Người đàn ông bỏ gần 7 tỷ mua nhà, 7 năm sau phát hiện bí mật khó tin dưới tầng hầm
Người đàn ông đã vô cùng bất ngờ trước phát hiện của mình sau nhiều năm sống ở căn nhà.
Bảy năm trước, ông Dương đã bỏ ra 1,98 triệu NDT (hơn 6,8 tỷ đồng) để mua một ngôi nhà mà ông tin là sự lựa chọn sáng suốt. Với các thủ tục mua bán hợp lệ và vị trí thuận lợi, ông rất hài lòng với căn nhà mới.
Tuy nhiên, vào năm thứ bảy sau khi chuyển vào ở, khi kiểm tra hệ thống nước, ông Dương phát hiện những âm thanh lạ phát ra từ khu vực tầng hầm. Khi xuống kiểm tra, ông sửng sốt khi phát hiện không gian này đã được trang bị đầy đủ tiện nghi như một nơi ở độc lập. Ngạc nhiên hơn, ông Lý, chủ cũ của ngôi nhà, đang ung dung sinh hoạt tại đây.
Khi bị hỏi lý do, ông Lý thẳng thắn trả lời: “Tôi chỉ bán nhà, không bán tầng hầm. Tầng hầm không nằm trong hợp đồng, ông không có quyền yêu cầu tôi rời đi".
Khi mua nhà, ông Dương không chú ý đến quyền sở hữu tầng hầm do hợp đồng chỉ ghi rõ diện tích và cấu trúc chính của ngôi nhà. Vì vậy, ông không phát hiện ra rằng tầng hầm không nằm trong thỏa thuận.
Ông Dương cho rằng tầng hầm, vốn gắn liền với ngôi nhà, phải thuộc quyền sở hữu của mình. Trong khi đó, ông Lý khẳng định rằng tầng hầm có lối vào riêng và không thuộc phạm vi giao dịch.
Không đạt được thỏa thuận, ông Dương đã đưa sự việc ra tòa, yêu cầu xác nhận quyền sở hữu tầng hầm và buộc ông Lý rời khỏi đây.
Trong quá trình xét xử, luật sư của ông Dương lập luận rằng tầng hầm là một phần không thể tách rời của ngôi nhà. Ngược lại, luật sư của ông Lý nhấn mạnh rằng với lối vào riêng biệt, tầng hầm không phải là tài sản đi kèm trong hợp đồng.
Vụ việc khiến tòa án phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, bao gồm cấu trúc thực tế, cách sử dụng tầng hầm và điều khoản trong hợp đồng. Theo luật pháp Trung Quốc, nếu tầng hầm không có lối vào riêng, nó thường được coi là một phần của ngôi nhà. Tuy nhiên, tình huống phức tạp này đã tạo nên nhiều tranh cãi.
Dù vụ kiện chưa có phán quyết cuối cùng, nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thận trọng trong quá trình mua bán bất động sản. Việc xem xét kỹ lưỡng các điều khoản hợp đồng là điều cần thiết để tránh những tranh chấp không đáng có như trường hợp của ông Dương.