Người đàn ông tốn hơn 100 triệu đồng viện phí vì bị uốn ván
Người đàn ông ở TP.HCM vẫn hôn mê do mắc uốn ván. Đến nay, chi phí điều trị đã lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi đó, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân là ông N.T.H. (43 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM), bị hôn mê do uốn ván và nhiễm trùng vết thương.
Trước đó, ông H. bị cưa vào chân khi đang sửa mái phòng trọ. Vết thương rộng khoảng 3 ngón tay, phải khâu nhiều mũi tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không tiêm phòng uốn ván.
Khoảng một tuần sau, ông H. có triệu chứng cứng hàm, chảy nước dãi, không nuốt và nói chuyện được.
Ngày 17/6, người đàn ông được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Tại đây, ông H. được chẩn đoán uốn ván và nhiễm trùng vết thương.
Hiện tại, ông H. vẫn hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy, được điều trị với thuốc kháng sinh, an thần, giãn cơ. Đáng chú ý, thuốc đặc trị cho trường hợp này rất tốn kém. Chi phí điều trị của bệnh nhân lên đến hơn 100 triệu đồng và có thể tiếp tục tăng do thời gian nằm viện kéo dài.
Các bác sĩ nhận định khả năng cứu sống người bệnh lên đến trên 90%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.
Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện tản phát ở khắp các tỉnh trong cả nước. Ổ chứa trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... kể cả người.
Tại đây, vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh. Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.