Người đàn ông trên núi

Tôi đang nhớ Thụy. Thụy của tôi là một người đàn ông không thích khoa trương, không bảnh bao, phong độ nhưng rất đỗi phong trần. Chiếc áo thun rộng thùng thình, chiếc quần jean bạc phếch và đôi dép tổ ong đã theo anh suốt những chặng đường dài từ Bắc vào Nam. Hàng ria mép ít khi cắt tỉa lại khiến tôi ấn tượng nhất.

Đêm. Và mưa. Và tôi nằm đấy chong mắt nhìn lên trần nhà. Tiếng thạch sùng cứ “chách chách” gọi nhau. Thanh âm còn sót lại của đêm hòa vào hơi lạnh của cơn mưa kéo dài lê thê khiến lòng tôi lo nghĩ vẩn vơ. Chuyến công tác cuối tuần lên miền cao có lẽ bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Một cảm giác cô đơn đến lạ.

Rồi thì giờ tôi lại rất nhớ anh. Nhớ Yên Bái. Nhớ Mù Cang Chải. Nhớ Hà Nội. Nhớ những ngày tháng đẹp từ giây phút quen nhau qua mạng yahoo, những mùa đông lạnh lẽo dai dẳng của xứ Huế với bao nhiêu hứa hẹn về một cuộc tao ngộ thật gần.

Tôi đang nhớ Thụy.

Thụy của tôi là một người đàn ông không thích khoa trương, không bảnh bao, phong độ nhưng rất đỗi phong trần. Chiếc áo thun rộng thùng thình, chiếc quần jean bạc phếch và đôi dép tổ ong đã theo anh suốt những chặng đường dài từ Bắc vào Nam. Hàng ria mép ít khi cắt tỉa lại khiến tôi ấn tượng nhất.

*

Thụy không nói tiếng yêu tôi, cũng chẳng bỏ rơi tôi. Anh cứ quan tâm tôi theo cái cách thực sự cần thiết với một ảnh hình của người tình chưa bao giờ dám ngỏ lời. Còn tôi, tôi rất thực tế. Tôi vẫn cao ngạo và phớt lờ trước những lời tỏ tình của những đứa bạn học thời phổ thông. Chúng non trẻ hơn so với những gì tôi biết.

Với Thụy, tôi tán gẫu chỉ để giết thời gian mỗi khi đêm về phải đối diện với căn phòng lạnh lẽo. Thế thôi. Thụy lại khác, sau một ngày leo núi đến bở hơi tai, điều khiển đội công nhân lắp đặt hệ thống đường dây viễn thông dài ngoằng treo trên lưng chừng núi, anh trở về trạm, cuộn mình trong chiếc chăn dày cộm, nằm khoanh tròn trên chiếc giường nhỏ để được nhìn thấy tôi qua camera của trang chat. Giữa một thung lũng đầy mưa phùn và sương mù giăng phủ, chỉ cần thấy tôi vài phút thôi, anh sẽ dễ dàng chìm được vào giấc ngủ.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Tôi không đẹp. Tôi đã tự ngắm mình thật kĩ trong gương. Dáng dấp và da dẻ không mấy nổi bật. Có lẽ, tôi có duyên ăn nói!? Cách nói chuyện giống cái móc câu nhứ nhá đầy mưu mẹo, vòng vo của tôi đã cuốn hút Thụy. Riết rồi quen, chúng tôi cứ hẹn nhau chuyện trò từ đêm này qua đêm khác.

Huế vào mùa mưa thật ảo não, thê lương và lạnh giá. Nhưng từ khi quen Thụy, chưa bao giờ tôi phải khóc vì nỗi buồn từng đêm nơi phố vắng. Anh luôn tạo cho tôi một cảm giác được quan tâm, được an ủi. Bao điều thú vị của những huyện miền núi như: An Lão, Vân Canh… hiện lên qua từng dòng chat của anh. Đó là những nơi chỉ cách nhà tôi chưa đầy 100km đường bộ mà với tôi thì quá ư xa lạ.

Thụy khoe với tôi, anh vừa ngâm mình dưới một con thác dữ để câu được một xâu cá niên, tự tay hái những bó “mực núi” về cải thiện bữa nhậu thiêng cho anh em cuối tuần. Anh quay cận cảnh những thức ấy để tôi tin. Những con cá niên béo ngậy, vây lấp lánh ánh bạc, những ngọn rau dớn xoăn tít như tua mực xanh mơn mởn… Tôi như bị thôi miên, tưởng như mình đang theo chân Thụy đến một vùng đất hoang sơ, bạt ngàn cây lá.

