Người đàn ông hơn 30 năm giữ 'hồn của đá'

Ngày này qua tháng khác, ông Thành lặn lội khắp các ngóc ngách tại Lung Leng để tìm những phiến đá, mảnh đồng. Tưởng chừng những vật này vô tri, vô giác nhưng các chuyên gia nhận định đây là cổ vật của người tiền sử.

Ông Văn Đình Thành với số cổ vật thời tiền sử đã sưu tập được sau nhiều năm.

Ông Văn Đình Thành với số cổ vật thời tiền sử đã sưu tập được sau nhiều năm.

Đổi quần áo lấy… cổ vật

Ông Văn Đình Thành, 67 tuổi ở TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hơn 30 năm lặn lội khắp nơi sưu tầm đồ cổ. Đến nay, ông đã có gia tài đồ sộ gồm hơn 15.000 cổ vật của người tiền sử ở nhiều niên đại khác nhau.

Ngược miền ký ức, ông Thành cho hay, sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Phú Thọ (sau này là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) với tấm bằng kỹ sư cơ khí, ông tiếp tục học thêm 2 năm rồi ở lại trường giảng dạy. Trải qua 5 năm công tác, ông về Kon Tum sinh sống và tham gia vào hợp tác xã cơ khí.

Đến năm 1989, ông cùng một người bạn lên làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) làm mỏ khai thác vàng (thời điểm này việc khai thác vàng chưa bị cấm). Một hôm, trong lúc làm việc, người phụ việc đãi vàng vội vã chạy vào đưa cho ông xem một hòn đá có hình trụ được bo tròn xung quanh, ở giữa được đục lỗ tinh xảo.

Thấy hòn đá độc đáo, nghi ngờ đây không phải đá tự nhiên, mà được tác động từ bên ngoài vào nên ông Thành mang về nghiên cứu.

Những ngày sau đó, ông liên tục được người thợ phụ việc đưa cho nhiều hòn đá có hình dáng khác nhau. Không những vậy, người dân nơi đây đều lưu giữ những hòn đá với hình dáng cái búa ở trong nhà. Họ quan niệm đây là "búa trời" vì cho rằng mỗi khi sét đánh đều giáng xuống lòng đất một chiếc búa.

Lúc này việc tìm kiếm và lưu giữ những hòn đá bí ẩn lại thôi thúc ông một cách mãnh liệt.

"Thời đó, chỉ có những người phụ việc đãi vàng và người dân mới có thể tìm thấy những hòn đá kỳ lạ đó. Người dân trên này chỉ lấy thực phẩm và quần áo chứ không lấy tiền. Do đó, mỗi lần lên Lung Leng tôi mang theo quần áo, thực phẩm để đổi lấy đá.

Những hòn đá đó có hình thù của cày, cuốc, rìu, nhiều nét giống vật dụng lao động sản xuất của người xưa nên tôi mang về quan sát, tìm hiểu. Những hòn đá tuy vô tri, vô giác nhưng có một sức hút kỳ lạ đối với tôi", ông Thành chia sẻ.

Đến năm 1990, ông đã lưu giữ được hơn 2.000 hòn đá lớn, nhỏ với hình thù khác nhau. Ông bắt đầu đọc sách báo, để tìm hiểu về những hòn đá bí ẩn và biết được đây là đồ của người xưa chế tác. Tuy nhiên, do không có kiến thức về đồ đá, khảo cổ nên ông chỉ dừng lại ở việc sưu tập và không ngừng đặt những dấu hỏi về chúng.

Năm 1991, ông Thành dừng công việc đãi vàng về nhà buôn bán, phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, ông không ngừng việc tìm kiếm những hòn đá.

Sau đó 2 năm, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá cùng các cộng sự tại Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi hay tin ông Thành lưu giữ hàng nghìn đồ vật bằng đá nên xin phép ở lại nhà ông để nghiên cứu liên tục 7 ngày.

