Người đàn ông hôn mê vì ngộ độc rượu sau 10 ngày 'nhậu' liên tiếp
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê sâu, hơi thở đậm mùi cồn, da sạm, đại tiểu tiện không tự chủ.
Khoảng 10 ngày nay, cũng là dịp Tết Nguyên đán đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè nhiều, ông L.Q.Đ., 61 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội uống rượu liên tục. Đáng chú ý, người đàn ông thường xuyên mua, uống rượu không rõ nguồn gốc (rượu không có nhãn mác) và rất ít ăn.
Tới sáng 9.2, gia đình phát hiện ông Đ. rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng nên đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.
Thời điểm nhập viện vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân ở trong tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê sâu, hơi thở đậm mùi cồn, da sạm, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt catheter lọc máu liên tục cấp cứu. Hình ảnh chụp sọ não thấy teo não tuổi già.
Ông Đ. được hội chẩn chuyên sâu với chẩn đoán ngộ độc methanol, tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Qua khai thác tiền sử, bản thân ông Đ. bị tăng huyết áp khoảng 10 năm, đái tháo đường khoảng 5-7 năm, nghiện rượu nặng và thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc.
![Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đặng Thanh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51459814/9bae4a827dcc9492cddd.jpg)
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đặng Thanh)
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 1 ngày điều trị tích cực, đến nay, bệnh nhân đã tạm ổn định nhưng vẫn tiếp tục phải thở máy và lọc máu, thăng bằng toan kiềm do rối loạn chuyển hóa từ rượu gây ra.
Theo các bác sĩ, nghiện rượu và lạm dụng rượu bia có thể gây ra rất nhiều hậu quả không thể lường trước. Một số tác hại của việc nghiện rượu phải kể đến như: mệt mỏi, suy nhược cơ thể; giảm trí nhớ ngắn hạn; yếu cơ mắt; viêm gan, xơ gan do rượu; viêm tụy cấp; tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim; có thể gây ra đột quỵ; bệnh tiểu đường; rối loạn kinh nguyệt; rối loạn cương dương; hội chứng rượu ở thai nhi: tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ có người mẹ nghiện rượu; bệnh loãng xương…
TS.BS Thân Mạnh Hùng khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe và tránh các rủi ro không đáng có, người dân nếu có uống rượu cần lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc. Không nên mua rượu trôi nổi trên thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Rượu không đảm bảo chất lượng có thể chứa các chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng.
"Ngoài ra, tùy vào cơ địa của từng người có thể uống rượu đúng liều lượng, phù hợp với thể trạng của bản thân để giúp người uống làm dịu căng thẳng, tốt cho tim mạch, cải thiện trí não, cân bằng đường huyết. Nhưng đối với người uống quá nhiều rượu, uống liên tục trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng hoặc những tổn thương về thần kinh, kèm theo rối loạn chuyển hóa rất nặng. Bởi rượu khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan, quá trình này có thể sinh ra một số hoạt chất trung gian gây ngộ độc cho cơ thể”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.