Cứ thế tôi vẽ cảnh ra theo trí tưởng tượng của mình. Những con suối trong veo, dịu dàng uốn lượn dưới chân những vách đá dựng đứng, cao vót. Những thác nước tung bọt trắng xóa, đàn cá niên khỏe khoắn bơi ngược dòng nước dữ. Dốc đèo quanh co, ngoằn ngoèo vi vút gió. Những làn mưa rải nhẹ giữa khói sương huyền bí.

Anh cứ ngồi khoe những đặc sản miền núi mà tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ. Anh khiến tôi thèm thuồng và muốn dựng bật người để được đến đó ngay tức khắc. Thụy khôn lắm, anh đọc được sự háo hức ấy trong tôi và lại gửi cho tôi đọc những tiểu phẩm hài, cười ra nước mắt. Lúc tôi cười, tôi thấy đôi mắt anh sáng rực lên, như thể chinh phục ngay được tôi lúc đó. Có mẩu chuyện lại khiến tôi hồi hộp, hãi sợ.

Anh kể, lúc chiều xuống núi, đang đói mềm cả bụng thì thấy một người mặc bộ quần áo đen, xõa tóc dài phủ lưng thật rùng rợn. Chưa bao giờ anh biết sợ ma quỷ, sợ những ông tai to mặt lớn hay làm eo làm phách cản trở công việc của anh. Vậy mà lần này, anh chết điếng. Anh vừa đi vừa lạy ngắn lạy dài. Nếu khuôn mặt kia quay lại, nhô hai cái răng nhọn hoắt ra, thè lưỡi đỏ và cười khành khạch... thì ba hồn bảy vía anh cũng phải gác chân lên cổ mà chạy.

Thì ra đấy là một bà cụ người Ba Na đang ngồi buộc lại tóc để lùa đàn bò về chuồng!

Trời đất ạ. Giọng kể của anh, tỉnh như không. Những câu chuyện na ná vậy lúc nào cũng kết thúc một cách đột ngột. Cả cuộc đời anh cũng vậy, luôn có nhiều điều bất ngờ như thế.

*

Tưởng rằng chúng tôi chỉ dừng lại những câu tán gẫu với nhau cho vui miệng, quên buồn. Nhưng dần dà, tôi càng nể và quý Thụy hơn. Từ quan niệm sống đến cách nhìn đời, nhìn người của anh, cả những góc tối riêng tư khó nói nhất của đời mình, Thụy chẳng hề giấu giếm tôi điều gì. Trên thương trường làm ăn, anh là một thằng không ngán bất cứ ai. Tài năng và rất bản lĩnh.

Tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng với tấm bằng loại khá, Thụy không ở lại Hà Nội mà vào tận Bình Định để khởi nghiệp. Anh muốn mình thử sức ở những vùng đất xa xôi, lạ lẫm hơn là trói chân ở thị thành đông đúc, ngột ngạt. Đặt chân đến quê tôi, anh nhận làm việc cho công ty lắp đặt hệ thống viễn thông chuyên kí hợp đồng cho các huyện vùng cao như An Lão, Vĩnh Thạnh… Thụy dốc hết tâm sức và đặt nhiều kì vọng vào một sự đổi thay toàn diện của mảnh đất này.

Sếp anh là một người khó tính và chỉn chu. Vốn đầu tư đến đâu phải hoàn thiện đến đó. Thụy hăng hái lắm, làm đâu xong đấy. Việc cứ thuận lợi và phất lên như diều gặp gió. Nhưng rất áp lực. Nhiều khi, anh phải thức trắng đêm đỏ mắt để lo cho công việc ngày sau. Lo về chất lượng của dây cáp. Lo về kĩ thuật và sự an toàn của anh em trong lúc thi công. Lo cho đời sống sinh hoạt của anh em sau một ngày lao động cật lực. Nhưng Thụy không biết mệt là gì.

Thụy bảo với tôi: “Anh yêu Bình Định lắm!”. Mảnh đất hiền hòa và nhiều tiềm năng này khiến anh càng sống càng thấy gắn bó. Nếu không có gì cản trở, hoặc là tôi chấp nhận về quê “nuôi cơm” cho Thụy; có lẽ, anh đã không trở ra Yên Bái. Tôi thốt lên: “Thụy điên!”. Chúng tôi lại cười như nắc nẻ.

