Người đàn ông đi cấp cứu vì vết loét da gần vùng nhạy cảm
Người đàn ông 52 tuổi nhập viện vì sốt dài ngày không rõ nguyên nhân, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt, đau ngực, chẩn đoán mắc loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.
Ngay lập tức, bác sĩ khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) xử trí duy trì liều thuốc vận mạch nâng cao huyết áp cho bệnh nhân, bổ sung xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm tim, điện tim…
Bệnh nhân đã sốt kéo dài 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run, đau đầu, mệt, chán ăn. Đặc biệt, anh có vết loét vảy đen 2x2cm ở vùng liên mấu chuyển xương đùi (gần xương háng) bên phải, có rỉ ít dịch, ấn tức nhẹ. Đáng nói, bệnh nhân chưa đi thăm khám, điều trị ở đâu. Khi cảm thấy mệt nhiều, anh mới nhập viện.
Bệnh nhân nghi nhiễm Rickettsia gây bệnh sốt mò và được điều trị thuốc đặc hiệu, đồng thời cùng lúc làm xét nghiệm chẩn đoán khẳng định dương tính với vi khuẩn này. Sau một tuần được tích cực điều trị, tới ngày 3/7, sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt, hết sốt, tự thở tốt, huyết áp ổn định.
Đây là một trong nhiều ca bệnh sốt mò khoa Bệnh lây đường tiêu hóa gặp thời gian gần đây. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, xuất hiện các biến chứng khác nhau.
Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể gây tử vong, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện 108, cho hay biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm, kéo theo tổn thương đa tạng như viêm cơ tim, trụy tim mạch; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan... Không ít trường hợp sốc nhiễm khuẩn, suy thận, xuất huyết nội tạng...
Thầy thuốc khuyến cáo nếu sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người cần đi khám ngay. Bên cạnh đó, thấy da, kết mạc xung huyết cũng nên cẩn trọng.
Đặc biệt, nếu có vết loét ngoài da hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch, thường không đau, không ngứa khu trú ở nách, ngực, cổ… thì cần lưu tâm, có thể là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt mò.
Để phòng bệnh sốt mò hiệu quả, không để ấu trùng mò cắn đốt, người dân nên phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau một lần sử dụng. Nơi ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.