Người đàn ông 72 tuổi 23 năm đạp xích nuôi con gái tâm thần

Con gái bị bệnh tâm thần, người vợ mang trong người nhiều căn bệnh phải nghỉ ở nhà chăm con, chăm cháu khiến gánh nặng mưu sinh đè hết lên vai người đàn ông gầy gò 72 tuổi.

Suốt 23 năm kể từ ngày con gái mắc bệnh tâm thần, ông Nguyễn Văn Phải (72 tuổi, quận 10, TP.HCM) dường như chưa có được 1 ngày ngơi nghỉ để có miếng ăn cho cả gia đình. Mỗi ngày, ông dậy từ sớm để đi chạy xích lô, ai thuê gì chở ấy. Tối đến, ông lại giữ xe cho chung cư nơi ông ở để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

Ông Phải dậy từ sớm để đi chạy xích lô, ai thuê gì chở nấy.

Ông Phải dậy từ sớm để đi chạy xích lô, ai thuê gì chở nấy.

"40 năm trước tôi dành dụm được 2 chỉ vàng mua chiếc xích lô, hồi đó khách dữ lắm chở không hết, gia đình cũng có dư. Sau đó taxi, xe ôm xuất hiện nhiều nên cuộc sống khó khăn hơn. Thời điểm đó con gái tôi phát bệnh, gia đình nhiều lúc kiệt quệ. Rồi vợ tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm con cái. Tôi không làm thì không biết sống sao", ông Phải kể.

Cụ ông 72 tuổi gầy gò để đầu trần, mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng nóng đã trở nên quen thuộc với nhiều người sống tại chung cư Ấn Quang.

Cụ ông 72 tuổi gầy gò để đầu trần, mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng nóng đã trở nên quen thuộc với nhiều người sống tại chung cư Ấn Quang.

Ông kể, do lớn tuổi và làm việc nặng, có những lúc cơn đau chân, đau lưng hành đến không thể đi lại. 2 năm trước, ông còn nhận chở sắt cho người ta, nhưng sức yếu ông không thể chạy lên dốc cầu được, phải gọi điện thoại nhờ con trai ông ra giúp cha. 2 năm gần đây, ông chạy xích lô đi nhặt ve chai hoặc tìm vài chỗ phát cơm từ thiện xin về nhà ăn qua bữa, sau đó, ông nhận phụ giúp mọi người phát cơm vào thứ ba, thứ bảy hàng tuần, tối về ông giữ xe từ 5-9h tối.

Ông Phải giữ xe từ 5-9h tối.

Ông Phải giữ xe từ 5-9h tối.

Đôi bàn tay chai sạm vì lao động vất vả.

Đôi bàn tay chai sạm vì lao động vất vả.

"Hồi đầu tôi định phụ phát cơm làm phước để con tôi bớt bệnh, nhưng người ta biết hoàn cảnh, người ta thương rồi người ta cho cơm mình mang về ăn. Có đợt tui đi phát cơm bị người ta tông xe rồi bỏ chạy, may mà được người tốt đưa vô bệnh viện còn đóng luôn viện phí cho tôi. Tối về tôi giữ xe dưới chung cư, người ta ứng trước cho tôi 1 triệu/tuần để tôi trang trải. Thật ra tiền công chỉ có 700 nghìn đồng/tuần à, mà tôi quét dọn rác khu vực nên được trả thêm 300 nghìn nữa", ông kể.

Kể về người con gái bị tâm thần, ông Phải cho biết chị tên Nguyễn Thị Ngọc Nga (41 tuổi), sau một lần té xe năm 17 tuổi chị bắt đầu có nhiều biểu hiện lạ, hay than đau đầu, mệt mỏi. Sau đó bộc phát nặng, chị hay lên sân thượng chung cư cười, khóc một mình. Đưa con đi khám, ông bà mới vỡ lẽ ra con bị tâm thần phân liệt vì tổn thương dây thần kinh trên não.

Chị Nga bị tâm thần phân liệt vì tổn thương dây thần kinh trên não.

Chị Nga bị tâm thần phân liệt vì tổn thương dây thần kinh trên não.

"Điều tôi hối hận, day dứt nhất cuộc đời có lẽ là không đưa con tôi đi khám sớm hơn, nếu được chữa trị sớm, có lẽ con tôi đã tốt hơn bây giờ. Hồi đó nó cứ than đau đầu, tôi nghĩ là cảm nên cứ thoa dầu vậy thôi, đâu có ngờ…", bà Đỗ Thị Ngọc Dung (67 tuổi, vợ ông Phải) nghẹn ngào.

Hơn 20 năm, ông bà dồn hết tiền bạc sức lực để chạy chữa cho cô con gái lúc nào cũng cười cười, lẩm nhẩm một mình như đứa con nít. Bà Dung kể, ngày mới phát bệnh phải nhập viện điều trị suốt 1 năm ròng, con gái bà không còn nhận ra cha mẹ là ai nữa, liên tục quấy phá, la hét, vệ sinh cá nhân cũng không tự lo được. Khi đó, bà phải nghỉ việc lao công ở trường học để vào viện chăm con.

Ngoài bà Nga, ông Phải còn 2 người con trai, người con trai đầu 43 tuổi, hiện làm nghề xe ôm. Ngày trước anh đã từng kết hôn, sau khi sinh cô con gái, vợ anh bỏ đi để lại đứa con đỏ hỏn. Ông bà nội thấy thương nên cưu mang đến nay, cháu bé cũng đã học hết cấp 1. Bà Dung kể, con trai cũng rất muốn phụ giúp gia đình nhưng không có bằng cấp nên không nơi nào chịu nhận. Ngày xưa anh chỉ có chiếc xe đạp chạy tới lui, sau này mới mua được chiếc xe máy "cà tàng" để chạy xe ôm nhưng cũng chỉ đủ tiền lo cho con gái ăn học.

Còn người con trai út 39 tuổi mang trong người căn bệnh dạ dày. Có lần phát bệnh trong lúc làm việc khiến anh suýt bị tai nạn lao động. Từ đó, tâm lý của anh trở nên yếu hơn, công việc vì vậy cũng bấp bênh.

Mọi người trong khu vực ai cũng gọi ông là “bố già”.

Mọi người trong khu vực ai cũng gọi ông là “bố già”.

6 con người chen chúc trong căn nhà chưa đến 30m2. Đây là căn nhà gia đình ông được Nhà nước cấp, mỗi tháng trả thêm 600.000 đồng vì trước đó ông nằm trong diện giải tỏa được bồi thường. Nhưng vì không có thu nhập nên mỗi tháng ông chỉ đóng 200.000 đồng.

"Người dân sống ở khu này ai cũng biết ổng hết, mua cái gì cũng được cho thêm, bớt tiền. Nhiều khi ổng không có tiền người ta kêu cứ lấy đi, chừng nào có tiền rồi trả. Người cho gạo, người cho đồ ăn cứ vậy mà sống qua ngày", bà Dung kể.

Cả gia đình ông Phải.

Cả gia đình ông Phải.

Ngọc Quyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ong-72-tuoi-23-nam-dap-xich-nuoi-con-gai-tam-than-20210513133124879.htm