Nhưng, cũng có khi tôi nhìn thấy Thụy buồn rười rượi. Đôi mắt Thụy như nói hộ tất cả. Nó trĩu nặng những ưu tư, những ràng ríu giữa công việc và tình cảm. Thụy từng là kẻ thất bại trong tình yêu. Mối tình đầu của Thụy diễn ra rất nhanh và cuồng vội. Nó cũng hoang sơ, man dại như cái thuở đất trời chỉ có núi rừng và cây cỏ, chim muông. Thụy khát khao khám phá, càng khám phá càng bị bản năng lất át lí trí.

Anh giật mình tá hỏa vì giây phút bất cẩn khiến người yêu có thai. Nhưng tình yêu không đủ lớn nên người ta chẳng chịu hi sinh nhiều cho Thụy. Thụy còn đi học, cứ vắng nhà biền biệt, người ta có chịu về ở với mẹ Thụy đâu. Thụy cương quyết không cho người yêu phá cái thai ấy. Khổ mấy Thụy cũng chịu. Anh vừa học vừa kiếm thêm việc làm, nai lưng lo chu tất đến lúc mẹ tròn con vuông. Một đêm nọ, dường như đã chuẩn bị sẵn ý đồ từ lâu, người ta bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn trong nôi và đi biền biệt.

Đôi khi, Thụy không giấu được tiếng thở dài tự trách mình. Đáng ra không nên có thêm vợ. Vợ Thụy là gái Hà Thành, bạn từ thời sinh viên, cưới nhau vì cảm kích hơn là yêu. Nàng đẹp thì rất đẹp đấy nhưng công việc không ổn định, thích thì làm thích thì chơi. Ăn nói thì thôi rồi. Thụy bảo, lúc chưa cưới về, nàng hiền thục, nhu mì là thế, cưới về mới biết cũng là hạng nặng cân, không thay đổi được. Nhưng Thụy biết làm gì hơn?

Vợ Thụy thay tính đổi nết cũng phải thôi. Chân yếu tay mềm mà một thân phải nuôi cả con chung lẫn con riêng. Thằng con riêng của Thụy càng lớn lại càng sinh hư. Mẹ kế mắng nó cũng nhau nhảu cãi lại, cầm chổi đánh nó thì nó cũng giành lấy và xông vào. Thụy vừa thương vừa giận thằng con trai. Lười học và lười làm. Gan lì và bướng bỉnh.

Mẹ già, vợ trẻ, con thơ nhưng Thụy ở xa, chẳng mấy khi về nhà. Về nhà lại không thể chịu đựng được những cau có, những nhiếc móc, đâm thọc xa gần của vợ. Thụy chẳng biết phản ứng thế nào cho phải nhẽ, anh cứ giả câm giả điếc, bồng đứa con gái đi chơi hoặc ôm nó vào buồng. Hai bố con xem phim hoạt hình tới khuya.

Tôi phản đối sự dửng dưng của Thụy. Anh vẫn điềm nhiên giải thích, lâm vào cảnh ấy rồi mới biết. Lớn tiếng với vợ con là điều không bao giờ anh muốn. Làng xóm không thông cảm lại cho là nhà này đói ăn nên cắn nhau. Xong cuộc, Thụy mới gặp riêng con mà khuyên nhủ. Chưa kịp nói gì với vợ thì nàng ta đã leo tuột lên người anh, tìm kiếm ví tiền và... đòi hỏi hùng hục như trâu. Thụy chịu chết. Trời chưa kịp sáng đã muốn tìm đến rượu. Tôi vội phán: “Thụy điên!”.

Đấy là câu cửa miệng tôi thường dành cho anh. "Thụy điên!". Anh không hề giận mà chỉ cười trừ. Anh từng bào chữa theo cái kiểu lí sự cùn. Có khi điên thật lại sướng hơn người bình thường. Người điên nghĩ gì nói đấy, ăn bậy ngủ bạ chẳng ai chấp nê, ra đường nghênh mặt hát véo von chẳng sợ ai ngó ngàng. Hà hà. Xong, anh lại vểnh miệng lên, chống cằm nhìn vào camera và lại muốn xem thái độ phản ứng của tôi thế nào, cho đến khi trên màn hình xuất hiện hai chữ: "Thụy điên".

