Người đàn ông 10 năm tìm mộ liệt sĩ từ lời trăng trối của mẹ
Cả trăm hài cốt liệt sĩ bị chôn vùi dấu tích theo bụi đường thời gian trong sự tìm kiếm vô vọng của người thân được khai quật bởi bàn tay cựu binh cất công tìm mộ.
Người suốt 10 năm âm thầm viết nên câu chuyện đầy cảm động về nỗ lực tìm kiếm thân nhân liệt sĩ vô danh ấy là ông Đặng Ngọc Nga (65 tuổi, trú khối phố An Đông, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam).
Từ lời trăng trối của mẹ
Tháng 4 về, kèm theo cái nắng hừng hực, bỏng rát bao phủ dọc dài trên từng nẻo đường xứ Quảng.
Đây cũng là lần thứ hai, chúng tôi hẹn gặp người cựu chiến binh tròn 10 năm miệt mài đi tìm hài cốt liệt sĩ.
Lần đầu, cuộc hẹn bất thành. Hôm ấy, vượt hàng trăm cây số ra tận Thái Bình, ông tìm gặp cụ Nguyễn Thị Hớn – mẹ liệt sĩ Vũ Văn Đức.
Từ năm 1967, cụ Hớn bặt tin về đứa con trai dũng cảm hy sinh ở mảnh đất Bình Lâm, huyện Hiệp Đức. Và trong mơ, cụ cũng không ngờ tới, ở cái tuổi gần đất xa trời, mình may mắn nhận được hài cốt của con.
Không ai khác, chính ông Nga là người lần ra địa chỉ và giúp người mẹ này thỏa niềm mong mỏi hơn nửa thế kỷ.
Ở lần thứ hai, ông dành cho chúng tôi cuộc hẹn tình cờ khi ông cùng đoàn cựu chiến binh viếng mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Bình Sơn.
Bên ngôi mộ chôn cất 3 liệt sĩ, ông Nga bồi hồi kể: “Đây là mộ chung của ba đồng chí Nguyễn Văn Dùng, Lê Văn Nhinh và Đỗ Xuân Quý. Cả ba anh dũng hy sinh trong trận đánh ác liệt năm 1968.
Chính tay mẹ tôi chôn cất họ ở ngọn đồi Tranh. Năm 2010, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ đã cầm chặt tay tôi, bà trăng trối bằng mọi giá phải tìm cho được hài cốt của ba liệt sĩ và quy tập về nghĩa trang”.
Từ di nguyện của người mẹ quá cố, ông gác mọi công việc gia đình, dồn toàn bộ tâm sức cho công cuộc tìm kiếm dấu tích của 3 bộ hài cốt liệt sĩ.
Lần theo mô phỏng nhập nhòe từ trí nhớ bị bào mòn vì thời gian của mẹ, ông lùng sục khắp ngọn đồi Tranh rộng cả chục hecta nằm phía sau thị trấn.
Ròng rã suốt hai năm ăn dầm ở dề, bất chấp nắng mưa ở cánh rừng phủ xanh bạt ngàn cây lá, ông cũng hoàn thành tâm nguyện của mẹ.
“3 bộ hài cốt bị đất đá vùi lấp sâu tới 3 mét, lá cây rụng xếp lớp dày đặc. May mắn gặp trận mưa xối xả đã cuốn phăng phần đất bao phủ phía trên và lộ thiên hài cốt của 3 anh.
Giây phút đó, tôi mừng đến phát khóc vì bao nhiêu công sức mình đổ ra rốt cuộc cũng được đền đáp”, ông Nga hồi tưởng.
Năm 2010, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ đã cầm chặt tay tôi, bà trăng trối bằng mọi giá phải tìm cho được hài cốt của ba liệt sĩ và quy tập về nghĩa trang.
Ông Đặng Ngọc Nga
Sau khi cùng các anh em trong Huyện đội Hiệp Đức đưa hũ hài cốt về nghĩa trang xây dựng mồ mả, ông đăng tin trên mạng và nhờ báo đài kết nối với thân nhân 3 liệt sĩ.
Ngay khi thông tin truyền đi, cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Dùng (quê Hải Dường) là Nguyễn Văn Kiên tình cờ tiếp nhận.
Chuyến xe ô tô chở cả gia đình Kiên sau khi vượt quãng đường dài đã dừng bánh tại chiến trường người chú hy sinh.
Việc nhận diện diễn ra trong tích tắc vì thông tin ngày giờ, vị trí hoàn toàn trùng khớp với thông tin phía trung đội mà liệt sĩ Dùng đóng quân cung cấp.
Vậy là từ năm 2012 đến nay, đúng ngày giỗ chú, gia đình anh Kiên lại bắt xe vô nghĩa trang Bình Sơn thắp hương, cúng kính. Tất nhiên, họ cũng không quên ghé thăm vị ân nhân từng chẳng ngại gian nan, miệt mài đi tìm 3 bộ hài cốt liệt sĩ.
Đội xe máy nghĩa tình
Những tưởng khi đã hoàn thành tâm nguyện của mẹ, ông Nga sẽ khép lại hành trình 2 năm trời bỏ công bỏ sức tìm mộ liệt sĩ.
Nào ngờ, từ câu chuyện 3 bộ hài cốt trên đồi Tranh, cụm từ "ông Nga tìm mộ liệt sĩ” bắt đầu nhen nhóm hy vọng cho không ít gia đình có người thân hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt.
Và như một lẽ tự nhiên, cái nghiệp mà không ít người bảo “bao đồng” cứ vận vào ông lúc nào không hay.
Nhiều năm nay, trang Facebook mang tên Tri Ân do ông lập ra trở thành địa chỉ thân thuộc, phục vụ kết nối việc tìm kiếm liệt sĩ vô danh trên khắp địa bàn tỉnh.
Khi chúng tôi hỏi, vậy đã có bao nhiêu hài cốt liệt sĩ vô danh được ông khai quật? Nhẩm tính hồi lâu, ông Nga ước chừng con số lên tới cả trăm.
Theo ông Nga, với những hài cốt không thể kết nối được với thân nhân thì ông tự nguyện gánh trách nhiệm đứng ra quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, một tay chăm lo hương khói.
5 năm gần đây, nhiều gia đình ở xa tới Quảng Nam nhận diện liệt sĩ như quẳng đi nỗi lo mù tịt đường sá bởi đã có đội xe máy nghĩa tình.
Không ai khác, chính ông Nga là người nảy ra ý tưởng mang đậm tính nhân văn trên.
“Đầu năm 2015, trong cuộc họp chi bộ khối, bản thân lại giữ chức bí thư chi bộ nên tôi mạnh dạn đứng ra kêu gọi thành lập đội xe máy hỗ trợ thân nhân liệt sĩ. Rất vui vì đông đảo mọi người đồng tình hưởng ứng.
Ước tính, 8 thành viên trong đội đã thực hiện hàng trăm cuốc xe ôm miễn phí đưa đón thân nhân liệt sĩ, vượt các cung đường núi rừng gồ ghề đi tìm mộ”, ông Nga bộc bạch.
Đặc biệt, trong số 8 thành viên cơ hữu của đội xe máy nghĩa tính ấy có ông Đào Bội Thuyên (nguyên chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức).
“Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của anh Nga, tôi tự nguyện đồng hành cùng anh trong các chuyến đi tìm kiếm mộ liệt sĩ.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi, năm 2015, anh Nga được Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam trao tặng giấy khen cho mô hình Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tìm kiếm mộ người thân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ”, ông Thuyên xúc động khi nhắc tới hành trình tròn 1 thập kỷ tìm mộ liệt sĩ của ông Nga.