Người đàn ông mất mạng sau một năm bị chó lạ cắn
Hơn một năm sau khi bị chó cắn lần 2, người đàn ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ ánh sáng.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: Freepik.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông tin về trường hợp không qua khỏi nghi liên quan đến bệnh dại đầu tiên tại địa phương này trong năm nay.
Nạn nhân là ông H.C.V.E. (48 tuổi), cư trú tại tổ 1, khu phố Cát Hải, phường Tân Hải, thành phố Phú Mỹ. Qua tìm hiểu, ông E. từng bị chó cắn hai lần nhưng không tiêm vaccine dại sau phơi nhiễm.
Cụ thể, lần thứ nhất xảy ra khoảng tháng 8/2020. Ông E. bị chó hàng xóm cắn vào bắp chân phải, gây trầy xước và chảy máu. Con chó này vẫn sống đến nay, không có dấu hiệu bất thường.
Lần thứ hai là khoảng tháng 2/2024, ông tiếp tục bị một con chó khác cắn vào cẳng chân, gây xây xát nhẹ. Con chó sau đó không có biểu hiện lạ nhưng bị bắt trộm khoảng 7 tháng sau.
Người thân cho biết khoảng 15h ngày 20/4, ông V.E. bắt đầu cảm thấy mệt và nuốt khó. Đến khoảng 20h cùng ngày, ông được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, không nuốt được, huyết áp tăng cao (250/130 mmHg), mạch nhanh (120 lần/phút), nhịp thở nhanh (24 lần/phút) và thân nhiệt 37 độ C.
Khoảng 23h, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội để tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà còn xuất hiện các dấu hiệu điển hình của bệnh dại như sợ gió, sợ nước và rối loạn thần kinh.
Dù được khuyến cáo chuyển lên tuyến trên, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà vào 15h ngày hôm sau. Chẩn đoán lúc xuất viện là cơn tăng huyết áp khẩn cấp, theo dõi tai biến mạch máu não, kèm hen phế quản và theo dõi bệnh dại. Ông qua đời vào tối cùng ngày.
Mẫu nước bọt của bệnh nhân đã được gửi Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm PCR nhằm xác định tác nhân gây bệnh. Qua khảo sát tại khu vực bệnh nhân sinh sống, cơ quan chức năng ghi nhận có nhiều hộ nuôi chó, mèo thả rông.
Dù địa phương đã tích cực vận động, việc tiêm ngừa chó mèo thả rông tại khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Địa phương không ghi nhận tình trạng chó, mèo chết bất thường gần đây.
Ngành y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó bao gồm thông báo ca nghi lây truyền từ động vật sang người cho Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi để phối hợp giám sát; điều tra dịch tễ, theo dõi những người tiếp xúc gần; tư vấn người dân về nguy cơ và cách phòng tránh; khuyến cáo người từng bị chó cắn cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng vaccine dại; đồng thời hướng dẫn gia đình thực hiện sát trùng, tẩy uế nơi người bệnh từng lưu trú theo đúng quy định đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Ngành y tế khuyến cáo khi bị chó, mèo hoặc các loài động vật khác cắn, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.