*

Tôi hiểu hơn cái giả định muốn làm kẻ điên của Thụy. Điên vì công việc đang thuận buồm xuôi gió thì gia đình lại thúc bách anh về. Điên vì làm ra bao nhiêu tiền cũng không đủ chu cấp nuôi bốn miệng ăn. Điên vì vợ, vì con, vì những thứ lằng nhằng không dứt bỏ được. Ấy vậy mà, lúc Thụy cần đến tôi nhất, thì tôi lại chưa muốn gặp anh. Tôi cứ nấn ná ở ngoài Huế, không chịu rút ngắn khoảng cách để tạo cho anh cơ hội gặp tôi. Mãi đến khi, cách nhau cả ngàn cây số, Thụy vẫn một mực chân thành quý trọng tôi như một sự cần thiết đáng có. Anh cứ khát khao, cứ mong mỏi: “Hè này, em ra thăm anh nhé!”.

Tôi vẫn thừa nhận ra, Thụy rất yêu tôi, một tình yêu đẹp trong suy tư thầm kín. Từ mạng ảo ra đời thực. Từ những giây phút thư giãn chớp nhoáng đến khi chạm cả vào thế giới riêng tư… Tình cảm ấy cũng ít nhiều thú vị, mộng mơ vì chúng tôi cứ mải mê chơi trốn tìm. Tôi ở Huế, Thụy vào Bình Định. Thụy ra Yên Bái, tôi mới trở về quê. Mặc dù vẫn hi vọng một lần tái ngộ tại miền Trung cát trắng, nắng vàng nhưng Thụy chẳng dám thề hẹn gì với tôi, để tôi tự quyết định. Khổ vì đàn bà nhiều nên Thụy chẳng bao giờ dám bông đùa với tôi một lời đường mật. Ngay cả khi đã ôm trọn tôi vào lòng khi tiễn tôi ra sân ga.

Nhưng Thụy có một thói quen khó bỏ. Những lúc tôi không online, anh lại khoe vừa lấy ảnh chân dung tôi ra ngắm nghía một hồi thật lâu. Thường khi thích hoặc yêu ai, người ta thường làm vậy cho đỡ nhớ. Còn tôi, vẫn một thói quen thường ngày khi trò chuyện. Muốn biết mình còn khỏe, luôn tươi cười được với anh, tôi chỉ mở camera ít phút để Thụy nhìn thấy trong chốc lát rồi tắt phụt. Tôi ban cho Thụy ân huệ ấy nhưng tuyệt đối không bao giờ mặn mòi hơn. Đó là cách phản vệ rất tự nhiên.

Lẽ đời vốn thật nhiều chuyện oái oăm, tình ngay lí gian khôn lường. Thỉnh thoảng, tôi vẫn được nghe vài mẩu chuyện từ chiêu trò nghịch ngợm của những thằng đàn ông cáo quỷ. Lúc họ yêu, họ đòi hỏi thật nhiều. Cũng những tấm ảnh nhạy cảm của người yêu, lúc họ cần, họ xem đó là một công cụ sắc lẹm để níu kéo, để hù họa. Khi đã chán nhau rồi, họ lại nhẫn tâm quăng những tấm hình nhạy cảm ấy lên mạng để trả đũa một cách đớn hèn, tàn độc.

Có lẽ, tôi đã lo quá xa, dù đã rất nhiều lần xốn xang, xao xuyến nhưng trái tim tôi vẫn dừng lại ở trạng thái an toàn. Giả như Thụy tỏ tình với tôi thì sao nhỉ? Làm sao tôi trở thành một kẻ thứ ba khi đời anh đã quá khổ vì đàn bà? Chúng tôi vẫn chuyện trò thân mật, vẫn quan tâm nhau như một lẽ đương nhiên của duyên tiền định. Tôi vẫn là cô gái vô tư đến mức cao ngạo. Thụy vẫn lặng lẽ âm thầm giữa mây núi bạt ngàn của Mù Cang Chải, từng ngày vẫn mong mỏi được gặp tôi.

