Người đàn ông nghèo trở thành giám đốc, cạo đầu cùng vợ chữa ung thư

Vượt khó, người đàn ông nghèo cùng vợ gây dựng được một công ty điện tử. Đến khi hưởng thụ thành quả, vợ của anh lại phát hiện mắc bệnh ung thư.

Đồng cảnh ngộ nuôi các em ăn học

Trong tập 173 của chương trình Gõ cửa thăm nhà, MC Quốc Thuận và Ngọc Lan đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Sang ở TP.HCM.

Anh Sang là giám đốc của một công ty sản xuất các mặt hàng điện tử. Bên cạnh việc điều hành công ty, anh còn tích cực đóng góp, thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện.

Anh Nguyễn Thanh Sang vượt khó làm giàu, tích cực làm việc thiện.

Anh Nguyễn Thanh Sang vượt khó làm giàu, tích cực làm việc thiện.

Gần 25 năm trước, anh Sang đón xe khách lên TP.HCM trọ học. Hành lý anh mang theo chỉ có 2 bộ quần áo. Để trụ lại đất khách, anh nhận dạy kèm 6 ngày trong tuần, chỉ nghỉ Chủ nhật.

Với số tiền làm thêm ít ỏi, anh Sang xoay xở đóng học phí, tiền ăn, tiền trọ… Anh khổ đến mức không có xe đạp để đi học, đi làm. Mỗi lần đi đâu, anh đều mượn xe của bạn.

Anh Sang kể: “Một lần, tôi mượn xe đạp của bạn đi đá bóng. Lúc đá xong, tôi ra về thì phát hiện chiếc xe bị trộm mất. Tôi phải nhịn ăn nhịn uống, lấy tiền dạy kèm trong một tháng để mua xe đền cho bạn”.

Tốt nghiệp đại học, anh Sang tiếp tục bám trụ ở TP.HCM. Anh làm đủ nghề để phụ bố mẹ nuôi cùng lúc 3-4 người em ăn học.

Thời điểm đó, anh quen và yêu nữ đồng nghiệp là chị Hoàng Thị Đàn. Cả hai đồng cảnh ngộ là người ngoại tỉnh đến Sài thành lập nghiệp, nuôi các em ăn học.

Năm 2005, anh Sang và chị Đàn làm đám cưới, về sống với nhau sau 5 năm hẹn hò. Lúc đó, hoàn cảnh của vợ chồng trẻ vẫn rất khó khăn. Cả hai phải sống trọ trong căn phòng chỉ đủ lót một tấm nệm và kê thêm một chiếc tủ sắt.

Gia đình nhỏ của anh Nguyễn Thanh Sang.

Gia đình nhỏ của anh Nguyễn Thanh Sang.

Khi con gái đầu lòng được 2 tuổi, anh Sang và con phát bệnh cùng lúc, một mình chị Đàn đối mặt gian khổ.

“Anh Sang bị tràn dịch màng phổi, nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó, tôi rất lo sợ. Những lúc anh mệt không ăn uống, tôi cảm thấy bất lực, chỉ biết ngồi khóc ở góc cầu thang”, chị Đàn chia sẻ.

Đại nạn cuối cùng cũng qua, vợ chồng anh Sang cùng nhau làm việc và có khởi sắc hơn. Đến nay, cả hai đang điều hành một công ty sản xuất các mặt hàng điện tử. Anh Sang làm giám đốc, còn chị Đàn hỗ trợ chồng quản lý.

Cạo đầu để vợ đỡ tủi thân

Dù nhiều lúc trong túi không có tiền nhưng tấm lòng của anh Sang luôn hướng về những mảnh đời khốn khó hơn. Từ năm 19 tuổi, anh đi theo hỗ trợ, bưng bê, phát quà cho các hội nhóm thiện nguyện.

Lúc ra trường và đi làm, bất kể khi nào có một ít tiền trong túi, anh Sang đều nghĩ về những hoàn cảnh khó khăn từng gặp.

Anh Sang đau khổ khi nhắc đến người vợ đang mắc bệnh ung thư.

Anh Sang đau khổ khi nhắc đến người vợ đang mắc bệnh ung thư.

Ngày đó, ngoài số tiền ít ỏi của mình, anh Sang xin thêm gạo, nước tương, mì tôm… chuyển đến trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn sống ở chùa, các mái ấm.

Anh Sang bộc bạch: “Tôi không có nhiều tiền để hỗ trợ về mặt vật chất, chủ yếu mang tặng họ giá trị tinh thần. Đó là sự quan tâm, yêu thương từ đáy lòng của người đồng cảnh khổ”.

Sau khi kết hôn, anh Sang có thêm một người bạn đồng hành trong các hoạt động thiện nguyện. Chị Đàn luôn hiểu và ủng hộ những việc làm tử tế của chồng từ những ngày còn khốn khó.

Cuộc sống khấm khá hơn, cả hai có nhiều thời gian tham gia các chuyến thiện nguyện xây trường cho trẻ em vùng sâu vùng xa, trao tặng nhà tình thương…

Thế nhưng, 1 năm qua, anh Sang ít đi thiện nguyện xa nhà, chủ yếu ủng hộ tiền, quà cho hội thiện nguyện thân tín.

“Vợ tôi bị bệnh. Cô ấy mắc ung thư giai đoạn 3”, anh Sang mím chặt môi, im lặng. Người đàn ông rắn rỏi, dùng tay chặn dòng nước mắt đang rơi.

Và rồi, anh bất lực, ngây người, mặc kệ nước mắt chảy dài trên má.

Anh nói tiếp: “Tôi cạo đầu cũng được gần 1 năm. Tôi cạo từ hồi vợ tôi vô thuốc điều trị ung thư. Cạo như vậy cho cô ấy đỡ tủi thân”.

Có lúc, anh mặc kệ nước mắt chảy dài, miệng cười mà lòng sầu não.

Có lúc, anh mặc kệ nước mắt chảy dài, miệng cười mà lòng sầu não.

Anh Sang chia sẻ, anh nhận lời tham gia chương trình Gõ cửa thăm nhà cũng là để lưu lại hình ảnh lúc vợ chồng còn ở bên nhau.

“Nếu mai này có người mất đi thì các con vẫn có cái để mà xem”, anh Sang nghẹn giọng.

Bên nhau ngần ấy năm, anh Sang chưa bao giờ gửi đến vợ một lời cảm ơn. Đó cũng là điều khiến anh cảm thấy hối hận.

Cuối chương trình, anh Sang nhìn vợ, miệng cười nhưng nước mắt vẫn rơi. Anh ngại ngùng nói: “Cảm ơn em đã đồng hành và ủng hộ anh trong mọi việc”.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/go-cua-tham-nha-nguoi-dan-ong-ngheo-tro-thanh-giam-doc-2168783.html