Người dân nói gì sau hơn 1 tháng TP.HCM cho thuê vỉa hè?

Hơn 1 tháng thí điểm thu phí sử dụng tạm vỉa lè, lòng đường trên địa bàn TP.HCM, đến nay việc buôn bán trên vỉa hè đã đi vào nền nếp, người dân ủng hộ và đăng ký sử dụng vỉa hè nhiều hơn.

Một lần bị phạt bằng cả năm đóng phí

Ngày 22/6, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên một số tuyến đường triển khai thu phí vỉa hè ở quận 1, tình hình buôn bán đi vào nền nếp, ổn định. Người dân ngồi ngay ngắn sau vạch kẻ trắng, không còn len lỏi lấn chiếm như trước kia.

Chị Lâm Thị Xuyến, bán trái cây trên đường Phan Chu Trinh, phường Bến Thành đã hơn 40 năm, cười tươi nói: "Vui lắm, đây là chính sách rất tuyệt vời của thành phố. Những người dân buôn bán nhỏ như chị rất yên tâm. Phí đóng hợp tình, hợp lý, tâm lý thoải mái không lo bị đẩy đuổi như trước kia. Khi chưa thu phí chúng tôi ngồi vỉa hè, không dám đi đâu để canh me thấy có lực lượng đô thị là chạy, nhưng giờ thì ngồi bán cả ngày, có buồn ngủ cũng không lo".

Theo lời chị Xuyến đã từng bị đội trật tự đô thị phường phạt 2,5 triệu vì kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Việc nộp phí 200.000 đồng/tháng là rất hợp lý và tạo được tâm lý thoải mái để người dân yên tâm buôn bán.

Chị Lâm Thị Xuyến bán trái cây hơn 40 năm trên đường Phan Chu Trinh ủng hộ thành phố thu phí vỉa hè, chị không còn lo thấp thỏm bị đội trật tự đô thị đẩy đuổi: Ảnh Đỗ Loan

Chị Lâm Thị Xuyến bán trái cây hơn 40 năm trên đường Phan Chu Trinh ủng hộ thành phố thu phí vỉa hè, chị không còn lo thấp thỏm bị đội trật tự đô thị đẩy đuổi: Ảnh Đỗ Loan

Cùng niềm vui, một người dân bán nước cam trên vỉa hè đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành chia sẻ: "Tôi bán ở đây được hơn 30 năm. Tôi đóng 3 tháng 3m2 là 870.000 đồng, số tiền này cũng hợp lý và không còn lo chạy như trước đây".

Dù đã thu phí, nhưng đội trật tự của phường vẫn thường xuyên kiểm tra trật tự an toàn trên vỉa hè. Ông Kiều Văn Đến, Tổ quản lý trật tự đô thị phường Bến Thành, quận 1 cho biết: phường đang thí điểm 3 tuyến đường là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn. Đường Phan Bội Châu có 30 hộ đăng ký, Phan Chu Trinh 11 trường hợp.

Cả ba tuyến đường với mức thu phí là 100.000 đồng/m2. Hình thức đóng phí theo 3 lựa chọn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) tùy điều kiện của người dân. Hiện nay phường đang thí điểm 3 tuyến, sau khi đi vào ổn định sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến đường khác.

Nhiều người buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè ủng hộ thu phí vỉa hè của thành phố. Ảnh: Đỗ Loan

Nhiều người buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè ủng hộ thu phí vỉa hè của thành phố. Ảnh: Đỗ Loan

Theo ông Đến, khi có Quyết định 32/2023/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM, đội quản lý đô thị của phường vất vả vì phải tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân.

Sau một tuần ra quân triển khai, phường cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm để trật tự vỉa hè đi vào nề nếp. Tại các tuyến đường thu phí người dân thực hiện nghiêm, có ngăn nắp, tạo được mỹ quan đô thị, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Khi người dân thấy được lợi ích và tự nguyện đăng ký với UBND phường.

Triển khai thêm nhiều tuyến đường

Ông Dương Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, đến ngày 19/6, quận 1 có 110 trường hợp đã đóng phí sử dụng tạm thời một phần hè phố trên địa bàn 10 phường. Trung bình mỗi ngày có 13 trường hợp đăng ký sử dụng vỉa hè, trong đó, phường Bến Thành có số lượng đăng ký nhiều nhất là 142 trường hợp, đường Lê Thánh Tôn có 84 trường hợp. Tổng số tiền thu phí sử dụng vỉa hè 473.022.000 đồng.

Hiện quận 1 có 52 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên mà người dân có thể sử dụng tạm một phần để kinh doanh có thu phí; 12 tuyến đường cho giữ xe có thu phí. Sau thời gian tổ chức thí điểm, quận sẽ đánh giá kết quả, rà soát, báo cáo UBND TP để triển khai trên phạm vi toàn quận.

Sau thí điểm, UBNQ Quận 1 sẽ triển khai thêm nhiều tuyến đường. Ảnh: Đỗ Loan

Sau thí điểm, UBNQ Quận 1 sẽ triển khai thêm nhiều tuyến đường. Ảnh: Đỗ Loan

Theo ông Bình, từ các dữ liệu thống kê được, Phòng Quản lý đô thị nhận thấy người dân ủng hộ việc đóng phí và tự nguyện đăng ký. Người dân chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh trên hè phố.

Bên cạnh đó, việc đăng ký qua app giúp minh bạch và thuận lợi. Đồng thời người dân cũng cũng đăng ký được nhanh, thuận tiện không phải đi lại.

Tương tự, đại diện quận 3, quận 10 cho biết cũng đã lập danh sách các tuyến đường đủ điều kiện thu phí vỉa hè. Các quận này cũng đã tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến người dân về việc tạm thu phí vỉa hè, lòng đường. Quận 3 dự kiến trong tháng 6 sẽ triển khai đến các hộ đăng ký kinh doanh có thu phí trên vỉa hè. Quận 10 lập danh sách 28 tuyến đường thu phí vỉa hè với bề rộng vỉa hè từ 3m trở lên; quận 12 thí điểm 15 tuyến đường; quận 5 là 66 tuyến đường tổ chức thu phí kinh doanh vỉa hè.

UBND quận 1 thí điểm 11 tuyến đường cho thuê sử dụng tạm vỉa hè. 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 gồm: đường Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

Các hộ đăng ký kinh doanh cài đặt phần mềm Tra cứu chức năng hè phố Quận 1" khai báo thông tin để đóng phí.

Anh Thư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-noi-gi-sau-hon-1-thang-tphcm-cho-thue-via-he-192240621192122457.htm