*

Cuộc chơi trốn tìm của chúng tôi cũng đến hồi ngã ngũ sau sáu năm quen nhau qua mạng. Đằng nào tôi cũng lấy chồng, mà khi vướng vào gia đình rồi, làm sao tôi tự do bay nhảy được nữa. Ra thăm anh là một quyết định chín chắn và cần thiết. Thụy háo hức và mừng rơn khi tôi báo tin vui khá bất ngờ. Vẫn chiếc áo thun rộng thùng thình, chiếc quần jean bạc phếch và đôi dép tổ ong, hàng ria mép ít khi cắt tỉa, Thụy về Hà Nội đón tôi rồi chúng tôi nhanh chóng trở ngược lên Tây Bắc. Thời gian không ủng hộ để chúng tôi được ở gần nhau thật nhiều. Tôi chỉ thu xếp được bốn ngày. Cả đi, cả về. Nghĩa là chúng tôi chỉ có hai ngày dành cho nhau. Chỉ một khoảnh khắc đẹp mà cả đời tôi chẳng thể nào quên được.

Từ sáng sớm, chúng tôi đã lên đường. Chúng tôi cứ đàng hoàng, hiên ngang chở nhau leo núi trên chiếc xe máy cà tàng của anh. Cả hai đều vui thích với cái thú giang hồ, nghêu ngao ấy. Tôi nổi máu tham, muốn đi hết những nơi Thụy từng đặt chân đến trên núi rừng Tây Bắc. Tôi muốn tận hưởng cảm giác được thả mình vào không gian núi rừng, muốn lạc bước vào một thế giới cổ tích huyền ảo, những điều mà tôi chỉ được tìm hiểu qua sách vở, truyền thông.

Hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà lợp gỗ pơ mu thấp thoáng hiện ra trong sương giữa núi rừng trùng điệp. Một cuộc sống thật bình yên, thanh dịu và ngọt mát. Nắng ban mai len lỏi qua những rặng cây một thứ ánh vàng lấp lóa. Con đường quanh co, đèo dốc đã nhìn rõ hơn. Vài hố đất đã được đào sẵn để trồng trụ điện. Một vài cuộn dây cáp nằm gọn bên triền dốc. Công trình viễn thông của huyện Văn Chấn đang trong tiến độ thi công. Tôi hít hà, vừa hồi hộp lo sợ vừa có cảm giác mới lạ trước những vòng xe lượn lẹo, tài ba của Thụy.

Thụy bẻ tay lái. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi: “Mình đến đâu vậy anh?”. “Mường Lò!” Tôi không nhịn được, phá lên cười khanh khách vì những từ ngữ hơi ngồ ngộ ấy. Cánh đồng Mường Lò đang vào mùa lúa chín. Tôi choáng ngợp. Cả hai đều nhẹ gót bước đến đứng giữa những dải lúa cong cong trên thửa ruộng bậc thang thoai thoải, tựa như đang lọt thỏm giữa những đường vân tay rõ quắc của tạo hóa.

Tôi giơ cao hai cánh tay, ngửa mặt lên mà hít lấy hít để cái hương vị thơm ngát của những bông lúa chín. Một sắc màu rất bình yên, no đủ: óng ánh, mượt mà, vàng ươm như tơ lụa, đáng để tận hưởng, để nâng niu! Tôi sực tỉnh khi Thụy kéo tay về phía một gốc cây to sừng sững: “Chỗ này là nơi anh hay trộm nhìn những thiếu nữ tắm tiên!”. Vừa nói, anh vừa kéo tôi đi về phía con suối đang róc rách chảy. Tôi đấm vào lưng anh thùm thụp. “Ghét à”.

Thêm một đêm chon von trên núi Mù Cang Chải nhưng tôi không hề có cảm giác lẻ loi. Thụy khiêm tốn đem qua cho tôi chiếc chăn ấm, bảo tôi ngủ sớm, lấy sức mai về Hà Nội. Còn anh, anh sẽ ra nằm cùng với mấy người công nhân ngoài trại. Tôi hỏi Thụy: “Không lẽ anh cứ ở trên núi mãi sao?”. Câu hỏi của tôi dường như không hợp lắm. Lúc chúng tôi đi dạo chơi, tôi đã thốt bừa một câu: “Cảnh đẹp quá! Em chẳng muốn về nữa!”. Nhưng câu hỏi ấy lại khiến cả hai chúng tôi thức xuyên đêm.

Anh ngồi bó gối, giữa ánh điện sáng trưng và lại kể, cả những câu chuyện, những tâm tư anh từng thổ lộ cùng tôi. Từ Yên Bái về Hà Nội chưa đầy ba tiếng đồng hồ mà chẳng mấy khi anh muốn về nhà. Anh chỉ muốn làm việc thật nhiều. Công việc ngoài này dù không mấy thuận lợi như ở Bình Định. Địa hình rất hiểm trở. Có chỗ, chỉ cần sẩy chân một chút cũng đủ để mất mạng. Gặp bọn lâm tặc như sống chung với lũ. Sợ mà phải khôn khéo xã giao cho xong việc. Mùa đông tuyết phủ trắng trời, tay chân chẳng làm được gì cũng phải ngồi canh chờ cả ngày trong trạm.