"Dưới căn nhà này, tôi và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử có một khoảng thời gian ngắn miệt mài phân tích nghiên cứu những hòn đá cổ vật. Trong đó, những viên đá tưởng chừng như không có giá trị lại được PGS.TS Nguyễn Khắc Sử xác định là những công cụ làm bằng đá gắn liền với cuộc sống, lao động sản xuất và sự phát triển của dân tộc Việt tiền sử sống tại Tây Nguyên.

Nhờ có PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, tôi mới biết về giá trị lịch sử của những hòn đá tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy. PGS.TS cũng giúp tôi phân loại theo các thời kỳ, hình dáng và chất liệu. Khi có một chút hiểu biết về cổ vật của người tiền sử càng thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tập thêm nhiều vật dụng khác", ông Thành tâm sự.

"Ai sẽ thay tôi canh giữ cổ vật"

Dưới căn nhà nhuốm màu thời gian của gia đình, trên các bức tường những cổ vật lớn nhỏ với hình dáng khác nhau được ông đánh ký tự cẩn thận và đóng khung để bảo quản. Những hiện vật quý giá, có niên đại nhiều nghìn năm về trước được ông xếp gọn gàng trong ngăn tủ. Số còn lại do không đủ chỗ cất giữ nên ông xếp gọn để trong thùng cát-tông.

Ông Thành khoe: "Đây là cuốn sổ viết lại ngày, tháng, năm và địa điểm nhặt được những cổ vật tôi đang lưu giữ. Mỗi người đều có ngày tháng sinh ra và hình dáng khác nhau và cổ vật cũng thế. Tôi ghi chép lại toàn bộ để có thể từng hiện vật, sau này còn kể cho con cháu và những người đam mê khoa học khảo cổ".

Ông Thành dự định xây dựng một bảo tàng tư nhân để lưu giữ, bảo vệ để những hiện vật. Ba người con của ông đang công tác và định cư ở nước ngoài nên ông chưa tìm được người kế thừa.

"Những cổ vật đối với bản thân tôi như là đứa con tinh thần. Đó là tất cả tâm huyết của tôi đặt vào. Không chỉ vậy, đó là bảo vật truyền thống, thiêng liêng của thế hệ đi trước để lại. Tuy nhiên tôi già rồi, sức khỏe cũng giảm sút. Sau này không biết ai sẽ thay tôi canh giữ những cổ vật này. Đó là điều tôi lo lắng nhất hiện nay bởi những cổ vật này là giá trị văn hóa của người Việt ta từ ngàn đời qua", ông Thành trầm ngâm.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết, từ năm 1991 đến nay, ông Văn Đình Thành đã sưu tầm và lưu giữ hơn 15.000 cổ vật. Đó chủ yếu là chất liệu đá, đồng liên quan đến thời kỳ tiền sử ở Bắc Tây Nguyên. Một phần các sưu tập này đã được công bố trên các ấn phẩm khoa học.

Các cổ vật trong bộ sưu tập của ông Thành chủ yếu có niên đại từ hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ thời đại Kim khí, từ 4.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay.

Giá trị nổi bật của sưu tập này là khối lượng tư liệu đồ sộ, loại hình hiện vật phong phú phản ánh các khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội thời tiền sử và sơ sử ở Kon Tum.

Những cư dân này đã từng cư trú, khai phá vùng đất dọc đôi bờ sông, nhất là chỗ hợp lưu của sông Đắk Bla và sông Krông Pôkô, trên đất các huyện Sa Thầy, Đức Cơ, TP Kon Tum.

"Chính những hiện vật này đã bổ sung tư liệu nghiên cứu thời tiền sử vùng đất này mà các nhà khảo cổ chưa có nhiều hiện vật là bằng chứng", PGS.TS Nguyễn Khắc Sử nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-ong-hon-30-nam-giu-hon-cua-da-20200708151401658.html