Người đàn ông bị đóng vảy, mọc mủ toàn thân

Sau thời gian dùng thuốc nam, toàn thân anh Kiên bị mụn mủ, tróc vảy mảng lớn, vô cùng đau đớn.

Các bác sĩ hoa Bệnh da nam giới D3, BV Da liễu TƯ vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Kiên, 40 tuổi, bị bùng phát vảy nến mủ toàn thân sau tiêm corticoid tại phòng khám tư và dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Anh Kiên cho biết, cách đây 3 năm, trên cơ thể xuất hiện tình trạng đỏ da, bong vảy rải rác. Khi đi khám tại BV Da liễu TƯ, anh được chẩn đoán mắc vảy nến.

Sau 1 tháng điều trị theo đơn, tổn thương có thuyên giảm. Tuy nhiên, tin lời giới thiệu của người thân, bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc lá, thuốc nam. Sau một thời gian, bệnh không đỡ mà nặng lên từng đợt.

Bệnh nhân bị bong vảy và mọc mụn mủ toàn thân do tự ý uống thuốc nam và tiêm corticoid

Một năm trở lại đây, anh Kiên đi tiêm corticoid tại phòng khám tư theo phác đồ 1 tháng 1 lần. Sau tiêm, tổn thương đỡ nhiều, tuy nhiên bùng phát trở lại nặng hơn sau khi ngừng tiêm.

4 ngày gần đây, bệnh nhân sốt cao 38-39 độ C, mọc mụn mủ và đỏ da bong vảy toàn thân, được BV tuyến tỉnh chuyển đến BV Da liễu TƯ cấp cứu.

Khi vào viện, bệnh nhân phải tiểu qua ống sonde, mặt đỏ, béo, đặc trưng hội chứng cushing.

Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân là một trường hợp vảy nến thể mủ bùng phát sau sử dụng sản phẩm liên quan tới corticoid bằng đường toàn thân (uống hoặc tiêm).

Thành phần này thường được pha trộn trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc quảng bá rầm rộ trong dân gian như một thần dược trong điều trị vảy nến, khiến bệnh nhân tin dùng mà không nghĩ đến hậu quả sau này.

Sau 2 ngày điều trị bằng vitamin A acid, tình trạng tróc vảy toàn thân của bệnh nhân đã giảm bớt.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu TƯ cho biết, vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời, có khoảng 2 – 3% dân số mắc bệnh.

Vảy nến thể mủ là một thể nặng, ít gặp của vảy nến, đặc trưng bởi mụn mủ trên nền da đỏ. Trong thời gian xuất hiện mụn mủ, bệnh nhân có thể sốt cao 40 độ. Khi xét nghiệm, bạch cầu tăng, giảm albumin máu, men gan tăng, có thể bị suy thận do hoại tử ống cấp. Tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị tích cực.

Corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch với bệnh nhân bị vảy nến nhưng là chỉ định ban đầu.

Tuy nhiên corticoid đường toàn thân (tiêm hoặc uống…) là chống chỉ định trong điều trị vảy nến vì gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, đồng thời cũng làm bệnh bùng phát nặng hơn sau khi ngưng sử dụng.

Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tìm mọi cách chữa trị, sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tiêm... không rõ nguồn gốc sẽ khiến bệnh bùng phát nặng lên, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/nguoi-dan-ong-bi-dong-vay-moc-mu-toan-than-599327.html