Nhưng anh đang cần thêm vốn đầu tư, muốn dành trọn tâm huyết cho công việc mình đang làm. Sau này, anh sẽ lo cho con cái được ăn học đàng hoàng, rồi anh sẽ cố chắt chiu, dành dụm tiền mua một chiếc xe ôtô, tiện cho việc chạy đi chạy về. Như thế, với anh là quá đủ. Khóe mắt tôi cay xè vì sự cảm phục quá lớn. Vừa nể vừa thương. Nhưng tôi không thể bật khóc, tôi muốn chúng tôi được an yên giữa sự bình lặng của đêm.

Gà rừng bắt đầu te te gáy. Một ngày mới lại sang.

Những giây phút cuối cùng được ở bên nhau thật quý. Một buổi sáng trong veo tại Hà Nội, tôi vui vẻ nói cười khi dạo phố cùng cha con anh. Chẳng hiểu sao, ở bên cạnh Thụy, tôi cứ yên tâm đến thế, vô tư, hồn nhiên đến thế. Nhưng Thụy đã không tinh ý nghe được những rung động trong lòng tôi. Giá như và giá như… Tôi đừng cương quyết gỡ những ngón tay anh đang nắm chặt tay tôi, đừng cố chấp chối từ nụ hôn của anh.

Tôi cứ đứng sững người nhìn lưng áo anh đã ướt đẫm mồ hôi để chen lấn mua những chiếc bánh cốm xinh xắn làm quà cho mẹ tôi. Tôi đã trở thành kẻ vô tâm tự khi nào? Hà Nội và những con đường thơm nồng hoa sữa, những cây kem Tràng Tiền, món bún ốc đậm đà hương vị Bắc và tất cả tấm chân tình của anh không đủ sức để níu kéo tôi. Hai cánh tay Thụy buông thõng khi tôi vùng vằng.

"Thụy điên...".

*

Trời vắng gió và chỉ se se lạnh. Sương xuống nhiều hơn. Tiếng hát, tiếng cười trong buổi giao lưu nhẹ cũng dần chìm vào đêm An Lão. Bên bếp, ánh lửa đã tàn dần, tàn dần trong những tiếng tí tách của vài khúc củi gộc. Giữa sàn nhà, già làng vẫn nán lại ngồi tiếp chuyện mấy anh trong đoàn. Hai chị lớn tuổi đã say giấc. Còn tôi, tôi nằm cuộn mình trên chiếc võng mắc tạm. Trạng thái ngây ngây sau khi uống rượu cần. Tôi không quen uống rượu. Miệng vẫn còn ngòn ngọt, thơm thơm nhưng đầu óc cứ lâng lâng. Đôi chân đã lại thấm mỏi vì cả ngày đi nhiều quá.

Cả ngày nay, đoàn chúng tôi đi thăm và phát quà từ thiện cho trẻ em nghèo ở đây. Nhìn những gương mặt rạng ngời trong những bộ quần áo mới, tôi quên hết cả mệt nhọc. Và thế là, tôi đã được chạm đến vùng đất vốn đã trở thành kí ức của Thụy. Trên đỉnh đầu là những sợi dây cáp treo lơ lửng. Dưới chân là những con dốc nho nhỏ màu đỏ quạch từng làm mòn đôi dép tổ ong của anh.

Nhưng cuộc sống nơi này đang trên đà thay da đổi thịt. Hệ thống viễn thông cũng gần như được phủ rộng khắp. Lòng tôi thầm cảm ơn những ngày tháng bôn tẩu của anh tại nơi này. Cảm ơn anh đã khiến tôi thèm được đi, được thưởng thức cá niên nướng béo ngậy, thơm phức, đĩa rau dớn xào giòn giòn, chát chát, giờ vẫn còn nhẫn nhẫn nơi cổ họng.

Giấu mặt sau lớp vải dù mỏng, tôi lại nhớ anh, nhớ núi rừng Tây Bắc đến nao lòng.

Truyện ngắn của Hương Văn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nguoi-dan-ong-tren-nui-652406/