Người đàn ông mất hai bàn tay mở Viện Chữa lành Ký ức
'Cứu chuộc quá khứ' là cuốn hồi ký của Cha Michael Lapsley - người sáng lập Viện Chữa lành Ký ức. Tác phẩm đề cao tình yêu hòa bình và sự vị tha trong bối cảnh chế độ Apartheid.

Cuốn sách Cứu chuộc quá khứ. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Sinh ra tại New Zealand, Cha Michael Lapsley đến Nam Phi vào năm 1973, thời điểm mà chế độ Apartheid đang diễn ra khốc liệt. Là một linh mục trẻ được cử đến thành phố Durban, ông nhanh chóng nhận ra rằng mình đã đặt chân vào một thực tại khốn khó của người dân nơi đây.
Từ các bảng hiệu "Chỉ dành cho người da trắng" tại bưu điện, cho đến những bãi biển bị phân chia chủng tộc, những luật lệ khắc nghiệt buộc người da đen phải trình sổ thông hành mỗi khi di chuyển, mọi ngóc ngách của đời sống đều bị nhuộm màu bất công. Với Cha Michael, đó không chỉ là một cú sốc văn hóa, mà là một cú sốc đạo đức sâu sắc. Ông đã chứng kiến tận mắt một hệ thống bóc lột kinh tế, áp bức chính trị và chối bỏ phẩm giá con người.
Năm 1990, ông nhận một quả bom thư nặc danh, khiến ông mất cả hai tay và một bên mắt. Nhưng thay vì chìm trong tuyệt vọng hay hận thù, ông đã lựa chọn một con đường khó hơn: con đường tha thứ và chữa lành. Chính tại nơi tận cùng của đau đớn thể xác, ông lại tìm ra nguồn năng lượng mới, biến thương tích thành sức mạnh tinh thần. Ông trở về Nam Phi không phải để trả thù, mà để hàn gắn. Để rồi, Viện Chữa lành Ký ức (Institute for the Healing of Memories) ra đời từ tâm huyết ấy.

Cha Michael Lapsley. Ảnh: RNA.
Cuốn hồi ký của Cha Michael không chỉ là bản tường thuật của một đời người mà còn là lời kêu gọi của lương tri nhân loại. Qua từng trang sách, độc giả được dẫn dắt xuyên suốt từ bóng tối của chế độ phân biệt chủng tộc đến ánh sáng của sự giải phóng và hòa giải.
Không chỉ mô tả lại các biến cố cá nhân, ông còn làm sống lại toàn bộ quá trình đấu tranh và tái sinh của một đất nước. Ông không chỉ là chứng nhân mà còn là người góp phần vào tiến trình đó bằng chính sự hy sinh và lòng kiên định của mình.
Điều làm nên chiều sâu cảm xúc của tác phẩm chính là triết lý sống mà Cha Michael không ngừng truyền tải: con người cần đối diện với quá khứ để được tự do. Trong các hoạt động của Viện Chữa lành Ký ức, ông luôn nhấn mạnh rằng những ai từng trải qua chiến tranh, bạo lực hay các hình thức bất công đều có thể tìm lại sự an yên nhưng chỉ khi họ dám bước qua nỗi đau, dám chia sẻ và đối thoại. Với ông, tha thứ không có nghĩa là lãng quên, mà là hành trình đòi hỏi sự can đảm lớn lao để chấp nhận sự thật và vượt lên trên nó.
Cha Michael Lapsley không nhận mình là anh hùng. Ông nói mình là “một người đang sống trọn vẹn, tận hưởng cuộc sống và cố gắng đóng góp cho một thế giới tử tế hơn, dịu dàng hơn và công bằng hơn.” Nhưng chính cuộc đời ông lại là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của đức tin, của lòng trắc ẩn và của khả năng con người có thể cứu chuộc những chương đen tối nhất trong lịch sử bằng tình thương thay vì thù hận.
Qua tác phẩm, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật gửi tới lời nhắc nhở đầy cảm hứng về giá trị của công lý, lòng vị tha và khả năng vượt qua nghịch cảnh để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Cứu chuộc quá khứ không chỉ là câu chuyện về một cá nhân mà còn là lời khẳng định rằng, mỗi người chúng ta đều có thể trở thành tác nhân của lịch sử nếu mỗi người dám tin, dám hành động và dám chữa lành.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dan-ong-mat-hai-ban-tay-mo-vien-chua-lanh-ky-uc-post1551214.html