường. Đến nay, ông Thống đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị để làm dự án đường cao tốc.

Ông Thống nói, mức giá đền bù hiện tại sát với khung giá đất theo quy định của nhà nước: “Ngay từ khi mới nghe thông tin về dự án cao tốc đi qua trên phần đất để gia đình sản xuất nông nghiệp thì gia đình và bản thân tôi có hơi băn khoăn. Bởi, từ bao đời nay, gia đình sống nhờ vào làm nông. Nếu thu hồi đất rồi thì lấy gì mà làm ăn?!”.

Sau nhiều cuộc họp từ huyện đến xã, được cán bộ các cấp tuyên truyền, giải thích, và hiểu được mục đích ý nghĩa của dự án, tôi đã nhận tiền bàn giao diện tích đất để làm dự án.

Khác với gia đình ông Thống chỉ ảnh hưởng đất sản xuất, gia đình ông Nguyễn Hữu Đa có 2 lô đất ở nằm trọn trong phạm vi đường cao tốc Bắc - Nam. Chia sẻ với PV, ông Đa cho rằng, chẳng ai muốn rời bỏ đất tổ tiên, hương hỏa để lại đã gắn bó với bao thế hệ trong gia đình để đến vùng ở mới cả. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được ý nghĩa to lớn của dự án cao tốc và được tận mắt xem khu đất được làm TĐC thì tôi cũng phần nào yên tâm mà rời đi.

Gấp rút hoàn thiện thủ tục xây dựng các khu TĐC

Đối với dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các địa phương như Quảng Bình và Hà Tĩnh đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện thủ tục xây dựng các khu TĐC, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư xây dựng kịp thời đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo ông Phạm Văn Năm - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, để triển khai dự án cao tốc, có khoảng 3.082 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, có 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 21 xã; các địa phương sẽ bố trí 27 khu tái định cư với diện tích hơn 75 ha. Có khoảng 3.605 ngôi mộ bị ảnh hưởng, đã xác định bố trí 17 khu nghĩa trang với diện tích hơn 104 ha tại 15 xã, số ít còn lại đang được di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 13/1, theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh hiện các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,79km, đạt 100% khối lượng.

Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm đếm tài sản trên đất với phạm vi 126,47km, đạt 99,44%, phần khối lượng công việc còn lại thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Theo ông Trần Xuân Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, toàn huyện có 3 khu TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích 7,96 ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và 7 khu nghĩa trang cho 1056 ngôi mô cũng đã lập phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, tiến độ GPMB đã đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT, tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn thấp, vì vậy, thời gian tới tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần bám sát để đốc thúc tiến độ.

Về tiến độ GPMB các khu TĐC, nghĩa trang, theo ông Trần Thắng, ngoài huyện Quảng Ninh làm tốt thì tỉnh đang đốc thúc các địa phương khác khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các dự án để sớm thi công.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi bàn giao mặt bằng đợt 1 dự án cao tốc Bắc - Nam cho chủ đầu tư, các địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện công tác GPMB phần còn lại của công trình như bồi thường đất ở, cất bốc mồ mả, di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật… với mục tiêu bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Trong số các công việc của GPMB thì việc kiểm đếm, áp giá bồi thường đất ở, tài sản trên đất, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân di dời phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam được dự báo là khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian.

Song song với việc kiểm đếm đất ở, tài sản trên đất, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam các địa phương đang gấp rút thực hiện các bước xây dựng khu tái định cư để đảm bảo nơi ở mới có hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Với 800 hộ dân thuộc diện di dời tái định cư và cất bốc gần 800 ngôi mộ, Hà Tĩnh sẽ cho xây dựng 26 khu tái định cư và 4 nghĩa trang (2 nghĩa trang xây mới ở huyện Kỳ Anh và mở rộng 2 nghĩa trang hiện có ở Thạch Hà, Can Lộc).

Nhóm PV Thường trú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-nhuong-dat-xay-cao-toc-noi-o-moi-tot-gap-doi-cho-cu-d580268.html