Người đàn ông bị bắt vì quay clip, tuyên truyền ăn rắn sống chống COVID-19
Người đàn ông ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ đã bị cảnh sát bắt sau khi xuất hiện đoạn video cho thấy anh ta ngoạm vào xác rắn và tuyên bố ăn thịt rắn chống được COVID-19.
Đoạn video do báo India Today chia sẻ cho thấy người đàn ông đang cắn vào xác một con rắn. Cuối cùng, con rắn bị xé làm đôi còn người này tiếp tục ngoạm những miếng lớn. Người này nhìn vào camera và nói rằng ăn thịt rắn sống sẽ ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Xem video dưới đây. Nguồn: India Today)
Được biết, người này tên là Vadivelu, 50 tuổi, làm nghề nông. Một nhân viên kiểm lâm đã xem được đoạn video đang lan truyền khắp mạng xã hội này và điều người đến bắt giữ ông Vadivelu.
Trong cuộc phỏng vấn với The Times of India, nhân viên kiểm lâm trên nói rằng người đàn ông khai nhận đã bị vài người khác ép ăn con rắn. Ông ta cũng thanh minh rằng đã say rượu khi ăn thịt con rắn.
Mặc dù con rắn đã chết nhưng nhân viên kiểm lâm cảnh báo nó vẫn có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người đàn ông liều lĩnh đó.
Nhân viên kiểm lâm nói: “Anh ta nhai con rắn đã chết. May mắn là anh ta không cắn vào tuyến nọc độc của con rắn. Đây là loại rắn cạp nong phổ biến. Rắn cạp nong thường chứa độc tố có thể làm tê liệt thần kinh con người”.
Kết quả, ông Vadivelu đã bị cảnh sát bắt cũng như phải nộp phạt 7.000 rupee (khoảng 2,5 triệu đồng).
Đây không phải là lần đầu tiên các thông tin sai lệnh về cách chữa trị COVID-19 lan truyền tai hại ở Ấn Độ. Tháng trước, một chính trị gia Ấn Độ bị phát hiện xúc nước tiểu bò cho một bệnh nhân COVID-19 đang thở máy.
Theo Reuters, một số nhóm người theo đạo Hindu ở Ấn Độ đã tắm nước tiểu và phân bò để xua đuổi virus. Trong khi những người khác lại truyền bá về các biện pháp thảo dược không có hiệu quả cùng với vài kỹ thuật hít thở để giúp bảo vệ họ khỏi COVID-19.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nước Nam Á này có thể chứng kiến làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba trong những tháng tới vì thiếu nguồn cung cấp y tế cần thiết và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đáng chú ý, Ấn Độ mới chỉ tiêm vaccine cho 4% trong số 1,35 tỷ dân.