Người đàn ông mắc bệnh gút tăng 20kg thừa nhận một sai lầm mà rất nhiều người Việt mắc phải

Người đàn ông mắc bệnh gút thừa nhận: 'Tôi uống rất nhiều loại thuốc chữa gút, từ thuốc nam gia truyền đến thuốc xách tay…'. Chỉ trong 1 năm, cân nặng của anh từ 90 kg tăng lên 110 kg.

Tăng cân không kiểm soát do tự uống thuốc chữa bệnh gút

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, 2 năm trước, anh N.V.D. (32 tuổi, Khánh Hòa) phát hiện mình bị bệnh gút(gout) từ những cơn đau nhức ở khớp cổ chân và đầu gối. Dù đi khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tuy nhiên do nóng lòng muốn khỏi bệnh nhanh, anh đã uống thêm các loại thuốc "tự kê đơn". Bất kể bạn bè hay người quen giới thiệu loại thuốc nào anh cũng mua về dùng thử.

"Tôi uống rất nhiều loại thuốc chữa gút, từ thuốc nam gia truyền đến thuốc xách tay từ nước ngoài…", anh D. nói.

Lúc đầu khi mới uống, các cơn đau nhức của anh giảm hẳn nên anh tiếp tục uống trong một thời gian khá dài. Sau đó, tình trạng gút của anh ngày càng nặng, đi lại khó khăn. Cơ thể anh bắt đầu có những thay đổi như: Cân nặng tăng không ngừng, chủ yếu mập phần thân, mặt tròn, da mặt ửng đỏ, cơ chân tay teo gầy, đi bộ nhanh mệt… Thậm chí có nhiều lúc anh chỉ lê được từng bước do các khớp sưng to, đau nhức. Chỉ trong 1 năm, cân nặng của anh từ 90 kg tăng lên 110 kg.

Anh D. đang được kiểm tra các chỉ số sức khỏe tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Anh D. đang được kiểm tra các chỉ số sức khỏe tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Tăng cân quá nhanh và không thể giảm cân dù đã tập thể dục, ăn ít đi, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám thì được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing do thuốc, trên nền thừa cân, béo phì..

TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giảm cân của bệnh viện cho biết, hội chứng Cushing ngoại sinh do sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài, dùng trong điều trị các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Một số trường hợp do người bệnh lạm dụng các thuốc giảm đau chứa glucocorticoid như Medrol, Prednisone, Dexamethasone kéo dài trong các bệnh lý xương khớp, các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc… cũng gây hội chứng Cushing. Anh D. được chỉ định dừng ngay các loại thuốc giảm đau, đồng thời giảm cân để giảm các triệu chứng bệnh.

Người bệnh gút giảm 18 kg sau 6 tháng, các chỉ số về mức bình thường

Kết quả đo sức khỏe tại Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận anh D. nặng 110 kg, cao 1m64, chỉ số BMI 40.9 (kg/m2), béo phì độ 2, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, men gan cao kèm gút.

Trước tình trạng bệnh của anh D., bác sĩ Hoàng đã xây dựng phác đồ giảm cân bằng thuốc kết hợp dinh dưỡng và vận động phù hợp kèm điều trị gút. Tháng đầu tiên các khớp gối của anh vẫn sưng đau, anh đã hơi nản chí, định bỏ cuộc, nhưng thấy cân nặng giảm được 3 kg, được ba mẹ, bạn bè động viên, anh cố gắng tiếp tục tái khám.

Mỗi tháng, liệu trình điều trị của anh đều được bác sĩ Hoàng điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng bệnh gút và cân nặng, tháng thứ 2 anh giảm tiếp được 4 kg, bớt sưng các khớp, các cơn đau giảm nhiều, anh có thêm động lực để mỗi tháng kiên trì đi từ Khánh Hòa vào TP.HCM tái khám. Sau 6 tháng, anh giảm được 18 kg.

"Không chỉ giảm cân, chỉ số men gan, mỡ máu của tôi đã về mức bình thường. Bệnh gút của tôi giảm hẳn, tôi đã có thể đi lại như một người bình thường, mừng không kể xiết", anh D. chia sẻ.

Không những thế, anh còn làm công nghệ đông hủy mỡ vùng bụng trên, bụng dưới, hai bên hông để có vóc dáng thon gọn, dễ mặc quần áo theo sở thích.

Hiện, anh D. vẫn tiếp tục duy trì liệu trình giảm cân để đưa các chỉ số cơ thể về mức an toàn. Anh hy vọng sẽ tiếp tục giảm được xuống 80 kg, là mức cân nặng khi anh còn là sinh viên.

Người mắc bệnh gút cần làm gì để cơn đau không tái phát

Bác sĩ Hoàng cho biết, bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bình thường chỉ số axit uric trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 – 420 umol/L và 150 – 350 umol/L với nữ giới. Khi thận không thải được acid uric hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra axit này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút.

Khi nồng độ axit uric trong máu cao, nó có thể gây ra tình trạng kháng insulin – tình trạng mà cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Kháng insulin là một yếu tố chính trong hội chứng chuyển hóa, một tình trạng liên quan đến béo phì, tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn.

Việc người bệnh không điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tự uống thuốc không rõ nguồn gốc khiến cho bệnh trở nặng. Nếu để lâu hơn, khớp xương có thể bị phá hủy. Ngoài ra, thuốc người bệnh uống có thành phần corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Sử dụng thuốc trong thời gian dài, người bệnh sẽ gặp tác dụng phụ bất lợi như tăng cân, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, suy tuyến vỏ thượng thận…, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-mac-benh-gut-tang-20kg-thua-nhan-mot-sai-lam-ma-rat-nhieu-nguoi-viet-mac-phai-172250428065950016.htm